Wednesday, November 14, 2007

Entry for November 14, 2007

Hehe, tình hình là phóng tinh viên Sơn Khê bên Vietimes lại tiếp tục trò xiếc khỉ mua vui cho các bạn qua các bài phỏng vấn đậm tinh thần hài hước của bạn. Mũi dùi của bạn đợt này được chĩa vào các vị tiến sĩ, cao học nước nhà.

Trong bài đầu tiên, bạn “đột nhập” vào một lớp cao học môn Lịch sử Đảng (!) và đặt bảng câu hỏi kiểm tra kiến thức học viên bằng các câu hỏi kiểu như Đường lên đỉnh Olympia cho các học viên cao học: Vị trạng nguyên nào trong lịch sử được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên”?” Trong bài này còn có một chi tiết không chính xác khi đoạn sa-pô ghi “41% học viên cao học - nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử không biết ai là vị vua đầu tiên đóng đô tại đất Thăng Long, lấy hiệu là Vạn Xuân.” Trong khi đoạn dưới, ở phần các câu hỏi thì đây là câu số 4: “4. Tên vị vua đầu tiên đóng đô tại đất Thăng Long, lấy Quốc hiệu là Vạn Xuân?” với kết quả: Đúng 77.3% Sai 18.2% Không trả lời 4.5%. “ Vậy thì tỷ lệ không biết ai là vị vua đầu tiên đóng đô ở Thăng Long lấy Quốc hiệu Vạn Xuân phải là 23% thôi chứ sao lại 41%. Chưa kể bản thân câu hỏi này cũng không chính xác vì tên đất Thăng Long được đặt sau tên nước Vạn Xuân khoảng 500 năm thì làm sao có vua nào vừa đóng đô tại Thăng Long lại vừa đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân chứ?

Dù thế nào thì việc đưa ra những kết luận đao to búa lớn từ một cuộc điều tra vớ vẩn như thế là khó chấp nhận. Một nhà nghiên cứu không nhất thiết phải biết cụ thể những chuyện như Quốc hội vừa rồi thông qua luật nào hay Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ ký năm 2001 hay 2002 hay thủ lĩnh khởi nghĩa Đô Lương là Nguyễn Văn Cung hay Nguyễn Hồ Cung.

Btw, tôi cũng chỉ trả lời được 70% (7/10) câu hỏi của các cô/chú phóng tinh viên Sơn Khê đó, tuy cao hơn tỷ lệ trung bình của các học viên cao học Lịch sử Đảng là 53% nhưng chắc cũng đủ để bạn Sơn Khê gọi là nghiên cứu sinh giấy rồi :D.

Nhưng tới bài thứ ba thì sự ngớ ngẩn xiếc khỉ của Sơn Khê và đồng bọn mới càng nhố nhăng khi đi phỏng vấn ba tiến sĩ bằng các câu hỏi ngô nghê và sung sướng khi nhận được các câu trả lời ngô nghê của người được hỏi. Khổ thân anh giai Ngô Tự Lập và hai vị tiến sĩ khác bị dính quả này. Anh Ngô Tự Lập nghiên cứu văn học chứ có nghiên cứu lịch sử thiền phái Trúc Lâm đâu mà cần phải biết Huyền Quang là Lý Đạo Tái chứ không phải là vua? Dù anh ấy nghiên cứu văn học Pháp thì cũng không cần thiết (và về nguyên tắc là không thể) biết ông Ra bờ lai có nói câu "Mọi ước nguyện đều sai lầm”? hay không.

Phần hỏi ông Bùi Công Thọ thì rõ ràng ông Thọ hiểu lầm nhưng phóng viên không hề nhắc cho ông ấy hiểu thực sự câu hỏi anh ta (chị ta) muốn hỏi. Tất nhiên ông ấy có thể hoàn toàn không biết Trại trạng nguyên là chức trạng nguyên cho người Thanh- Nghệ, và hiểu trại trạng nguyên như một thứ trại sáng tác. Việc này một phần do sự lạm phát chữ trạng nguyên trên báo chí, ví dụ chúng ta vẫn nghe thấy trạng nguyên FPT, “trạng nguyên” trường Đại học XYZ…. Nhưng phóng viên thì như bắt được vàng và phấn khởi như đã chứng minh được sự ngu dốt của tiến sĩ ở Việt Nam thuộc mọi ngành nghề bằng mấy câu hỏi ấm ớ dở hơi của mình. Rất có thể các ông Lập, Quân, Thọ đã trả lời chính xác nhiều câu hỏi khác nhưng không được Vietimes nêu trong bài, trước khi bị vướng vào một hai câu trên. Cũng rất có thể họ không hề biết dụng ý biến họ thành thí sinh trả lời trắc nghiệm của Vietimes khi làm phỏng vấn. Cái kiểu phỏng vấn gài bẫy rồi mừng rú lên khi bị người kia bị vướng vào của Vietimes thật là bần tiện và thiếu văn hóa. Những phóng viên như Sơn Khê kia quả là làm xấu mặt cả nghề nhà báo.

Tất nhiên giáo dục Việt Nam hiện nay có quá nhiều vấn đề, từ bậc phổ thông cho tới bậc tiến sĩ, và không thiếu gì các tiến sĩ, thạc sĩ giấy. Nhưng đó cũng không phải là chỗ để những kẻ thiếu giáo dục như Sơn Khê tán nhảm.

No comments: