Monday, July 23, 2007

Entry for July 23, 2007

Phê bình văn học đứng ngoài “văn hóa đọc”?

The image “http://news.vietnamnet.vn/dataimages/200702/original/images1224517_T.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.


Ảnh: phóng viên Thanh Xuân trên blog của Thanh Xuân.

Bài phỏng vấn các nhà phê bình văn học của Thanh Xuân trên VTC. Tham khảo thêm trên blog của BooBoo.

Có đoạn này đáng chú ý khi phóng viên Thanh Xuân hỏi về việc một số NXB mua trang báo để giới thiệu sách do NXB đó phát hành. Hóa ra ở Việt Nam có hiện tượng này, giờ mình mới biết.

Trả lời phỏng vấn, tất cả các nhà phê bình đều ủng hộ việc này (dễ hiểu thôi). Phạm Xuân Nguyên còn khẳng định “Chuyện này ở nước ngoài đã có từ lâu, một tờ báo nào đó, một cây bút phê bình nào đó chỉ chuyên điểm sách cho một NXB nào đó.” Tớ không rành về tình hình xuất bản và báo chí ở nước ngoài nên không biết ông Nguyên nói thế có đúng không. Nhưng tớ nghĩ việc đó không đúng với các tờ báo uy tín như NYTimes hay The Guardian chẳng hạn.

Và ngay cả trong trường hợp nhà xuất bản bỏ tiền để tờ báo đăng bài giới thiệu sách của mình thì phải hiểu việc đó như một hình thức quảng cáo, và tránh để người đọc hiểu lầm giữa việc giới thiệu sách do nhà xuất bản tài trợ với các bài điểm sách công tâm, khách quan. Ví dụ có thể để một dòng chữ: Chuyên mục giới thiệu sách do NXB ABC hay Công ty XYZ tài trợ chứ không để lập lờ được.

Mà ở Việt Nam tớ cho rằng không phải các nhà xuất bản mà là các công ty sách như Nhã Nam, Đông A… mới là những người đứng ra mua như thế, có đúng không nhỉ?.

Trích:

“Tình trạng một số NXB mua hẳn một (phần) trang báo, và theo từng kỳ, báo giới thiệu vài quyển sách của NXB đó phát hành, anh (chị) nghĩ sao về điều này?



- Inrasara: Có chi to chuyện đâu. Đáng nói là bài giới thiệu được viết ra sao? Tụng ca tác phẩm nào? Rồi sau khi dụ người mua sản phẩm được quảng cáo đó, độc giả sẽ đọc và phản ứng thế nào? Chính điều đó mới thành chuyện.

- Nguyễn Chí Hoan: Tôi ủng hộ tán thành nhiệt liệt việc một NXB mua một trang báo cũng như việc một tờ báo bán một trang cho giới thiệu sách. Ít nhất việc ấy cũng còn nhắc người ta nhớ đến sách và việc đọc sách.

- Ngô Thị Kim Cúc: Về phía NXB, tôi thấy họ không có gì sai: ai làm ra sản phẩm cũng muốn quảng bá để sản phẩm đến được với người mua. Vấn đề ở chỗ các tòa soạn báo. Tòa soạn (hay nhà báo) có công tâm, có thực sự chịu trách nhiệm khi chọn sách để giới thiệu không? Tuy nhiên, người giới thiệu sách sẽ không giữ được uy tín với bạn đọc sau một số đầu sách không đạt chất lượng mà họ đã giới thiệu.

- Phạm Xuân Nguyên: Chuyện này ở nước ngoài đã có từ lâu, một tờ báo nào đó, một cây bút phê bình nào đó chỉ chuyên điểm sách cho một NXB nào đó. Cho nên ở ta nếu có hiện tượng một nhà xuất bản hay một nhà sách nào đó mua hẳn một trang báo để đăng các bài viết về sách của họ in ra thì tôi cho cũng là được vì như thế chứng tỏ cả bản báo, cả người làm sách đều có sự tin tưởng ở chính mình.

Còn có tin họ hay không thì đó lại là sự thử thách dành cho người đọc. Nếu qua một vài bài giới thiệu người đọc đi mua sách mà đọc thấy hay, thấy đúng như giới thiệu thì họ sẽ tin tờ báo đó, nhà sách đó. Nếu thấy bị lừa, bị hớ, họ sẽ “cạch mặt”, bỏ chơi luôn. “

Nhưng vấn đề quan trọng còn là cây bút nào viết giới thiệu sách, tức là NXB mời được, chọn được nhà phê bình nào viết cho mình. Khi đó nhà phê bình cũng sẽ phải chịu sự thử thách, nếu giới thiệu ẩu, tạp, thì uy tín, danh tiếng của họ sẽ đi tong.”

Một câu hỏi khác cũng đáng chú ý “Theo anh (chị) phê bình một chiều có phải là “bệnh” hiện nay?”. Nghe hơi buồn cười vì phê bình là phê bình chứ có phải hình học đâu mà cần 2 chiều, 3 chiều hay n chiều. Nhưng có lẽ ý của phóng viên ở đây là nêu tình trạng khen quá đà hay "đánh" một cuốn sách nào đó, bất kể giá trị của nó với người phê bình thế nào. Các câu trả lời nói chung không đi thẳng vào câu hỏi này trừ trả lời của Kim Cúc rằng đúng là bệnh.

No comments: