Trong bài, tác giả nói ra rất nhiều điều, nhưng toàn chung chung, không chỉ ra được một ví dụ nào cả (không rõ có phải ngại các bạn "nhà văn mạng" phản đối khi bị nêu tên ra?) .
Thực ra hiểu thế nào là nhà văn mạng cũng không đơn giản. Nếu bám vào ý trong bài viết của Vĩnh Nguyên thì nhà văn mạng có thể được hiểu như những người viết hoàn thành và công bố tác phẩm mình trên mạng trước khi trên sách in. Trong trường hợp này, thì có hai dạng. Thứ nhất là các nhà văn công bố tác phẩm trên blog hay forum trước khi in. Có thể kể: Trần Thu Trang, Trang Hạ, Ha Kin, Cấn Vân Khánh, Đặng Thiều Quang, Di Li, Doãn Dũng..., gần hơn có thể kể Nguyễn Quang Lập với cả ghi chép nửa truyện, nửa chuyện. Khái niệm "nhà văn mạng" mà Vĩnh Nguyên dùng chắc để chỉ những tác giả thuộc dạng này.
Dạng thứ hai là các nhà văn công bố tác phẩm mình trên các trang web văn nghệ như Tiền Vệ, Talawas, Da Màu, Văn Nghệ Đồng Bằng Sông Cửu Long..., ví dụ như Nguyễn Viện, Như Huy, Thận Nhiên, Trấn Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thanh Phượng....Tôi không rõ những nhà văn này có được Nguyễn Vĩnh Nguyên coi là "nhà văn mạng" không?
Bài viết của Vĩnh Nguyên hơi dễ dãi, thiếu chặt chẽ và không đi vào vấn đề cụ thể, lại có quá nhiều các khái quát khó biết đúng sai. Vĩnh Nguyên cũng hơi chủ quan khi cho rằng để trở thành nhà văn mạng best-seller hay thành hot blogger là một việc dễ dàng.
Thực ra, các "nhà văn mạng" chỉ khác các nhà văn "không mạng" hay "ít mạng" (như Nguyễn Vĩnh Nguyên, hình như cũng có blog nhưng không chăm post bằng các nhà văn mạng) ở phương tiện họ sử dụng để tiếp thị tác phẩm và tiếp cận bạn đọc. Không thể quy những thuộc tính như "lảm nhảm về tình yêu" "gay, lesbian" "tự do tình dục"... như là những thuộc tính riêng của văn học mạng, bởi vì nếu đọc một số truyện ngắn 8x hay của một số tác giả văn học thị trường nhưng không phải nhà văn mạng (ví dụ Dương Thụy), cũng hoàn toàn thấy sự tương đồng về mặt chủ đề và nội dung. Nó thuộc về dòng chảy văn học thị trường hiện nay, vừa là sự đáp ứng thị hiếu người đọc (những cái nửa mới nửa cũ, những cái vừa có thể diễn ra lại vừa có hơi hướng fantasy như chuyện tình công sở, chuyện tình du học...) đồng thời cũng là một sự phản ứng, một kiểu đi ngược lại của các cây bút trẻ, khi họ muốn nói tới những vấn đề mà các thế hệ nhà văn trước họ không dám nói. Một phần đáng kể tác phẩm của các cây bút trẻ này, đúng là không có mấy giá trị văn học, chỉ đọc để giải trí theo kiểu đọc mục Tâm Sự trên Vnexpress hay diễn đàn Webtretho. Nhưng nếu phân tích thì vấn đề là vấn đề chung của văn học trẻ, chứ không phải là sự đối nghịch giữa văn học mạng với văn học không mạng, văn học ít mạng.
Khi văn mạng “đo” thị trường đọc?
Xin trả lời: quá dễ. Và đây là công thức đúc kết được từ những hiện tượng văn học mạng trong thời gian gần đây mà chúng tôi quan sát được: Chỉ cần vốn liếng là chiếc máy tính nối mạng và khả năng siêng blogging, chịu khó kể những câu chuyện lảm nhảm về tình yêu, công việc, nhớ pha thêm một số cảnh sex nóng bỏng, lãnh cảm hay bất lực; thủ dâm hay cuồng loạn vũ trường quán xá; gay, lesbian hay ngoại tình; phơi bày bản thân; phản ánh những mốt chơi thời thượng như vespa, chụp ảnh hay ngồi nhìn mưa và nói chuyện đi du học… Tất cả cứ trắng phớ ở tầng nghĩa thứ nhất để đỡ mất công suy nghĩ hay thao thức. Chẳng cần bút pháp thủ pháp gì mất công, chỉ cần đừng quên chua vào một số câu cảm thán triết lý về sự đời bế tắc, cô đơn, tuyên bố tự do tình dục, tỏ vẻ sâu sắc và to tiếng phản kháng... Chắc chắn những entry ấy sẽ đắt comment và bạn sẽ trở thành một hot blogger."
No comments:
Post a Comment