Kế hoạch bail-out bị bác bỏ. Hai phần ba nghị sĩ Cộng hòa và 1/3 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống. Các nghị sĩ Cộng hòa nổi loạn, bác bỏ kế hoạch được chính quyền Tổng thống Bush và lãnh tụ hai Đảng thông qua.
Và giờ là lúc hai đảng chỉ ngón tay đổ lỗi cho nhau. Đảng Dân chủ chỉ trích Cộng hòa, còn đảng Cộng hòa (trong phát biểu của lãnh tụ phe thiểu số đảng Cộng hòa John Boehner) lại cho rằng diễn văn của Pelosi, chủ tịch Hạ Viện và là lãnh tụ Dân chủ ở Hạ Viện, trong đó bà Pelosi đổ lỗi nguyên nhân khủng hoảng cho chính sách của Bush, đã khiến kế hoạch này không được thông qua. Phát biểu này của ông Boehner quá buồn cười, có khác nào ông Boehner cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa là trẻ con, nghe Pelosi nói bực mình bèn bỏ phiếu chống!
Ở đây rõ ràng có sự khác biệt trong quan điểm của những người lãnh đạo hai đảng và các nghị sĩ bình thường. Với lãnh tụ hai đảng thì kế hoạch bail-out này sẽ giúp họ có một bộ mặt sạch sẽ, thậm chí còn ghi công nếu như kế hoạch thành công (và nếu thất bại thì cũng chẳng sao). Nhất là trong tình thế như ở game theory, bởi nếu 1 đảng bác bỏ (và nếu bác bỏ thì sẽ là đảng Cộng hòa với truyền thống phản đối nhà nước can thiệp vào kinh tế) thì đảng đó sẽ rất có nguy cơ mất phiếu trong đợt bầu cử Tổng thống tới (việc McCain mất điểm nhanh chóng trước Obama trong tuần vừa qua chủ yếu bởi sự phản ứng chậm chạp, mâu thuẫn và thiếu nhiệt tình của McCain trước cách thức giải quyết khủng hoảng). Do vậy, giới lãnh đạo cả hai đảng đều có động lực ủng hộ thông qua kế hoạch Paulson. Nhưng với các nghị sĩ bình thường thì không phải như thế. Thứ nhất, việc chấp nhận kế hoạch này trái với triết lý về CNTB của một số nghị sĩ có khuynh hướng tự do (libertarian) và họ không muốn chấp nhận bằng bất cứ giá nào; thứ hai, các nghị sĩ quan tâm tới quan điểm của cử tri tại khu vực bầu cử của họ và kế hoạch này bị phản đối khá gay gắt ở nhiều nơi trên đất Mỹ (các poll với cử tri cho thấy tỷ lệ phản đối nhiều hơn tỷ lệ ủng hộ một chút, nhưng phân bố không đồng đều).
Và dẫn đến một kết cục bất ngờ. Dù Tổng thống Bush tuyên bố tin chắc kế hoạch sẽ được thông qua, dù lãnh tụ hai đảng sau những màn diễn đầy chất kịch (Paulson quỳ chân, Pelosi nói mỉa, đảng Cộng hòa giậm chân bỏ đi trước khi quay lại đồng ý....) nhưng các nghị sĩ bình thường đã không tuân theo "sự nhất trí cao trong Đảng và Chính phủ" mà bỏ phiếu chống lại kế hoạch này.
Và thị trường tài chính phản ứng dữ dội. Down Jones giảm 7% trong ngày hôm nay, mức giảm trong một ngày cao kỷ lục trong lịch sử. S&P 500 giảm gần 9%, Nasdaq giảm hơn 9%, đều là mức giảm cao nhất từ năm 1987 trở lại đây.
Không biết ngày mai thị trường sẽ phản ứng thế nào?
Monday, September 29, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment