Đọc blog bạn phanxine thấy bạn nhắc tới phim “Sex, lies and videotape” của Steven Soderbergh, một bộ phim mà tôi cũng rất thích nhưng nếu nói vì sao lại thích thì lại không biết nói thế nào. Đây là một hiện tượng hiếm có trong làng điện ảnh thế giới. Một bộ phim làm với kinh phí thấp, của một cậu sinh viên sau đại học mới 26 tuổi với một kịch bản được viết ra trong 8 ngày và các diễn viên tuy không phải mới mẻ nhưng trước đó chủ yếu chỉ xuất hiện với các vai phụ trong các bộ phim truyền hình. Thế mà bộ phim đó đã ngay lập tức giành được giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Canne năm đó và cả giải diễn viên nam chính xuất sắc nhất. Bản thân Steven cũng được nominate giải Oscar về kịch bản cho phim này vào năm đó. Phim này cùng với Pulp Fiction của Tarantio được coi là hai bộ phim làm cho dòng phim Independent sống lại ở Mỹ trong thập kỷ 90, sau một thời gian dài ngoi ngóp. Và tất nhiên, phim này cũng đưa Steven Soderbergh từ một chàng sinh viên ất ơ trở thành một trong các đạo diễn/tác giả kịch bản có tên tuổi nhất ở Holywood (với các phim sau này: Erin Brockovich, Traffic, Ocean’s Eleven, Solaris).
Phim “Sex, lies and videotape” lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ xoay quanh ba nhân vật chính: hai vợ chồng Ann và John đang gặp rắc rối trong hôn nhân và Graham, bạn của John đến thăm gia đình này. Bên trong cuộc sống tưởng như êm ả của vợ chồng Ann và John là những xung khắc nặng nề. Ann không thích thú trong sinh hoạt tình dục với chồng nhưng cô chấp nhận điều đó vì với cô, tình dục không phải là quá quan trọng. Ngược lại, John là một đàn ông- giống đực điển hình, người tin rằng giá trị của đàn ông thể hiện ở khả năng làm tình của anh ta. Anh ta ngoại tình với cô em vợ mà Ann không hay biết. Còn Graham? Graham có khuôn mặt của một cậu bé mới lớn ngơ ngác. Trong cách đối xử với phụ nữ, từ Graham có gì đó khiến phụ nữ cảm thấy tin tưởng, thoải mái và hơi thương cảm. Có lẽ là vì khi tiếp xúc với anh ta, những người đàn bà không cảm thấy bị nguy hiểm, không phải đặt mình vào vị trí của kẻ săn mồi hay bị săn mồi. Và nếu họ có chút gì nghi ngại từ đầu với anh ta thì Graham đã đánh tan mối nghi ngại ấy khi thú nhận ngay từ đầu với họ một bí mật của anh ta: anh ta bị bất lực. Hình như chị 2 4 6 từng có lần viết rằng trong lịch sử các cuộc chiến tranh xảy ra chẳng có gì khác ngoài động cơ tình dục và vung vãi tinh trùng của các chiến sĩ. Và như Michel Houellebecq từng nghiệt ngã nói, thời hiện đại là thời của những kẻ có khả năng phối giống tốt nhất, tất cả xã hội đều ca tụng những kẻ có năng lượng tình dục mạnh mẽ và những kẻ bất lực (như Bruno) hay ít ham muốn tình dục (Michel) đều sẽ bị gạt ra ngoài rìa của đời sống.
Trong Sex, lies and videotape, Graham cũng là một kẻ ngoài lề do chứng bất lực. Anh ta chỉ có một yêu cầu với những người đàn bà anh ta gặp: hãy nói chuyện về sex với anh ta, hãy kể với anh ta về những bí mật trong đời tư họ trong khi anh ta ghi băng video. Nói cách khác, anh ta tìm kiếm khoái cảm và “làm tình” với họ bằng những câu chuyện họ kể, Graham khiến họ cảm thấy naked không phải bằng cách lột trần thân thể họ, mà là lột trần tâm hồn của họ, những bí ẩn sâu xa nhất của họ. Và anh ta thành công với gần hết những người đàn bà mà anh ta gặp. Nhưng chính trong cái việc ngồi trước máy quay và nói về đời sống tình dục của mình và trong khi họ nghĩ rằng họ giúp anh ta (và cũng bị kích thích bởi việc làm này) thì bản thân những người phụ nữ này cũng chợt nhận ra rằng không chỉ Graham mới gặp vấn đề về tình dục và sự hòa hợp với xã hội mà bản thân chính họ cũng có rất nhiều vấn đề của mình- những vấn đề không nhất thiết là chỉ dừng lại ở sex. Tất cả các nhân vật chính trong phim đều có những lệch lạc, những ám ảnh và sự lừa dối (với người khác hay với bản thân mình), dù đó là một gã đàn ông luôn động tình hay là một anh chàng bất lực, là người phụ nữ gia đình ít hứng thú tình dục hay người đàn bà quan niệm tình dục chỉ như trò chơi. Và trong cái bối cảnh đó, thì chính cái gã bất lực với sở thích ngắm nghía cuộc đời người khác đó lại có gì đó như là một sự thanh cao và chân thực.
Về diễn xuất thì hai diễn viên chính đóng quá hay, không còn gì để nói. Kịch bản và lời thoại cũng rất hay. Bộ phim rất chân thực và tinh tế.
Cảnh cuối phim rất nhẹ nhàng. Graham gối đầu vào lòng Ann và ngủ, anh ta đã được giải phóng khỏi vết thương tâm lý thời xưa- vết thương ám ảnh khiến anh ta trở nên bất lực. Và đó là một cảnh hạnh phúc. Đôi khi có thể gối đầu vào lòng nhau để ngủ mà không cảm thấy áp lực của việc phải chứng tỏ khả năng hay sự hấp dẫn tình dục có lẽ cũng là một thứ hạnh phúc.
Một cái gì đó hơi liên quan. Hôm qua đọc bài điểm phim Rear Windows của Roger Ebert, ông này cho rằng trong các phim của Hitchcok thường có hai nỗi ám ảnh với các nhân vật nam. Thứ nhất là voyeur- theo dõi cuộc sống của người khác. Nhân vật chính của Vertigo âm thầm theo dõi cuộc đời của một người đàn bà và nhân vật chính của Rear Windows thích thú với việc theo dõi đời tư của những người xung quanh qua ống kính tele của anh ta. Thứ hai là ám ảnh về nỗi sợ bất lực (impotence). Cả hai nhân vật chính trong hai phim trên (cùng do James Steward đóng) đều tỏ ra thờ ơ, và cố gắng tách khỏi sự hấp dẫn chết người của những người đàn bà yêu họ. Họ thích thú với việc sống cuộc sống của người khác, đóng vai trò là khán giả nhìn ngắm từ xa hơn là chấp nhận yêu những người đàn bà mạnh mẽ, xinh đẹp và yêu họ. Ám ảnh bất lực ở đây không đơn giản là về mặt tình dục (những cái không được ngụ ý rõ ràng trong phim) mà là ám ảnh mất khả năng kiểm soát vị thế của người đàn ông trong mối quan hệ với phụ nữ và đáp ứng lại những kỳ vọng của người phụ nữ và của xã hội. Tr
ong sex, lies, and videotape thì cả hai ám ảnh này đều tồn tại.
No comments:
Post a Comment