Tuesday, November 20, 2007

Về sự tôn vinh người Việt


Bài này trên Tia Sáng nêu lên vấn đề trong việc báo Tuổi Trẻ tôn vinh nhân tài gốc Việt. Bài gốc trên báo Tuổi Trẻ là ở đây. Bài liên quan phỏng vấn TS Võ Đình Tuấn ở đây.

Trích đoạn mở đầu:

“Creator Synectics, một công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu trụ sở tại Anh, vừa công bố danh sách "100 thiên tài đương thời thế giới". Trong danh sách có một nhà khoa học gốc Việt là tiến sĩ Võ Đình Tuấn, xếp hạng 43.”

Trong bài thì tên công ty kia lại là “Creator Synetics",

Tôi thử Google với cả hai cái tên. Kết quả là có 231 kết quả tìm kiếm với “Creator Synetics”, trong 10 trang kết quả tìm kiếm đầu tiên thì có 7 trang bằng tiếng Việt và ba trang bằng tiếng nước ngoài nhưng không phải tiếng Anh và đều đưa đưa lại tin trên. Với cái tên “"Creator Synectics" có 662 kết quả tìm kiếm và 9/10 kết quả đầu tiên là bằng tiếng Việt.

Thử tìm kiếm với cụm từ tiếng Anh “Top 100 living geniuses” thì có 17,200 kết quả tìm kiếm. Trong 10 kết quả đầu tiên thì có 3 bài từ báo chí, 7 bài từ các blog. Trong ba bài từ báo thì có một tờ báo tiếng Anh đưa tin là tờ Telegraph (thông tin của báo Tuổi Trẻ chắc cũng là từ đây). Hai tờ báo khác đưa tin là trang tin tiếng Anh của VNN và Thanh Niên (hình như Tuổi Trẻ chưa có trang tiếng Anh?). Rõ ràng nền báo chí Việt Nam chúng ta đã rất tự hào khi có một người đứng trong danh sách 100 thiên tài thế giới.

Tìm thêm thông tin về TS. Võ Đình Tuấn thấy tên ông được nhắc tới khá nhiều. Ông hiện đang là Viện trưởng một viện vật lý trực thuộc Đại học Duke (cũng là một đại học danh tiếng ở Mỹ). Số publications của ông cũng rất đáng nể: gần 400 bài báo khoa học hay sách. Ông cũng từng đoạt nhiều giải thưởng khoa học và có hơn 30 bằng sáng chế. Như vậy có thể thấy ông cũng là một nhà khoa học tài năng.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào bình chọn của một công ty không tên tuổi để rồi tôn vinh ông Võ Đình Tuấn như một thiên tài hàng đầu thế giới, như cách mà báo Tuổi Trẻ thực hiện thì hơi bị giàu tính tự hào không phải lối.

Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất, thực tế thỉnh thoảng đọc báo chúng ta vẫn đọc được những tin bài tôn vinh gương sáng người Việt mà thực ra những thành tích ấy không hoàn toàn có giá trị tương xứng với những mỹ từ mà báo chí dành cho họ (dù có thể vẫn rất đáng kể và có tầm vóc so với Việt Nam chúng ta). Các đây vài năm báo chí còn tôn vinh nhiều nhà khoa học là Viện sĩ viện hàn lâm này, hay có tên trong danh sách vĩ nhân thế kỷ 20 của Trung tâm kia mặc dù thực ra việc có tên trong danh sách vĩ nhân hay được là Viện sĩ này nọ chỉ là việc mua danh, bỏ ra vài nghìn đô để lấy cái danh đó (tất nhiên đối tượng được mời chào mua danh thường cũng phải có học vị nhất định trước đó, và thường là sinh sống ở các nước đang phát triển có ít thông tin). Đến nay thì do nhiều thông tin hơn, ít ai còn lên báo khoe mình là Viện sĩ hay vĩ nhân như trước, và báo chí nói chung cũng ít bị tẽn tò bởi những tôn vinh ngớ ngẩn đó nữa.

Trường hợp “100 thiên tài đang còn sống” này thì không giống như các tôn vinh kiểu tôi vừa nói. Nhưng báo chí Việt Nam lẽ ra nên cẩn thận hơn trong việc đưa những tin như thể đây là một cuộc bình bầu có uy tín và nghiễm nhiên coi ông Võ Đình Tuấn như một thiên tài hàng đầu thế giới. Đó chỉ là một cuộc bình bầu vớ vẩn của một công ty cũng vớ vẩn nốt, với mục đích chắc không ngoài việc lăng xê tên công ty đó lên báo chí mà thôi.

Trong các bài đưa tin về bình bầu này có bài trên blog của một nhà bình luận báo Guardian (Anh). Trích dịch một đoạn thay cho kết luận:

“Tôi biết là lẽ ra tôi không nên coi việc này là việc nghiêm chỉnh. Mọi người bảo với tôi rằng “chỉ vui thôi mà”, nhưng tôi vẫn cảm thấy tức giận một cách khó lý giải. Cái danh sách này được đưa ra nhằm liệt kê 100 thiên tài đang còn sống trên thế giới, cho dù lĩnh vực hoạt động của họ là gì....

Tôi không thể chấp nhận rằng một việc làm thô tệ trong ý tưởng và thực hiện với phương pháp nghiên cứu không thể chấp nhận được, và thiên lệch dẫn tới những kết luận ngớ ngẩn như thế lại có thể được coi “chỉ vui thôi mà”. Tôi thấy buồn phiền trước việc nhiều tờ báo đưa kết quả như thể chúng từ một nguồn có uy tín. Tôi tức giận khi thấy cái công ty đưa ra thứ rác rưởi này lại vì thế mà nhận được sự chú ý của dư luận. Và đây mới là điểm quan trọng. Nguy cơ hiển hiện là những bình bầu điên rồ như thế này sẽ nhanh chóng được coi như là sự thật khách quan, được trích dẫn trên Wikipedia và những thứ tương tự. Các thế hệ tương lai do không biết kỹ càng- và thực ra cả người đọc bây giờ nữa- sẽ thành thực tin rằng Brian Eno là thiên tài âm nhạc”

No comments: