What an irony!.
Công ty Vedan Vietnam sẽ phải đứng trước mức phạt kỷ lục 91 tỷ đồng.
Chi phí để làm sạch sông Thị Vải được ước tính khoảng 1000 tỷ đồng, theo Cục Hàng Hải.
Như vậy, kể cả việc thu hồi số tiền kỷ lục 91 tỷ đồng kia cũng chưa khắc phục được 1/10 những tổn thất với dòng sông này, chưa kể những tổn hại sức khỏe của người dân trong suốt 15 năm qua sẽ không được tính tới.
Và đó chỉ là một Vedan, một Thị Vải, còn có bao nhiêu Vedan khác, bao nhiêu con sông Thị Vải khác đang ô nhiễm với những chi phí và tổn thất không thể tính hết. Nhưng những con số đó không được tính vào GDP hay tốc độ tăng trưởng. Những tổn thất vô hình như sự suy giảm sức khỏe, môi trường sống của người dân, sự suy kiệt tài nguyên thiên nhiên... đều không được tính trong những số liệu mà người ta thống kê về GDP.
Nếu tính tới những tổn thất đó, giả sử cộng thêm 1000 tỷ cho chi phí khôi phục sông Thị Vải, và vài trăm tỷ cho tổn hại sức khỏe của người dân sống bên bờ sông 15 năm qua thì giá trị đóng góp GDP của Vedan Vietnam và của rất nhiều các doanh nghiệp kinh doanh khác sẽ là bao nhiêu? Và tăng trưởng thực tế sau khi trừ đi những tổn thất đó sẽ là bao nhiêu?
Để so sánh, lấy trường hợp Trung Quốc. Theo cơ quan môi trường của chính phủ Trung Quốc (mới được nâng lên cấp Bộ), chi phí do ô nhiễm môi trường gây ra hàng năm lên tới 10% GDP của nước này (tức là tương đương khoảng 340 tỷ đô-la mỗi năm). Như vậy, nếu sau khi trừ đi tổn thất về môi trường thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể còn âm.
Không rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam có ước tính nào về chi phí do ô nhiễm môi trường gây ra hàng năm ở Việt Nam không? Chắc là không.
Và chúng ta lại tiếp tục đeo khẩu trang ra đường, có thể đôi khi tặc lưỡi tiếc những dòng sông đã chết trong những bữa nhậu thịt thú rừng và mừng vì kinh tế năm nay có thể tăng trưởng 7%. Dầu gì đi nữa, nếu bạn đọc blog này thì bạn không nằm trong số bị thiệt hại nhất về các ảnh hưởng của môi trường. Nhiều khả năng là bạn không nằm trong số những người nghèo sống bên dòng sông Thị Vải, Tô Lịch hay Sài Gòn, cũng không phải sống ở những vùng dân cư cạnh các nhà máy hóa chất hay các "bãi rác" của Hyundai-Vinashin và nhiều công ty khác. Bạn vẫn có thể tự chúc mừng mình vì đã may mắn.
Saturday, September 20, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment