Quan sát cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ (thực ra cũng không gọi là quan sát vì tôi chỉ nghe là chính vì lúc đó vừa làm việc khác trên máy tính vừa theo dõi tranh luận nên cũng không theo dõi kỹ), tôi thấy có một số điểm:
- Về nội dung, có lẽ không ai thắng. Cả hai đều nói những điều cũ kỹ nói đến từ bao lâu nay. Đặc biệt, vấn đề người Mỹ đang rất quan tâm hiện nay là khủng hoảng tài chính thì cả hai, nhất là McCain, đều cố tìm cách lảng tránh. McCain mở đầu rất mờ nhạt và lúng túng khi bàn về kinh tế trong khi Obama tỏ ra am hiểu và có lập trường rõ ràng hơn. Nhưng sau đó chuyển sang vấn đề quân sự và đối ngoại thì McCain hoạt bát và tự tin hơn hẳn và Obama có phần hơi đuối hơn.
- Về phong thái, McCain quá tự tin tới mức gần với kiêu ngạo, thái độ tỏ ra trịch thượng, xoa đầu với đối thủ. Phải tới 4, 5 lần ông ta nhắc đi nhắc lại là "anh không hiểu về vấn đề này" với TNS Obama. McCain cũng có tật hơi giống Bush, là thỉnh thoảng chen vài câu châm chọc, pha trò. Cái đó giúp ông ta gây ấn tượng bình dân và thoải mái hơn, nhưng cách pha trò của McCain hay có vẻ kẻ cả, trưởng lão, đôi khi gây khó chịu. Cái đáng lo ngại nhất ở McCain, bên cạnh tuổi tác và sức khỏe, là ấn tượng về tâm lý có phần self-righteous (tự cho là mình đúng). Sự kẻ cả trưởng lão của McCain thực ra sẽ gây ấn tượng xấu với cử tri.
Obama thì vẫn là người rất thông minh, cách đối thoại của ông ta hôm nay thẳng thắn và tôn trọng đối thủ. Ở Obama có điểm trội là ở khả năng nắm bắt vấn đề nhanh và rộng, cũng như sự ứng biến tốt. Nhược điểm của Obama là ở chỗ ông này ham nói theo "sách", quá quan tâm tới ấn tượng mình cần tạo ra với cử tri, với những gì cử tri trông đợi ở mình, thành ra nhiều khi các phát biểu của ông này chỉ là các từ ngữ trống rỗng, nghe thì kêu thật nhưng nghe xong thì chẳng thấy thực sự có ý tứ gì. Nhưng trong cuộc tranh luận hôm nay thì nói chung, Obama gây được ấn tượng tốt hơn McCain. Điều này cũng được phản ánh qua các đánh giá của giới phân tích và cử tri. Trong khi các nhà phân tích trên CNN (không kể FOX vì FOX chắc chắn thiên vị McCain) thiên về ý kiến cho rằng hai bên "hòa" thì các poll thăm dò sơ bộ với các cử tri chưa quyết định và với khán giả CNN cho thấy Obama thắng với khoảng cách chừng 60-40. Tất nhiên, cũng cần nói thêm là khán giả poll của CNN vẫn luôn có thiên hướng ủng hộ Dân chủ nhiều hơn Cộng hòa.
- Vậy vào thời điểm này, ai sẽ phù hợp làm Tổng thống nước Mỹ hơn? Theo tôi, Obama vẫn là sự lựa chọn tốt hơn ông già McCain. Trái với khẩu hiệu "dream" này nọ thường được Obama sử dụng, ông ta là một chính khách thực tế, khôn ngoan, uyển chuyển và rất thông minh. Một người như thế lên làm Tổng thống sẽ có khả năng thích ứng tốt với các tình huống phức tạp nảy sinh, để có thể giải quyết những khó khăn chồng chất từ thời Bush để lại. Hạn chế của Obama có lẽ vẫn ở trong chính sách đối ngoại, một phần bởi ông ta sẽ cố chứng minh rằng chính sách của mình khác Bush (ví dụ muốn bỏ Iraq, để mở rộng sang Afghanistan và sẵn sàng "chơi" cả ông bạn đồng minh Pakistan). Nhưng với tình hình Iraq tạm ổn nhưng nguy cơ kinh tế nặng nề như hiện nay thì chính sách đối ngoại sẽ không phải là cái khiến cử tri thực sự quan tâm như vấn đề kinh tế. Hơn nữa, nếu so sánh giữa hai phó Tổng thống thì quả thực có sự quá khác biệt, giữa một Biden lão luyện, già đời trong nghề ăn cơm của dân và một Palin bối rối, và có lẽ còn có phần ngờ nghệch nữa. Biden có thể là một trợ thủ tốt của Obama trên thực tế, trong khi Palin gần như thành một gánh nợ của McCain, và không có tác dụng thực tế gì ngoài việc để mua phiếu bầu của phụ nữ da trắng.
Hơn nữa McCain quá già. Hôm nay, McCain còn trích dẫn Eisenhower từ thập niên 1950s nữa chứ. Trong khi thực ra người ta biết đến Eisenhower nhờ việc ông ta đi đánh nhau với phát xít hơn là việc ông ta làm Tổng thống (anyway, roomate cũ của tôi đánh giá cao Eisenhower vì ông này thực hiện đúng sách của Lão Tử là vô vi). McCain nhắc tới Eisenhower là có dụng ý nhắc tới tiền lệ về một anh hùng quân đội làm Tổng thống, Kể ra ngoài Eisenhower, ông ta cũng có thể nhắc tới Tổng thống Washington, anh hùng chống Anh; Tổng thống Grant, anh hùng Nội chiến, Tổng thống Theodor Roosevelt, anh hùng chống Tây Ban Nha- họ đều là các cựu quân nhân lập nhiều chiến công trước khi làm Tổng thống. Nhưng nếu McCain làm Tổng thống thì nước Mỹ lần đầu tiên sẽ có một vị Tổng thống từng làm tù binh trong chiến tranh.
Còn nếu Obama làm Tổng thống? Một giáo sư Chicago (dù là kiêm nhiệm) lên làm Tổng thống. Nếu Obama lên làm Tổng thống thì cũng phải gần 100 năm nay, kể từ thời Woodrow Wilson trong thế chiến thứ nhất, nước Mỹ mới có một giáo sư lên làm Tổng thống?
Friday, September 26, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment