Trên blog bác Võ Đắc Danh có bài phóng sự về tình trạng bần cố nông ở miền Tây Nam Bộ hiện nay.
Trích đoạn: "làm tá điền cho chế độ thực dân Pháp thì mỗi công đất chỉ nộp tô hai giạ lúa tới mùa, bây giờ thuê đất của nhà nước mà phải qua ba trung gian và với cái giá nầy thì quy ra mỗi công hơn sáu giạ"
Ba tầng trung gian ở đây là lâm trường, Văn phòng UBND huyện và nông dân giàu có. Tức là Nhà nước giao đất cho lâm trường, lâm trường giao cho văn phòng UBND huyện và văn phòng giao khoán lại cho nông dân giàu (trong trường hợp này là cháu Chủ tịch huyện), nông dân giàu lại cho tá điền thuê và thu tô.
Như vậy nếu năng suất lúa từ thời Pháp tới nay không tăng lên 3 lần thì đời sống tá điền còn tệ hơn thời Pháp.
Không biết có nghiên cứu nào về tình trạng mất ruộng đất ở nông thôn Việt Nam hiện nay, cụ thể trả lời các câu hỏi như mức độ phổ biến của tình trạng tá điền ở nông thôn, tỷ lệ trung bình tô thuế họ phải nộp, đời sống của họ...? Có một số nghiên cứu của WB về tình trạng nông dân mất đất ở VN nhưng thường các nghiên cứu này không đi sâu vào những câu hỏi như vậy. Tình trạng mất đất và tích tụ đất đai xảy ra phổ biến nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, diện tích canh tác của một gia đình nông dân (có đất) ở vùng này thường nhiều gấp 3-4 lần so với nông dân ở đồng bằng Sông Hồng.
Một vấn đề khiến cuộc sống những người dân này càng khó khăn hơn là việc họ thiếu tiếng nói. Sự tồn tại của những người nông dân mất ruộng là hiện tượng đi ngược lại tất cả các nguyên lý mà từ đó chế độ họ đang sống được xây dựng. Chính vì thế, cách phản ứng của chế độ trước một hiện tượng trái nguyên lý của nó, nhưng vẫn đang diễn ra hết sức phổ biến là nhắm mắt, bịt tai. Báo chí tránh không dám đăng, chính quyền né tránh không muốn xử lý, với thái độ phủ nhận cái đang diễn ra vì nó không hợp với "bản chất" chế độ. Cái này không chỉ là hiện tượng xảy ra do một số người, một nhóm người nào đó là người xấu mà có bản chất sâu xa từ giáo lý của chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx cho rằng tất cả những thực tế diễn ra trái "nguyên tắc" có tính khoa học của nó nếu có chỉ là các hiện tượng đơn lẻ, tạm thời, không hợp quy luật. Nói cách khác, nó như một cái khuôn, nhào nặn thực tế theo nó và phủ nhận các thực tế khác nó, trái nó. Theo những người cộng sản thì khi xã hội do giai cấp vô sản quản lý sẽ không còn bần cố nông và người cày có ruộng. Nhưng dù hiện nay, hiện tượng bần cố nông và người cày không ruộng phổ biến, người ta vẫn tìm cách làm ngơ vì cho rằng nó không phù hợp với "bản chất" của chế độ. Chính vì thế sức đấu tranh của người nông dân càng yếu đi vì người ta cố tình phủ nhận sự tồn tại của họ. Họ là những người không có mặt mũi, không có tiếng nói và việc họ tồn tại không hợp quy luật đầy tính khoa học và nhân văn của chủ nghĩa xã hội. Và đối với họ, thường chính quyền sẽ chọn cách: làm ngơ không biết tới họ tới chừng nào có thể, và "dẹp" sạch sẽ họ nếu mọi sự trở nên rắc rối, không thể làm ngơ được nữa.
Như một ví dụ trong bài của bác Võ Đắc Danh, khi một nhà báo viết bài về họ, không có báo nào dám đăng bài của anh ta. Anh ta bèn gửi bài báo cho Thủ tướng lúc đó là ông Võ Văn Kiệt, ông Kiệt chỉ đạo tỉnh Cà Mau làm rõ vấn đề. Và cách giải quyết của tỉnh Cà Mau là tịch thu lại đất, đuổi cả nông dân giàu lẫn tá điền, khiến những người tá điền càng khốn khổ hơn. Còn anh nhà báo thì bị cấm viết, cấm ra khỏi tỉnh và sau đó một thời gian, phải bỏ báo tỉnh để lên Sài Gòn sống (và có lẽ sẽ viết những bài mà người dân Sài Gòn quan tâm).
Saturday, September 13, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment