Sunday, July 15, 2007

Entry for July 15, 2007

1. Tiếp tục về Thủy Hử (định là comment nhưng dài nên để riêng ra để câu post)

Thực ra tớ vẫn đánh giá cao Thủy Hử, dù không phải là thích nó nhiều như với Tam Quốc hay Đông Chu. Lần đầu đọc Thủy Hử, mình còn thấy nó "thường" và xa lạ nhưng những lần sau đọc lại thì lại thấy thích hơn. Đọc Thủy Hử biết được nhiều điều về văn hóa Trung Quốc, về hình tượng các “hảo hán” trong dân gian và cả cuộc sống thời Minh- Thanh ở Trung Quốc, nhất là đời sống đô thị sinh động với các tửu điếm, thanh lâu, hiệu cầm đồ…

Nếu đọc bài trên của Bill Jenner, mọi người sẽ dễ có ấn tượng là chuyện bình thường, chỉ là một ông Tây bàn về văn học Tàu với một cái assumption là bọn Tây không thể hiểu được sách Tàu do cái gốc văn hóa nó khác. Cái này cũng đúng phần nào, một bạn Tây từ nhỏ đã đọc, đã nghe về hình tượng anh hùng lục lâm thảo khấu như Robin Hood, cướp của người giàu cho dân nghèo sẽ khó chấp nhận các anh hùng lục lâm như Lý Quỳ giết người bất kể đàn bà trẻ con (và còn ăn thịt người) hay Tống Giang lẩm cà lẩm cẩm, cơ hội và nhát chết. Nhưng cũng nên lưu ý là bài này của bác Jenner không phải là đánh giá toàn diện về Thủy Hử mà chỉ muốn đề cập tới khía cạnh tư tưởng của Thủy Hử và coi việc nó phổ biến và được ưa chuộng như thế như là một trạng thái tinh thần tâm lý không lành mạnh của xã hội Trung Quốc- một trạng thái mà tớ nghĩ có thể tóm gọn bằng mấy chữ “khoái trá với bạo lực”.

Jenner cũng phần nào ám chỉ việc Mao Trạch Đông ca ngợi Lý Quỳ như một người có phẩm chất cách mạng và cách diễn giải Thủy Hử như một tác phẩm về khởi nghĩa nông dân của những người cộng sản như là một nguyên nhân chính khiến tác phẩm này được phổ biến trong thế kỷ 20. Jenner bác bỏ cách diễn giải đó bằng cách chứng minh là Lý Quỳ chỉ hành động mù quáng và bạo lực vô hạn độ (ở đây dễ liên tưởng tới các tiểu Lý Quỳ được phát động trong Cách mạng Văn hóa), và cuộc khởi nghĩa của Lương Sơn Bạc có rất ít yếu tố nông dân. Thực ra những nhận định này của Jenner không mới và hẳn là nhiều học giả Trung Quốc cũng đã nói tới (và hẳn đã bị dìm đi do khác với tư tưởng chính thống đương thời) nhưng việc đây là ý kiến của một nhà nghiên cứu nước ngoài hẳn cho phép ý kiến này được in báo một cách an toàn hơn.

Nhân nói về nhận định chính thống về tư tưởng của Thủy Hử, tớ nhớ là đọc Lời giới thiệu cuốn này ngày xưa của các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng copy y như các bạn Tàu: cũng Thi Nại Am ca ngợi khởi nghĩa nông dân, cũng Lý Quỳ là hình tượng người nông dân có khí tiết cách mạng nhất, trung thành cách mạng tới cùng, căm ghét vua quan, cường hào ác bá….Tình hình cũng tương tự ở các cuốn văn học cổ điển Trung Quốc khác, hết thảy đều được áp dụng cách diễn giải Mac-xít. Trong bản dịch cuốn Tây Du Ký hồi xưa tớ đọc còn in lại nguyên văn phần giới thiệu của nhà xuất bản Trung Quốc trong một bản in từ thời cách mạng văn hóa trong đó ví von hành trình đi Tây Trúc như hành trình tới cách mạng và đả phá các quan điểm khác như của Hồ Thích hết lời- làm hồi đó mình cũng tò mò không biết Hồ Thích là nhân vật nào mà lại được ưu ái thế (đến giờ cũng vẫn chưa biết).

2. Trong bài Châm ngôn mới đây, bạn Nhị Linh có viết về thói bắt chước nhau một cách rởm đời trên các forum Việt Nam (càng ngày càng đánh giá cao bạn này) thể hiện qua ví dụ của các thành viên khi liệt kê các cuốn sách yêu thích thì hết thảy đều là các cuốn sách giống nhau được đọc khi còn nhỏ (mà hầu hết là sách thiếu nhi Liên Xô). Và khi các bạn kể tên các cuốn sách giống nhau (hay ôn nghèo kể khổ có nhiều cái giống nhau) thì nhiều bạn tay bắt mặt mừng như thể tìm được tri âm, tri kỷ. Trong sự nostalgia đượm màu sang trọng đó, các bạn còn tiếc nuối cho một thời gian lao mà ân tình và than vãn (một cách có phong trào) là trẻ con ngày nay không mấy đứa còn đọc sách, hay nếu đọc thì cũng chỉ đọc truyện tranh. Nhớ bạn today20 từng nói đại ý là thế hệ chúng ta (có lẽ là 7x và đầu 8x) đọc các cuốn sách giống nhau, thích các cuốn sách giống nhau và bàn tán về các cuốn sách giống nhau và sở dĩ thế là vì hồi xưa cũng chẳng có gì để giải trí tinh thần ngoài những cuốn sách ít ỏi. Thế nên cái sự nostalgia về những “Mít đặc và các bạn” hay “Ruồi trâu” (“Thép đã tôi thế đấy” thì giờ là political incorrect rồi, hết hợp thời để nostalgia) trở thành ngớ ngẩn. Tất nhiên sự nostalgia không bao giờ là ngớ ngẩn nếu nó thực sự là cái gì đó nostalgia – một sự hoài tiếc, hoài nhớ từ kinh nghiệm bản thân- nhưng các tình cảm nostalgia về quá khứ mà thỉnh thoảng đọc thấy trên các forum hầu hết được xây dựng trên một thứ tình cảm vờ vĩnh, giả tạo và một thứ mong muốn được hòa đồng và chấp nhận, được “mặc chung một bộ đồng phục”. Lạ là nhiều người tỏ ra dị ứng khi người ta dùng các từ như thế hệ 7x, thế hệ 8x… nhưng trên thực tế lại sẵn sàng mặc những đồng phục cho các thế hệ đã được may sẵn, chỉ việc xỏ vào người (nhưng đôi khi cũng phải uốn mình hơi nhiều thì mới vừa, nhưng ăn thua gì, cô gì trong truyện cổ tích- không nhớ là Cám hay em gái Lọ Lem- còn đẽo chân đi cho vừa giầy mà).


No comments: