Tuesday, July 29, 2008

Trẻ con không được xem kịch cổ điển

Sao lại cấm trẻ em xem kịch cổ điển? Ở tuổi từ 10-15 là tuổi bắt đầu có sự định hình nhân cách, lẽ ra cần khuyến khích trẻ em tìm đọc/xem các tác phẩm cổ điển thì Nhà hát Tuổi Trẻ lại cấm trẻ em vì lý do tự cho rằng khán giả dưới 15 tuổi không đủ hiểu biết để cảm nhận những lời thoại trong kịch cổ điển.

Đấy, một mặt thì người ta vẫn kêu than là sao trẻ con bây giờ chỉ cắm đầu vào truyện tranh mà không chịu đọc/xem các tác phẩm "đích thực", mặt khác lại cấm trẻ em xem kịch cổ điển vì cho rằng dưới 15 tuổi thì không cảm nhận được ngôn ngữ tác phẩm (và sau ngày sinh nhật thứ 15 thì bọn trẻ sẽ cảm nhận được?).

Đúng là việc để trẻ quá nhỏ xem kịch có thể không tốt tới không khí chung, như việc bọn trẻ khóc hay đòi cái này, cái kia. Nhưng hoàn toàn có thể cho phép trẻ trên 10 tuổi đi cùng bố mẹ hay người lớn đến xem kịch cổ điển, cũng là một cách để chúng làm quen với tác phẩm. Nếu cấm trẻ em dưới 15 tuổi đi xem kịch cổ điển thì liệu sắp tới, chúng ta có nên cấm luôn trẻ em dưới 15 tuổi đọc Schiller, Goethe, Shakespeare, Moliere... không, với lý do chúng không thể "cảm nhận" lời thoại trong tác phẩm? Và khi vở diễn này được chiếu trên TV, liệu truyền hình có nên gắn nhãn là cấm trẻ em dưới 15 tuổi xem, cho phù hợp với tinh thần khi công diễn?

Vở kịch Âm mưu và tình yêu: Vì sao cấm khán giả dưới 15 tuổi?

"Ông Trương Nhuận - Phó GĐ NH Tuổi trẻ cho biết, vở diễn không dành cho khán giả dưới 15 tuổi. Nếu như trước đây, NH Tuổi trẻ cũng từng “đóng” cho vở diễn “mác”: cấm khán giả vì nhiều lý do (với kịch thơ Hàn Mặc Tử là vì những cảnh “nóng” khỏa thân dưới ánh trăng, với kịch Quỷ nhập tràng là vì những màn diễn ma quỷ…) thì lần này, lý do lại thuần túy nghệ thuật: Tập cho khán giả thói quen thưởng thức những vở cổ điển đúng tính chất nghiêm túc của những vở diễn! Ông Trương Nhuận cho rằng, khán giả dưới 15 tuổi không đủ hiểu biết để cảm nhận những lời thoại trong kịch cổ điển, hơn nữa, sự có mặt của các em nhỏ trong rạp có thể ảnh hưởng tới việc thưởng thức những vở kịch này."

No comments: