An Nam là tên do nhà Đường đặt cho nước mình, khi đó còn là châu huyện của Trung Quốc, sau này người Tàu vẫn dùng để gọi Việt Nam. Nhưng chỉ trong quan hệ với Trung Hoa thì các triều vua mình mới chấp nhận cái tên An Nam, còn trong nước với nhau đều dùng tên nước khác, để khẳng định sự độc lập của triều đại. Bản thân cái tên An Nam cũng đã có ý nghĩa từ cái nhìn trịnh thượng của kẻ đi chinh phạt (An Nam= phương Nam bình yên/được dẹp yên). Sau này người Pháp, do có lẽ tiếp xúc với người Tàu trước, nên cũng dùng từ An Nam để chỉ xứ Trung kỳ.
Nhà Đường đặt bốn đô hộ phủ ở các châu xa nhất, ở bốn phía đế quốc là An Đông, An Tây, An Nam, An Bắc. Việc đặt tên này chỉ việc Trung Nguyên dẹp yên Tứ Di (Liêu-Cao Ly, Khương- Nhung, Việt- Man, Hồ-Địch). Thế nên nước Việt từ khi lập quốc có bao giờ dùng tên đó, có thể là Đại Việt, Đại Nam hay Nam Việt, Việt Nam (đều là các cách ghép từ của chữ Việt- thể hiện dân tộc, và chữ Nam- chỉ phương hướng so với Trung Quốc mà thật ra với người Việt thì là Bắc Quốc), chứ không bao giờ là An Nam- phương Nam (được dẹp) yên.
Người Pháp có thâm ý gì khi sử dụng lại chữ An Nam của người Tàu và biến nó thành tên đơn vị hành chính không? Có thể có mà cũng có thể không? Nhưng dù có dù không thì với người Việt, cái tên này vẫn gợi lên những ký ức của 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm Pháp thuộc, hoàn toàn chẳng hay ho gì để lấy ra mà gọi. Nó là cái tên chỉ Việt Nam duy nhất do các thế lực ngoại bang đô hộ đặt ra để chỉ nước mình mà vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Cũng rất có thể là người Pháp không sử dụng từ Annamite với hàm ý khinh miệt như người Việt dùng với nhau?. Cái đó tớ không biết chắc, đã thử google nhưng không ra kết quả cần tìm. Nhưng từ Annamite với biến thể Việt hóa là Annam mít đã được dùng từ thời thuộc Pháp hàm ý miệt thị của những người Việt được "khai sáng văn minh" với những người Việt chưa được khai sáng. Nhiều người Việt dùng từ này với đồng bào mình có lẽ hay tự coi mình về mặt văn hóa, gần gũi với những kẻ thống trị hơn với các đồng báo bị trị của mình. Đến ngày nay, nó vẫn được dùng bởi một số người được coi là có học với hàm ý miệt thị một số đồng bào mình.
Ngẫm lại thì hình như ở mỗi nước mình mới có từ miệt thị kiểu đó? Tức là dùng để miệt thị người cùng dân tộc, màu da? Ít nhất cũng không thấy có ở các quốc gia phát triển. Có lẽ nó là sự rơi rớt của thời hậu thuộc địa ở những nơi mà sự thống trị kinh tế-chính trị và áp đặt về văn hóa đã tạo ra sự phân mảng xã hội về mọi phương diện, kể cả văn hóa, trong sắc dân bị trị, tạo ra sự xa lạ và miệt thị lẫn nhau trong đám dân chúng từng bị chinh phục? Đúng hơn là sự xa lạ giữa các tầng lớp khác nhau về cả kinh tế và văn hóa và sự miệt thị về văn hóa của một bộ phận thiểu số dân chúng, thường là được westernized tương đối với đa số còn lại.
Hiện tượng này thú vị vì nó không phải là sự miệt thị về dân tộc/đạo đức/tôn giáo/màu da, cũng không phải là hiện tượng miệt thị thuần túy theo giai tầng xã hội của tầng lớp cao với tầng lớp thấp mà là hiện tượng giả như đứng ngoài, nhìn vào bên trong. Người miệt thị tự đặt mình ra ngoài và quy kết đối tượng được miệt thị như một đặc tính chung của (đại đa số) dân tộc. Trong trường hợp này, từ Annam mít là một từ hoàn toàn thỏa mãn. Nó vừa tạo cảm giác đứng ngoài, cao hơn về văn hóa (An Nam là tên đặt cho lãnh thổ bị trị, từng được coi là man mọi và cần được giáo hóa hay khai sáng văn minh bởi Trung Quốc hay Pháp), đồng thời vẫn cho phép có một sự lùi an toàn (vâng, dù sao thì tôi cũng là người An Nam mà). Thêm chữ mít Việt hóa hậu tố -mite (hay -mese) nữa lại càng tuyệt, rất đúng tinh thần "nôm na là cha mách qué". Mít có thể là cây mít- một hình ảnh mang tính biểu trưng cao của le nhaque, mà cũng có thể là mít đặc (một cách dùng hiện đại).
Nhưng nó thú vị hay nó phản ánh sự xa lạ, chối bỏ và một cái gì đó pathetic, self-despised thì tôi cũng không biết chắc.
No comments:
Post a Comment