Thursday, November 01, 2007

Và khi tro bụi

Đọc trên mạng, đã thấy có một số ý kiến bàn thảo khác nhau về cuốn Và khi tro bụi. Để lúc nào rảnh (và có hứng) mình thử viết về cuốn này xem sao. Nhưng muốn viết nghiêm túc thì phải đọc lại vì đọc từ lâu lắm rồi, mà giờ thì không có hứng đọc lại lắm.

Dù sao, cũng có vài nhận xét ngắn gọn sau:

- Người đọc cuốn này thông thường sẽ có một trong hai cảm giác: hoặc thích, hoặc ghét nó. Người thích cuốn này thường vì thích cái không khí mà cuốn sách tạo nên được, cùng với giọng văn bàng bạc, đầy chất thơ của nó. Người không thích thì sẽ khó chịu vì kết cấu tưởng như lỏng lẻo, giọng văn hơi Tây quá, lý tính, dài dòng quá và cốt truyện hình như chẳng có gì.

- Phụ nữ có thể có xu hướng thích cuốn này hơn đàn ông. Cái này là suy đoán thôi. Nhưng giọng văn hướng nội và tâm trạng nữ tính của tiểu thuyết cũng sẽ hợp với phụ nữ hơn.

- Tôi thử nghĩ tới một tiểu thuyết Việt Nam nào có thể có liên tưởng tới cuốn này, nhưng không nghĩ ra. Về tiểu thuyết nước ngoài, tôi nghĩ tới Linh Sơn của Cao Hành Kiện, và (không hiểu sao) tới Mrs Dalloway của Virginia Woolf. Và một chút Rashomon.

- Đánh giá cá nhân thì cuốn này cùng với T mất tích của Thuận và Ngồi của Nguyễn Bình Phương là các tiểu thuyết Việt Nam đáng chú ý nhất trong vài năm qua. Cả ba cuốn đều có những đặc sắc về bút pháp, có những tìm tòi và sự lựa chọn con đường riêng của các tác giả. Trong ba tác giả này thì hai người sống ở nước ngoài đã lâu, và ảnh hưởng khá nhiều từ văn học phương Tây. Nguyễn Bình Phương thì sống trong nước nhưng có vẻ như anh có cá tính khá độc lập, chịu khó tìm tòi và ít chịu ảnh hưởng từ các nhà văn khác.

- Tại sao tôi thích và đánh giá cao “Và khi tro bụi”? Thứ nhất là tính thơ của tiểu thuyết- điều mà hiếm khi tôi thấy được ở các tiểu thuyết tiếng Việt. Ví dụ, như trong các tiểu thuyết bằng tiếng Việt tôi đọc trong năm 2007 (không nhiều, chắc trên 10 cuốn một chút thôi- kể cả sách dịch) thì tôi chỉ thực sự cảm thấy tính thơ ấy trong “Và khi tro bụi” và Linh Sơn. Tất nhiên, “Và khi tro bụi” không thể so sánh được với Linh Sơn, một tác phẩm đồ sộ và gần như hoàn hảo. Nhưng tính thơ của ngôn ngữ trong Và khi tro bụi thì là điều thực sự hiện hữu. Thứ hai, song song với tính thơ và cảm xúc thấm đượm trong cuốn sách lại là sự tồn tại của lý tính và sự tự kiềm chế. Đọc cuốn này có thể thấy Đoàn Minh Phượng rất thận trọng với chữ của mình. Tuy nhiên, cũng có thể đó sẽ lại là một hạn chế của tác giả, sự thận trọng, và kiềm chế của chị đôi khi khiến cho tác phẩm hơi bị gò bó, cũng như các nhân vật chịu dấu ấn của tác giả quá nhiều. Có một số người chê giọng văn chị Phượng trong cuốn này hơi “Tây” nhưng chính ra tôi lại thích cái giọng văn (cứ cho là) hơi “Tây” ấy, nó gợi ra một cách nhìn khác về tác phẩm, đặt người đọc vào một vị trí khác (một tình huống hơi lost in translation). Murakami ở Nhật cũng hay bị các bạn đồng nghiệp chê là có giọng văn Tây. Nhưng thật ra, tôi không nghĩ là giọng văn chị Phượng “tây” mà nghĩ là chị trau chuốt từ ngữ theo cách mà chị thấy hợp lý, nhằm tạo ra hiệu quả tác phẩm.

- Về mặt cấu trúc, tác phẩm khá hấp dẫn khi bắt đầu đọc, nhưng tới chừng 1/3 thì đọc bắt đầu không dễ vào. Lúc này, người đọc phải kiên nhẫn, đọc từ từ để thưởng thức thì mới có thể đi tiếp, nếu chỉ quan tâm tới nội dung và tình tiết thì sẽ rất chán và muốn bỏ cuộc. Đó là chưa kể bầu không khí khá u ám và nặng nề trong cuộc hành trình tìm kiếm một cái gì đó tưởng như hữu hình, mà thật ra là vô hình của nhân vật An Mi. Có thể nói là tác phẩm này khá kén độc giả là vì thế. Nhưng điều này cũng không có gì lạ. Ngay cả giới nhà văn Việt Nam, nhiều người cũng không thể đọc hết các cuốn như Linh Sơn hay Cái trống thiếc. Còn trên thế giới, nhiều nhà văn chuyên nghiệp cũng bỏ dở, chẳng đọc được hết Ulyssey. Có những cuốn sách được viết ra không phải để cho người đọc có thể enjoy một cách vô điều kiện. Đúng hơn, các cuốn sách đó là các chặng đường mà các nhà văn tự đi, tự khám phá bản thân, và khi người đọc có thể đi cùng được (ở một mức độ nào đó) thì họ mới có thể enjoy được (ở một mức độ nào đó).

- Về tình tiết và cốt truyện, tôi thấy câu chuyện hay nhưng vẫn có gì đó hơi cụt ở đoạn cuối, hơi gường gượng trong cái kết, mặc dù ý tưởng ở cái kết thì hay.

- Sự thật: đó là cái tồn tại hay cái mà chúng ta (muốn) tin là nó tồn tại?

- Các cuộc hành trình là để đi tìm cái ở trong mình hay để trốn chạy cái vẫn ở trong mình?

- Cuối cùng thì các nhận xét của mình cũng chẳng ngắn gọn cho lắm.

No comments: