Sunday, July 29, 2007

Linh tinh về Kinh Thánh và Thiên chúa giáo.


http://images.contactmusic.com/images/reviews2/dogma.jpg

Alanis Morissette đóng vai Thượng đế trong phim Dogma.


Copy lại có sửa đổi và bổ sung từ comment bên blog bạn Phanxine.

1. Với đạo Thiên Chúa, Thượng đế (Thiên Chúa) không phải vô nhân ảnh, hình tướng mà là một Thượng đế có tính cá nhân (personified God), có hình tướng. Chính con người cũng được tạo ra dựa trên hình ảnh của Thượng đế. Khái niệm Thượng đế là vũ trụ, là tự nhiên, hay là một quy luật tiềm ẩn nào đó… thì hẳn gần với quan niệm về Đạo của Lạo Tử hay triết học của Spinoza (Einstein cũng theo tư tưởng này của Spinoza), nó khác với tinh thần của Cựu Ước.

2. Chúa trong tôn giáo Nhất thần thường có 2 mặt: Mặt nhân từ, ưu đãi cho những người theo ông và mặt dữ dội, tàn phá, hủy diệt với những kẻ không theo ông, không tin ông hay không thèm đếm xỉa tới ông, tức là sách lược củ cà-rốt và cây gậy. Nó cũng xuất phát từ cái bản năng của con người muốn tìm về một thế lực tuyệt đích nào đó, một quyền lực tối thượng, chịu trách nhiệm về tất cả may mắn/bất hạnh/thành công/tai vạ... cho con người. Và bởi vì nó là tuyệt đối, là cội nguồn nên Chúa (và chỉ có Chúa) đứng trên thiện và ác. Con người chỉ được chấp nhận, tuân thủ ý Chúa và không được phép phán xét hay thắc mắc hay mất lòng tin vào Chúa nếu không sẽ bị trừng trị nghiêm khắc (hoặc là ngay lập tức hoặc là vào ngày tận thế).

3. Nhưng nếu chính xác thì trong Cựu ước, Chúa thể hiện giận dữ và trừng phạt nhiều hơn là ân sủng. Việc trừng phạt của Chúa luôn được coi là có lý với những kẻ không theo đạo Chúa hay đối xử bất công với dân của Chúa (ví dụ giết con trai đầu của người Ai Cập) hay với những kẻ theo đạo Chúa nhưng kiêu hãnh, sa đà theo các tín ngưỡng khác hay lơ là việc thờ Chúa. Trong Kinh Thánh còn có chuyện Chúa bắt Abraham phải giết con trai của mình để chứng tỏ lòng trung thành với Chúa và khi Abraham làm việc đó thì Chúa hài lòng nên đã biến một con cừu thay cho con trai Abraham. Đọc chuyện này thấy hơi giống với chuyện Agamemnon hiến con gái trong Illiad, không biết là có bị ảnh hưởng lẫn nhau hay chỉ là trùng hợp?

4. Hình ảnh Chúa như vậy có phần giống với một người cha nghiêm khắc hay một người tù trưởng trong một bộ lạc sống khắc khổ, đòi hỏi phải có sự tuân thủ tuyệt đối ý chí của kẻ trưởng thượng. Nhưng trong đạo Thiên Chúa, việc tồn tại một Chúa sẵn sàng trừng phạt và chịu trách nhiệm cho mọi thứ kể cả khổ đau và bất công của con người nhưng vẫn đòi hỏi con người không chỉ tôn kính và sợ mà còn phải yêu Chúa liệu có phải mâu thuẫn (đạo Do Thái nhấn mạnh phần sợ, đạo Thiên Chúa nhấn mạnh phần yêu) ?. Người ta có thể yêu một vị Jesus Christ bác ái và sẵn sàng hy sinh (dù tính khí hơi thất thường) nhưng liệu có thể yêu được vị Thiên Chúa luôn giận dữ, sẵn sàng trừng phạt nặng nề nhất với một lỗi dù nhỏ nhất của con người và hình như không bao giờ biết cười?

Khác với đạo Thiên Chúa, đạo Zoroastrianism (Bái hỏa giáo) và đạo Manichaeism (Mani giáo hay Minh giáo khi ở Trung Quốc) có tính nước đôi hơn. Bái hỏa giáo cho rằng có một vị Thượng đế là đấng sáng tạo và Người có hai hiện thân là Thiện và Ác. Giống đạo Thiên Chúa, Bái hỏa giáo cho rằng vào Ngày tận thế, Thiện sẽ toàn thắng trước Ác (nhiều người cho rằng đạo Do Thái lấy khái niệm Ngày tận thế từ Bái hỏa giáo trong thời gian các tu sĩ Do Thái bị đi đày ở Babilon). Như vậy Bái hỏa giáo là Nhất thần giáo nhưng có nhiều tính chất nhị nguyên. Manichaeism thì có tính nhị nguyên khi cho rằng có hai thế lực Thiện và Ác luôn đấu tranh với nhau để giành quyền áp đảo trong vũ trụ và trong mỗi con người. Đạo Manicheism ra đời ở Ba Tư, là một trường hợp khá lý thú trong lịch sử, nó chịu ảnh hưởng từ cả Zoroastrianism, Thiên chúa giáo và Phật giáo và đến lượt nó lại ảnh hưởng trở lại tới Bái hỏa giáo và Thiên chúa giáo (nhất là qua Thánh Augustine- nhà lý luận xuất sắc nhất trong lịch sử của Thiên chúa giáo kể từ khi Thánh Paul qua đời, vốn là tín đồ của Mani giáo trước khi chuyển sang Thiên chúa giáo).

5. Quay lại Cựu ước. Tác giả Cựu ước là ai? Theo truyền thuyết thì là do các nhà tiên tri ở nhiều thời đại của người Do Thái chép lại sau khi được mặc khải cùng Thiên Chúa. Nói chung mặc khải hay không không biết nhưng có điều gần như chắc chắn là Cựu Ước là công trình sáng tạo và ghi chép lịch sử trong nhiều đời của nhiều người (ví dụ các tên sách trong Cựu ước: The Book of Job, Book of Daniel…)

6. Văn minh tinh thần phương Tây dựa trên hai yếu tố quan trong nhất: Hy Lạp và Do Thái (Cựu ước và Tân ước). Đọc Kinh thánh có cái hay ở chỗ nó là một trong những tài liệu cổ nhất còn giữ lại tương đối nguyên vẹn, phản ánh đời sống xã hội và tinh thần của người Do Thái cách đây hàng nghìn năm. Tất nhiên đó là với quan điểm của người không theo đạo, còn với người theo đạo thành tín thì Kinh Thánh phải được coi là chân lý.

7. Hiện nay ở Mỹ còn có các phong trào đòi xét lại thuyết Tiến hóa của Darwin, không cho giảng dạy thuyết này trong trường phổ thông, hoặc nếu không thì đồng thời với thuyết Tiến hóa, nhà trường phải cho giảng dạy thuyết Sáng thế (creationism) như một học thuyết khác, một cách giải thích khác cho sự hình thành thế giới.

8. Có điều đặc sắc là trong khi hầu hết thế giới cổ đại đều theo đa thần giáo thì một bộ lạc nhỏ bé
người Do Thái ở sa mạc Tây Á lại tôn thờ một vị thần duy nhất và rồi dần dần vị thần ấy sẽ được tôn thờ ở khắp thế giới, dưới các hình tướng và tên gọi khác nhau. Tại sao quá trình phát triển của loài người lại gắn với sự bành trướng của Nhất thần giáo và sự thu hẹp của Đa thần giáo? Liệu đó là một sự tình cờ hay là có một quy luật nào đó?

No comments: