Saturday, July 21, 2007

Zarathustra và Grenouille

img


“Ta gọi con người đích thực là kẻ bỏ đi vào trong những vùng sa mạc không Thượng Đế, là kẻ đập vỡ tan quả tim tín mộ của mình.
Bước đi trên cát vàng nóng bỏng, bị ánh mặt trời thiêu đốt, hắn thèm khát liếc nhìn những hòn đảo với những suối nước tràn trề, nơi mà đời sống an nghỉ dưới những chiếc cây đầy bóng mát.

Nhưng cơn khát của hắn không thuyết phục hắn trở thành giống kẻ an nhàn tự mãn đó; bởi vì nơi nào có ốc đảo xanh tươi thì nơi đó cũng có những thần tượng.

Đói khát, tàn bạo, cô đơn, vô tín ngưỡng, không Thượng Đế: đấy chính là ước muốn của ý chí con mãnh sư.

Giải thoát khỏi hạnh phúc của hạng nô lệ giải phóng khỏi những thần linh, khỏi những sùng bái ngưỡng mộ, không sợ hãi và kinh hoàng, cao cả và cô đơn: đấy là ý chí của kẻ chân thực.”

(Về những nhà hiền triết nổi danh- Zarathustra đã nói như thế, Nietzsche).

Đoạn văn này khiến tôi nhớ tới ai? Tới Jesus khi ông bỏ vào sa mạc, lòng đầy đau khổ và nghi ngờ. Đau khổ vì loài người và nghi ngờ về bản thân mình, và nghi ngờ cả về việc loài người có đáng được cứu vớt không. Khi Jesus trở lại thành phố từ sa mạc, ông tin là có Thượng đế và ông là con của Người, ông tin vào việc có thể cứu vớt loài người và họ đáng để cứu giúp và ông rao giảng một thứ tôn giáo dựa trên tình yêu và điều Thiện. Nietzsche hẳn không thể tha thứ cho Jesus về điều này. Theo Nietzsche, Jesus đã rất gần với con người Siêu Nhân- vượt lên trên cả Thiện và Ác, nhưng rồi ông lại chịu thỏa hiệp với đám dân chúng thấp hèn, đem rao giảng cho họ một thứ tình yêu và điều thiện một cách tầm thường. Có lẽ Nietzsche cũng nghĩ như Marx, tôn giáo là một thứ thuốc phiện cho nhân dân. Nietzsche căm ghét nó vì nó khiến đám quần chúng ngu muội càng thỏa mãn với việc làm nô lệ cho các thần tượng và khiến những kẻ trí tuệ nhất cũng nhụt chí, cam phận “kéo chiếc xe của dân chúng đi, như một bầy lừa”.


Đoạn văn này còn khiến tôi nhớ tới ai? Tới nhân vật Grenouille trong tiểu thuyết Mùi Hương của Patrick Sueskind. Cũng như Jesus, y đã từng bỏ đi rất xa, lang thang trong núi mấy năm trời để tìm cho ra mình là ai, và đâu là mục đích sự sống của mình. Nếu như Jesus có một Thượng đế và một sứ mệnh thì Grenouille là một kẻ đúng như Nietzsche mơ ước “đói khát, tàn bạo, cô đơn, vô tín ngưỡng, không Thượng Đế”. Nhưng cũng có thể coi là y cũng có một Thượng đế và một sứ mệnh. Có điều Thượng đế của Grenouille là Mùi Hương – là một thứ hương thơm tuyệt đích, khiến tất cả nhân loại phải quỳ gối cúi đầu tôn thờ nó. Và sứ mệnh của y là tìm được Mùi Hương đó, là chế ra nó- không phải là để cho nhân loại quỳ mọp dưới chân y (dù y cũng cảm thấy kích thích bởi ý nghĩ đó) mà vì đó là sứ mệnh của sự tồn tại của y. Một cái gì không khác được giống như khi Jesus tự nhận sứ mệnh con Chúa của mình trên thế gian. Và cũng như Jesus, y bị đám dân chúng mà y khinh bỉ bắt bớ, tra tấn rồi kết tội chết. Để rồi chính đám dân chúng đó lại quỳ mọp dưới chân y và tôn thờ y (có điều may mắn- hay không may mắn- cho y là việc đó diễn ra khi y chưa chết, khác với Jesus chỉ được tôn thờ sau khi đã bị đóng đinh).


Nhưng khác với Jesus, Grenouille thờ ơ tuyệt đối với Thiện và Ác. Đối với y, các khái niệm đó không tồn tại. Thật là một sinh vật hiếm có, thoát khỏi vòng cương tỏa của các khái niệm Thiện Ác ngay từ khi nó mới ra đời- Nietzsche liệu có vui mừng khi có những Siêu Nhân trở thành Siêu Nhân mà không phải đau đớn, dằn vặt chối bỏ, vượt lên trên Thiện và Ác?. Cuộc sống và cả cái chết của y là một sự nhạo báng kinh người đối với loài người, với việc làm nô lệ cho các thần tượng của loài người, với tôn giáo nhân danh tình yêu mà loài người bấu víu vào như là chỗ ẩn của lương tri và Cái Thiện.

Grenouille không phải Jesus, người vẫn tin vào Cái Thiện và dùng nó để cứu rỗi loài người. Grenouille cũng không phải Faust, kẻ sẵn sàng bán linh hồn cho Satan- Cái Ác- để có bằng được những gì hắn muốn có. Grenouille đứng trên Thiện và Ác. Jesus là con người (trước khi bị đóng đinh). Faust cũng là con người. Grenouille không phải là người theo nghĩa đúng của từ này. Có thể gọi y là Siêu Nhân hay là quái vật, có điều chắc chắn y là một kẻ phi-người.


Với bề ngoài của một tác phẩm thriller về một tên giết người hàng loạt, tác phẩm Mùi hương là một sự cười cợt, nhạo báng mang tinh thần Nietzsche đối với tôn giáo, với chính trị, với bản chất con người, với cả một điều mà loài người vẫn tôn thờ và coi là thiêng liêng nhất- Tình yêu. Grenouille có cái gì đó của Jesus, của Faust, thậm chí của cả Napoleon, Hitler hay Stalin…sự có mặt của y trong cuộc đời hẳn là một sự nhạo báng đối với bản chất con người, nhất là ở cái nhu cầu của loài người được đi tìm thần tượng ở những kẻ ít có điểm chung với con người bình thường nhất. Mang tinh thần Nietzsche nhưng có thể nhân vật Grenouille còn là một sự giễu cợt đối với chính Nietzsche với mơ tưởng của ông về những vị anh hùng đứng trên Thiện và Ác.


Các bài điểm sách đầy đủ về cuốn này: có thể đọc bài này của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan và bài này của bác 5xu. Bài trên chỉ là tản mạn khi đang đọc Zarathustra đã nói như thế của Nietzsche thôi. Có thể là hiểu rất sai (cả Nietzsche và Sueskind).

No comments: