Tình hình chính trị ở Thái Lan hiện đang rất phức tạp. Liên minh dân chủ nhân dân (PAD) chiếm văn phòng Thủ tướng và biểu tình rầm rộ ở thủ đô. Liên minh này thu hút đông đảo giới trung lưu ở các thành phố lớn và được sự ủng hộ của công nhân và giới công đoàn. Trong khi đảng cầm quyền của thủ tướng Samak- được coi là kế tục đảng của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin- lại được sự ủng hộ của nông dân. PAD đến giờ còn đề ra một chương trình vô lý, phản dân chủ khi lấy cớ là dân trí nông thôn kém để đòi 70% đại biểu Quốc hội sẽ do chỉ định chứ không phải do bầu. Nguyên nhân thực ra vì đảng của họ không nhận được sự ủng hộ ở vùng nông thôn, trong khi nông dân vẫn chiếm đa số dân số Thái (ở Việt Nam cũng có thời kỳ có 70 đại biểu Quốc hội do chỉ định là thời năm 1946, nhưng đó là trước sức ép quân sự của ngoại bang). Phát biểu trên của PAD là hết sức đáng thất vọng, nó cho thấy sự nông cạn và tính "tiêu chuẩn kép" trong quan niệm của họ về dân chủ (dân chủ cho "chúng tôi", không phải cho "chúng nó").
Những sự việc này cho thấy mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn Thái rất gay gắt, và rất khó hóa giải. Hơn nữa, việc này cũng cho thấy truyền thống chính trị ở Thái khi các cuộc đảo chính diễn ra như cơm bữa và nước này không có một cơ chế hữu hiệu nào trước việc này. Mâu thuẫn gay gắt giữa thành thị với nông thôn cũng là một đặc điểm chính yếu trong chiến tranh ở Campuchia trước đây giữa chính quyền Lonnon- được giới trung lưu ở đô thị ửng hộ- và Khmer Đỏ- nhận được sự ủng hộ của nông thôn. Chiến tranh giữa Lonnon và Polpot xảy ra ác liệt khi Lonnon lật đổ Sihanoux, có lẽ là người duy nhất ở Phnompenh lúc đó được nông dân Campuchia kính trọng và sùng kính. Sự khắc nghiệt trong cách đối xử của chính quyền Khmer Đỏ với cư dân đô thị sau chiến tranh không chỉ do ý thức hệ, mà còn do sự xung đột và căm ghét của nông thôn với thành thị.
Ở Thái cũng vậy, người duy nhất hiện nay có khả năng hòa giải giữa thành thị và nông thôn nước này là quốc vương Thái. Nhưng cho dù ông có hòa giải thì sự hòa giải của ông vẫn có tính bề mặt. Những sóng ngầm của sự xung đột vẫn rất lớn, mà nếu nước này không giải quyết tốt được vấn đề đó thì sẽ còn nhiều nguy cơ bất ổn trong tương lai. Người nông dân Thái chắc chắn có rất nhiều bất mãn vì sự thua thiết trong phát triển, về khoảng cách ngày càng tăng giữa thành thị và nông thôn, vì họ phải làm việc cật lực, con cái phải đi làm điếm ở Pattaya hay Phuket trong khi giới trung-thượng lưu ở Bangkok, Chiang Mai hưởng hầu hết các thành quả của phát triển kinh tế và gửi con cái đi học ở Mỹ hay Anh.
Nền dân chủ Thái có thực sự được hay không đòi hỏi hai vấn đề. Thứ nhất là chính quan niệm về dân chủ của giới trung lưu-thượng lưu ở Thái phải thay đổi. Trong khi giới này tự hào mình tây học và yêu dân chủ thì họ lại sẵn sàng cổ vũ cho quân đội lật đổ các chính phủ hợp hiến, dân cử, và khinh miệt dân nông thôn là "dân trí kém", chưa đủ năng lực để lựa chọn đúng người!. Thứ hai là quân đội nước này phải cam kết đứng ngoài các cuộc tranh chấp chính trị. Bằng không, nền dân chủ Thái Lan sẽ vẫn chỉ là một nền dân chủ giả hiệu. Về lâu dài thì chính sách của chính phủ nước này phải quan tâm hơn- và quan tâm một cách nhất quán chứ không phải là mị dân để mua phiếu bầu- tới nông dân và sự phát triển của nông thôn.
Tương lai phát triển của Việt Nam có lẽ phải tránh đi vào vết xe này. Trong thời gian qua đã có những mầm mống của những bất ổn trong mối quan hệ giữa nông thôn-thành thị có thể thấy qua việc lấy đất của nông dân và bồi thường rẻ mạt để xây khu công nghiệp hay sân golf, và tình cảnh của những đoàn người từ nông thôn kéo ra thành phổ khiếu kiện. Trong sự phát triển kinh tế, thường thì nông thôn luôn chậm hơn đô thị và đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng giải quyết tốt điều này thì mới tháo được những ngòi nổ của nguy cơ bất ổn và xung đột trong một tương lai không xa.
Wednesday, September 03, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment