Wednesday, June 13, 2007

Thị trường chứng khoán Trung Quốc- liệu có phải là bong bóng?


Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng với chỉ số chóng mặt trong thời gian gần đây. Tới ngày 23/5/2007, chỉ số chứng khoán cổ phiếu loại A trên thị trường chứng khóan Thượng Hải đạt tới gần 4400 điểm, tăng 258% tính từ đầu năm 2006. Tình trạng tăng nhanh chóng của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán khiến chính phủ Trung Quốc cũng như nhiều chuyên gia nước ngoài cảnh báo về nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán. Đáng chú ý là lời cảnh báo của người giàu nhất châu Á, nhà tỷ phú Li Ka-shing và của cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan, về tính bong bóng, thiếu ổn định của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Để làm giảm bớt nhiệt trên thị trường giảm khả năng vỡ bong bóng, Ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây đã quyết định xiết chặt chính sách tiền tệ. Ngày 18/5 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định tăng đồng thời lãi suất và dự trữ tiền gửi, đồng thời nới lỏng biên độ giao dịch hàng ngày của đồng yuan với đồng đô-la Mỹ từ 0.3% lên 0.5%. Động thái đó dự kiến sẽ khiến đồng yuan lên giá so với đồng đô-la nhằm giảm sức nóng của nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tăng lãi suất tiền gửi so với lãi suất cho vay nhằm giảm nhiệt trên thị trường chứng khóan, và hạn chế các dòng tiền chảy từ tài khoản tiết kiệm ngân hàng sang cổ phiếu. Ngày 29/5, chính phủ Trung Quốc tăng mức thuế giao dịch cổ phiếu từ 0,1% lên 0,3%, khiến chỉ số chứng khoán tổng hợp ở Thượng Hải giảm 6,5% trong ngày hôm sau 30/5. Trong tuần đầu tháng 6, thị trường chứng khóan Trung Quốc biến động mạnh do tác động của việc tăng thuế này.


Ngày thứ Hai tức 4/6 là ngày tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 10 năm nay. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải giảm 8,3% từ 3982 điểm xuống 3670 điểm. Lo sợ các nhà đầu tư hoảng loạn và tháo chạy, các tờ báo của chính phủ đều đăng các bản tin khẳng định với công chúng rằng mức thuế giao dịch này sẽ có tác động tích cực trong dài hạn. Có lẽ nhờ đó mà tới ngày thứ Ba, chỉ số này tăng lên 2,6% và tiếp tục tăng trong các ngày sau đó. Tới ngày thứ Sáu (8/6), chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải tăng 0.6% đạt 3891 điểm, tức là giảm 2,3% so với thứ Sáu tuần trước (31/5).



Thế nhưng có đúng thực là thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay có tính bong bóng không? Bài báo mới đây trên tờ The Economist số ngày 24/5 cho rằng không hẳn như vậy. Theo bài báo này, nền kinh tế Trung Quốc thực ra không dễ tổn thương như người ta tưởng. Chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay quả thực khá cao, đạt gần 50 (tuy rằng con số này vẫn còn thấp hơn chỉ số P/E gần 70 của nhiều công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam- theo một báo cáo gần đây của IMF). Nhưng khi cân nhắc chỉ số P/E cần thấy rằng chỉ số này đồng thời phản ánh kỳ vọng tiềm năng lợi nhuận trong tương lai của các công ty. Theo Golman Sachs, lợi nhuận của các công ty Trung Quốc có cổ phiếu hạng A trên thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 82% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong suốt cả 10 năm qua, chỉ số P/E của Trung Quốc cũng luôn ở mức cao, đạt bình quân 37, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác.

Mặt khác, cũng cần đặt sự gia tăng này trong một khung thời gian rộng hơn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ mới tăng mạnh trong năm vừa qua sau một thời gian dài trì trệ. Trong khi đó thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế lớn mới nổi khác gồm Ấn Độ, Brazil và Nga, đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2003. Do vậy, nếu tính từ thời điểm năm 2003 trở lại thì so với ba nước trên, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp nhất. Tỷ lệ vốn hóa của thị trường này tính trên GDP cũng không cao. Tới cuối tháng 4/2007, mức độ vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc bằng khoảng 80% GDP. Cũng cần lưu ý là không phải cổ phiếu nào ở Trung Quốc cũng có thể dễ dàng trao đổi và do đó khiến thị trường chứng khoán nước này dễ bị rủi ro khủng hoảng. Khoảng 70% lượng cổ phiếu ở Trung Quốc nằm trong tay nhà nước và là những cổ phiếu rất khó hay không thể chuyển nhượng. Nếu chỉ tính riêng các cổ phiếu có khả năng trao đổi dễ dàng thì tỷ lệ vốn hóa trên GDP của Trung Quốc chỉ tương đương với 25%. Trong khi đó, tỷ lệ tương ứng ở Ấn Độ và Nga đều đạt trên 100% và ở Mỹ là trên 150%.

Nhưng ngay cả khi quả thực có hiện tượng bong bóng trên thị trường chứng khoán và bong bóng này sẽ vỡ thì mức độ ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế Trung Quốc cũng không lớn như người ta tưởng. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn là một thị trường tương đối nhỏ về quy mô và diện ảnh hưởng. Theo Goldman Sachs, chỉ có chừng 7% dân số Trung Quốc sở hữu chứng khoán, so với khoảng 50% dân số ở Mỹ.

Khi thị trường chứng khoán sụp đổ, ảnh hưởng của nó tới đời sống kinh tế được thể hiện qua hai kênh. Kênh thứ nhất được gọi là “ảnh hưởng tài sản”, bằng cách tác động trực tiếp tới đời sống người tiêu dùng. Nhưng như phân tích ở trên, tỷ lệ dân cư có cổ phiếu ở Trung Quốc thấp và cổ phiếu chỉ chiếm chừng 15% tài sản tài chính của các hộ gia đình Trung Quốc, so với con số 50% ở Mỹ. Chính vì thế, khả năng ảnh hưởng tới đời sống dân cư khi có khủng hoảng thị trường chứng khoán không thực sự lớn. Kênh thứ hai là tác động tới giá vốn. Thị trường chứng khoán suy giảm sẽ khiến các công ty có cổ phiếu niêm yết gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huy động vốn. Thế nhưng tỷ lệ các công ty Trung Quốc được niêm yết chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn so với toàn nền kinh tế. Có khoảng 1500 cổ phiếu loại A được niêm yết trên hai thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc là Thượng Hải và Thâm Quyền- một con số không phải lớn với một đất nước có hơn 1 tỷ dân. Hầu hết các công ty Trung Quốc tới nay vẫn dựa vào nguồn vốn nội bộ. Có khoảng 60% vốn đầu tư của các công ty là từ lợi nhuận để lại, 20% từ vốn vay ngân hàng trong khi phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 10%. Do đó, khả năng thị trường chứng khoán sụp đổ dẫn tới sự trì trệ trong sản xuất kinh doanh vì giá vốn lên cao tương đối thấp.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Asia Daily và Bloomberg của tập đoàn Wachovia, từ năm 2001 tới 2005, thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã giảm 50% nhưng hầu như không có ảnh hưởng gì tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý là ảnh hưởng của thị trường chứng khoán tới nền kinh tế không chỉ là các ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập hộ gia đình và chi phí kinh doanh các công ty. Một ảnh hưởng không thể coi nhẹ là ảnh hưởng gián tiếp của thị trường chứng khoán tới tâm lý người dân. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng cuộc Đại khủng hoảng ở Mỹ những năm 30 sau cuộc sụp đổ chứng khoán, cũng như tình trạng trì trệ kinh tế ở Nhật Bản trong thập niên 1990 có sự tác động to lớn bởi tâm lý bi quan vào nền kinh tế của người dân. Tâm lý bi quan này sẽ khiến họ giảm tiêu dùng, vì thế khiến các nhà sản xuất điêu đứng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Việc này lại khiến các nhà sản xuất phải cắt giảm nhân công để tiết kiệm chi phí và rút cục, có thể cuốn nền kinh tế vào một cơn xoáy suy thoái.

Ảnh hưởng tâm lý trên thị trường chứng khoán là rất mạnh, như từng được chứng kiến trong các hoạt động đầu tư và tháo chạy theo phong trào của các nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập kỷ 1990. Do vậy, một chính sách tài chính thận trọng, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng như hiện đang thực hiện ở Trung Quốc có thể có những tác dụng tích cực, nhất là tới tâm lý của nhà đầu tư.


(nguồn: The Economist, Asia Times Online, Bloomberg, China Daily, Washington Post).

Bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn 14/6/2007.

No comments: