Monday, November 12, 2007

Entry for November 12, 2007

1. Bài của Lương Xuân Hà trên Tia Sáng: “Sự phản tỉnh về một giải thưởng”.

Trong bài, tác giả dùng rất nhiều chữ “chúng ta”: chúng ta thế này, chúng ta thế khác, nhưng hoàn toàn không rõ chữ “chúng ta” mà tác giả sử dụng nhằm chỉ đối tượng nào: người đọc báo Tia Sáng, người đọc sách ở Việt Nam, giới nghiên cứu-dịch thuật-xuất bản sách hay chính phủ Việt Nam? Ví dụ trong câu này “Liệu trước giải Nobel, có ai trong số chúng ta biết đến Cao Hành Kiện, J.M. Coetzee hay V.S. Naipaul?”. Nếu chữ “chúng ta” đó là chỉ người đọc nói chung thì có thể nói thẳng là không chỉ người đọc Việt Nam mà cả người đọc thế giới cũng chẳng mấy ai biết tới Cao Hành Kiện, Coetzee hay Nailpaul trước khi họ có giải Nobel. Còn nếu chỉ giới nghiên cứu- phê bình-giảng dạy văn học thì chữ “chúng ta” ở đây là hơi vô duyên.

Hay câu này nữa cũng vô duyên không kém do sự lạm dụng chữ chúng ta: “Phải chăng, giải Nobel chính là dịp để chúng ta phản tỉnh? Về mối quan hệ giữa nền văn chương của chúng ta và chính chúng ta với phần còn lại của thế giới.”

Trong bài còn có một số chi tiết chưa chính xác và khá nhiều lỗi chính tả (về lỗi chính tả thì trách nhiệm phải thuộc về ban biên tập báo Tia Sáng, tờ này mệnh danh báo của trí thức mà rất ẩu trong cách trình bày):

Tác phẩm Linh sơn của ông có tới hai bản dịch, từ tiếng Pháp và từ tiếng Trung.” Chính xác thì có ba bản dịch, hai từ tiếng Trung và một từ tiếng Pháp. Chữ Linh Sơn cũng nên viết hoa cả hai chữ.

“Trái lại, việc giới thiệu những giá trị đích thực nhiều khi lại là một thứ "ăn theo", dù hết sức sang trọng: ăn theo những giải thưởng, những cuốn sách Best seller.” Chữ Best seller không viết hoa chữ best và nên để chú thích trong ngoặc bằng tiếng Việt nếu không dịch trực tiếp là sách bán chạy.

“giải Asturias của Tây ban nha, giải German Federal Republic Shakespear...” Chữ Tây Ban Nha cũng cần viết hoa đầy đủ, chữ Shakespeare sai chính tả, còn giải thưởng German gì gì đó thì tớ google ra là giải Shakespeare-Preis der Alfred Toepfer Stiftung F. V. S., Hamburg. Nếu không dịch đầy đủ tên giải thì tác giả cũng nên dịch là giải Shakespeare của Đức chứ không thể để tên giải loằng ngoằng nửa Tây nửa Việt.

“Và bao nhiêu người trong số ấy có vị trí trong trương trình giảng dạy và nghiên cứu của các đại học và các trung tâm nghiên cứu văn chương chính của cả nước?”. Chữ “chương trình” sai chính tả.


Phần chú thích:
ảnh trên cùng: Orhan Pamuk, Nobel văn chương năm 2006. Ba cuốn tiểu thuyết của ông đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản.” Nếu tớ không nhầm thì một số cuốn của Orhan Pamuk đã được dịch ra tiếng Việt nhưng chưa xuất bản.

2. Cũng trên Tia Sáng có bài điểm hai cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn mới được dịch ra tiếng Việt: "Một người Việt Nam thầm lặng" của Jean-Claude Pomonti và “Điệp viên hoàn hảo” của Larry Berman. Bài điểm sách này viết sai tên của Graham Greene hai lần thành Green. Bài điểm sách này hầu như không đề cập tới giai đoạn hậu chiến của Phạm Xuân Ẩn ngoài câu sau “Và đặc biệt, cả hai cuốn sách đều dựng lại được những mối băn khoăn của ông Ẩn thời hậu chiến. Tất nhiên, nhiều thông tin trong đó có thể là chưa chính xác (như mối quan hệ giữa ông Ẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn sách của Pomonti) hoặc cần phải tiếp tục kiểm chứng.” Tất nhiên, thông tin về sự nghi kỵ của cơ quan an ninh và phần nào sự bất bình và vỡ mộng của ông Ẩn sau năm 1975 có thể là thông tin khá nhạy cảm nhưng trong khi các cuốn sách này đã được phát hành ở Việt Nam thì việc điểm sách cũng không nên lướt qua như thế.

Thêm nữa, cuốn “Điệp viên hoàn hảo” được dịch rất tệ, có thể đọc bài bình luận trên blog bác Nghe chửa để biết thêm về việc dịch thuật cuốn này. (Tớ có đọc bản trên Vnthuquan và thấy dịch thuật rất ngớ ngẩn nhưng vì là đọc bản không chính thức và có thể do lỗi đánh máy nên không có ý kiến gì). Thế nhưng bài điểm sách chẳng hề nói nửa câu tới chất lượng bản dịch, trong khi lẽ ra với một tác phẩm được dịch từ tiếng nước ngoài thì việc đánh giá chất lượng bản dịch là rất cần thiết.

3. Tình cờ thấy bài này trong mục blog Việt của VNN, đọc buồn cười thế. Người viết là Dr. Neo, hình như cũng là một blogger có tên tuổi và không còn quá trẻ.

Trích vài đoạn thôi, khỏi cần bình luận:


“Và liệu khi được biết về Hai Bà Trưng hay Bà Triệu, người Pháp có thấy được sự tương đồng và có bị thuyết phục bởi tính bi hùng diễm tuyệt từ một dân tộc mà "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" hay không?...

Châu Âu nổi tiếng là cái nôi của chủ nghĩa tư bản qua những cuộc cách mạng tư sản Hà Lan, Anh, Pháp... Thế n
hưng, Việt
Nam chúng ta có một Hồ Quý Ly (1400s - có nghĩa là trước đó hơn 300 năm) đã nghĩ đến chuyện khuếch trương thương mại, khoa học kỹ thuật, sử dụng tiền giấy, sử dụng thuốc súng, quản lý nhà nước bằng pháp quyền hiện đại... Vậy thì người Châu Âu có đủ để "nể" chúng ta không?

Với người Anh, quân sự là cái họ rất quan tâm. Có lẽ là vì nhờ nó mà họ đã có được một đế quốc rộng lớn nhất thế giới, và góp phần giúp tiếng Anh trở thành ngôn ngữ Quốc tế. Thế nhưng, bản thân người Anh, khi đề cử ra 10 vị tướng xuất sắc nhất trong lịch sử nhân loại, họ đã đề cử 2 người: Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo. Vậy thì nếu như những người bình dân Anh họ biết về Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo, họ có nể cái dân tộc đã có thể sản sinh ra 20% những vị tướng kiệt xuất nhất hay không?”

4. Trên Wikipedia tiếng Việt có entry về lịch sử kinh tế miền Nam 1955-1975. Copy cái reference vào đây, để về Hà Nội kiếm hai quyển của Đặng Phong và Trần Văn Thọ xem sao.

No comments: