Trên blog Dong A có bàn về chữ "hương nguyện", tôi chép lại vài ý:
"Trong Luận ngữ, Khổng tử phán một câu: Hương nguyên, đức chi tặc dã, có nghĩa là hương nguyên là kẻ làm hại đức. Khổng tử chỉ nói thế, không giải thích gì vì vậy mà các học trò theo học đạo của ông có người không hiểu. Đến tận Mạnh tử, khi có một học trò hỏi ông, người như thế nào gọi là hương nguyên, Mạnh tử mới giải thích rằng: "...Ấy là những kẻ hay chê cười...Ðối với cuồng sĩ họ trách rằng: "Mấy ông ấy có chí cao nguyện lớn để làm gì?...".Ðối với quyến sĩ, họ trách rằng: "Mấy ông ấy làm gì mà ăn ở khác đời? Làm gì mà lãnh đạm với đời? Ðã sinh ra và sống ở đời này, thì cứ làm việc đời nầy đi. Miễn được khen là tốt rồi". Họ nịnh đời bằng cách che giấu điều tốt đẹp của người và khoe khoang việc xứng đáng của mình. Phường như thế là hương nguyên vậy". Cậu học trò của Mạnh tử cắc cớ hỏi tiếp: ""Cả làng đều khen họ là người thật thà đứng đắn; đi đâu họ cũng làm như người thật thà đứng đắn. Tại sao đức Khổng tử nói rằng họ làm bại hoại nền dạo đức?" Mạnh tử trả lời rằng: "Muốn chê họ, thì chẳng có chỗ gì chê; muốn trách họ, thì chẳng có chỗ gì trách. Họ đồng hoá theo thói tục thông thường, họ dung hiệp với cõi đời ô trợc. Lòng dạ họ dường như trung, tín; hành vi họ dường như liêm, khiết. Dân chúng lấy làm ưa thích họ, mà họ cũng tự nhận mình là trung, tín, liêm, khiết. Thế mà họ không thể cùng đi với mình vào Ðạo vua Nghiêu, vua Thuấn. Bởi thế, đức Khổng nói rằng họ làm bại hoại nền đạo đức vậy"."
Nếu hiểu về hai chữ "hương nguyện" theo lời Mạnh Tử thì có thể thấy những người "hương nguyện" là những người được dân chúng ưa thích, và "có vẻ" như trung, tín, liêm, khiết, làm tốt công việc và không thể chê trách.
Nhưng tại sao Khổng Tử lại cho họ làm bại hoại đạo đức? Theo Mạnh Tử thì vì họ không có nguyên tắc đạo đức, họ hòa đồng với các tiêu chuẩn tốt xấu...của các thời họ đang sống, chứ không soi xét bản thân mình với các chuẩn mực đạo đức. Nói cách khác, họ là những người tùy thời, nói như Hứa Thiệu phán Tào Tháo "quan giỏi thời trị, gian hùng thời loạn", hay như lời nhận xét của Trần Trọng Kim để trả lời Phan Khôi: " Bọn ấy ở với quân tử có thể làm quân tử được, mà ở với tiểu nhân thì làm tiểu nhân".
Sở dĩ Khổng-Mạnh (nhất là Mạnh) gay gắt với bọn này như thế có thể vì hai lẽ: thứ nhất vì khác với các nhà Nho chân chính thường xuyên phải tự soi mình với Khổng Mạnh, Nghiêu Thuấn, Văn Vương, Chu Công...bọn hương nguyện không căn cứ vào một tiêu chuẩn đạo đức nào ngoài những tiêu chuẩn của thời họ đang sống, do đó họ không cảm thấy mình có sự khiếm khuyết gì về đạo đức. Thứ hai và cái này nguy hiểm hơn, là dân chúng thường soi gương vào họ, học tập họ. Thái độ này của Khổng-Mạnh có lẽ còn có can cớ trực tiếp, đó là các nhà nho không được trọng dụng trong thời hai ông này vì bị coi là không hợp thời. Nhất là vào thời Mạnh, ông chỉ được kính chứ không được dùng. Khổng Tử ít ra còn có thời làm tướng quốc (hay chức gì to to đại khái thế), các học trò như Tử Cống, Tử Lộ, Nhiễm Cầu... cũng được trọng dụng chứ thời Mạnh Tử, chỉ làm quốc khách, học trò Mạnh cũng chẳng ai được dùng cả, chẳng trách thái độ của Mạnh với bọn "hương nguyện" lại gay gắt thế. Nhưng thử nghĩ lại, đúng là Mạnh Tử luôn cương quyết, không bao giờ nhân nhượng nhưng chính Khổng Tử cũng nhiều lúc có vẻ như cũng nhân nhượng với đời, như đi gặp Dương Hổ (hay Dương Hóa nhỉ?), rồi yết kiến Nam Tử....,cả đời bôn ba chỉ mong mình được dùng. Có phải thế mà đôi khi trên đường gặp bọn cuồng sĩ, đạo nhân, thái độ Khổng Tử đôi lúc cũng bâng khuâng?
Thật ra, thời xưa giữa các nhà nho với nhau, thì việc chửi nhau là "hương nguyện" có lẽ là gì đó rất nặng nề (vì bị các ông Thánh, ông Thầy chửi nên tất nhiên là rất tệ). Nhưng nếu soi theo lời Mạnh Tử thì bọn "hương nguyện" thực ra cũng không tệ lắm. Nếu trong giới quan chức, học thuật bây giờ đều là "hương nguyện" cả thì xã hội đỡ biết mấy, ít nhất đó cũng là những người có vẻ như trung, tín, liêm, khiết và không ai có thể chê trách. Nhưng thời nay, rất nhiều người trong số này lại còn xuống cấp hơn cả "hương nguyện", tức là có thể rất vô sỉ và trơ tráo, và chắc chắn không dám nhận các chữ "trung, tín, liêm, khiết" được rồi và chắc nhân dân cũng không nghĩ về họ như thế. Cho nên thời nay, nếu bảo ai đó là phường "hương nguyện" thì có khi phải hiểu như một lời khen.
Sunday, September 14, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment