Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động
Loạt bài trên Thanh Niên về học giả Lê Mạnh Thát (từng là Thượng tọa Thích Trí Siêu trước khi bị chính quyền CHXHCN Việt Nam kết án tử hình sau giảm thành tù giam vào những năm 80, sau đó ông hoàn tục) và những phát hiện của ông. Ông Lê Mạnh Thát cùng với thượng tọa Tuệ Sỹ từng được coi là những nhà tu hành uyên bác nhất ở miền Nam trước năm 1975.
Bỏ qua các ngôn từ đao to búa lớn của nhà báo, các "phát hiện" của ông Thát có "chấn động" thật không còn chưa biết nhưng nói chung có lẽ cũng đáng đọc.
Đáng chú ý là ông bác bỏ câu chuyện về An Dương Vương, cho rằng truyện này lấy từ đoạn về trận đánh quyết định giữa hai gia đình trong sử thi Mahãbhãrata của Ấn Độ (lấy như thế nào thì tiếc thay lại không thấy nói rõ hơn trong bài báo, tớ trước đây có đọc qua đoạn trích trận đánh quyết định trong Mahãbhãrata nhưng không thấy sự liên quan nào cả) và cho rằng nước Việt vẫn là triều đại Hùng Vương cho tới khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Nhưng không hiểu ông giải thích thế nào về tộc Âu Việt, có tộc đó hay không có, địa bàn của họ (trong Sử ký Tư Mã Thiên gọi là Tây Âu) có nằm trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay và tiến tới đồng bằng sông Hồng như sử chính thống Việt Nam nêu hay không?
Ông Thát muốn phải căn cứ vào Sử ký và các tài liệu có niên đại cổ, nhưng trong Sử ký có đoạn Triệu Đà nói với sứ thần nhà Hán "Ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng là vương", vậy nước Âu Lạc này có bao gồm Việt Nam ngày nay không. Nếu hiểu "ở phía Tây" thì có lẽ địa bàn lúc này của Âu Lạc phải bao gồm ít ra một phần tỉnh Quảng Tây, nếu không thì Triệu Đà đã nói "ở phía Nam".
Trong bài báo có đoạn viết "Trong khi đó, căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thống xưa nhất của Trung Quốc, cụ thể là Sử ký của Tư Mã Thiên và Tiền Hán thơ, chúng ta hoàn toàn không thấy có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương hay tương tự, mà các tài liệu đó còn có những thông báo xác định rõ ràng là cho đến hết thời Triệu Đà cùng cháu chắt ông ta làm vua Nam Việt bên đất Trung Quốc, nước ta vẫn đang có vua và đang là một nước độc lập."
Nhưng nếu đọc Sử ký, phần lời bình của Tư Mã Thiên có câu sau "Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt", vậy có phải câu này ám chỉ việc Triệu Đà chiến tranh với Âu Lạc? Đoạn trên thì nói rõ "Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình". Như vậy, rõ ràng Âu Lạc đã bị phụ thuộc vào nhà Triệu từ thời Triệu Đà qua các biện pháp kết hợp chiến tranh và mua chuộc thủ lĩnh.
Ở đoạn trên cũng có câu sau khi nhà Hán đánh dẹp Nam Việt:
"quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán". Quế Lâm thuộc Quảng Tây và khó có khả năng quan giám ở Quế Lâm lại dụ được dân Âu Lạc ở đồng bằng sông Hồng? Vậy nhiều khả năng, Âu Lạc được Tư Mã Thiên lúc đó là người Việt sống ở Quảng Tây, thời Nam Việt, họ có xưng vương lập nước nhưng sau đó bị Triệu Đà sát nhập vào lãnh thổ Nam Việt (nhưng có thể vẫn duy trì chế độ tự trị ở các vùng này). Đến thời nhà Hán thì họ lại bị sát nhập vào Hán.
Còn việc Âu Lạc có bao gồm Lạc Việt tức là đồng bằng sông Hồng hay không thì rất khó biết. Sử ký không nhắc gì tới vùng lãnh thổ này. Không biết Hán Thư và Hậu Hán Thư có nói gì không? Các tài liệu này hình như đều có trên mạng, nếu bác nào biết tiếng Trung chắc có thể tra cứu.
Nhưng nếu ông Thát nói đúng thì lý giải thế nào về thái thú Tô Định mà Hậu Hán Thư có ghi rõ họ tên? Thực ra tớ nghĩ cho tới trước khi có cuộc chinh phục của Mã Viện thì Việt Nam hiện nay là một lãnh thổ tự trị và ách cai trị, đồng hóa của nhà Hán chỉ siết chặt sau cuộc khởi nghĩa này (chú ý thời nhà Triệu Đà, các quan lại từ Tể tướng trở xuống hầu hết đều là người Việt, Triệu Đà chỉ mang cách tổ chức chính quyền áp dụng trên vùng lãnh thổ mà ông ta làm vua). Nhưng " khẳng định nước ta là nước độc lập cho đến năm Mã Viện đánh bại cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng," thì lại là một việc rất khác và có nhiều mâu thuẫn.
Ông Thát nói không nên căn cứ vào các sách như "Giao châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí và Nhật Nam truyện" như chính sử Việt Nam nhưng bản thân ông lại căn cứ vào một quyển kinh là "Lục độ tập kinh" (căn cứ cụ thể thế nào thì bài báo không nói rõ) để đưa ra giả thiết của mình thì e là quá nhiều tính phán đoán.
Thursday, February 28, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment