(Petrograd, 4 July 1917. Street demonstration on Nevsky Prospekt just after troops of the Provisional Government have opened fire with machine guns- Source)
Ngày hôm nay là ngày kỷ niệm 90 năm một thí nghiệm xã hội có thể là vĩ đại nhất trong lịch sử loài người: thí nghiệm về một xã hội toàn trị ở mức độ cao nhất.
Chủ nghĩa cộng sản do một nhà lý luận thiên tài nhưng cũng nhiều lầm lẫn sáng tạo trong thế kỷ 19. Tới đầu thế kỷ 20, một nhà cách mạng thiên tài nhưng còn nhiều lỗi lầm hơn đã biến nó từ một lý thuyết kinh tế-xã hội học thành một thí nghiệm xã hội tại một quốc gia rộng lớn nhất thế giới. Hai mươi năm sau đó, đã có hơn 20 triệu người chết từ thí nghiệm xã hội này, chủ yếu do đói khát. Tiếp tục, hơn 30 năm sau nữa, thí nghiệm này được tiến hành ở quốc gia đông dân nhất thế giới và mang lại cái chết của từ 30 tới 50 triệu người chết, cũng đa phần là do đói khát. Cùng với vài chục triệu người chết đó còn là vài chục triệu người khác bị tù đày trong các trại Gulag hay lao cải. Những hậu quả đó là các “tai nạn” xuất phát từ sai lầm của các một số nhà độc tài?. Hay chúng là hệ quả tất yếu và logic dưới chế độ toàn trị, nơi tính mạng và quyền của cá nhân bị coi nhẹ nhất?. Liệu có thể lấy “tiến bộ” nào để biện minh cho sinh mạng hàng chục triệu người? Nhưng đó chưa phải là tất cả, tai họa chính của chủ nghĩa toàn trị là ở chỗ tiêu diệt, phủ định con người cá nhân, phi nhân cách hóa con người, nói cách khác là đi ngược lại, xóa bỏ những thành quả mà thời Khai sáng và chủ nghĩa nhân văn đã mang lại cho nhân loại. Khởi đầu từ những tư tưởng nhân văn, chủ nghĩa cộng sản rút cục trở nên phản- nhân văn. Orwell, Koehler, Kundera, Solzhenitsyn, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện... là những nhà văn đã phản ánh rất chính xác và mạnh mẽ tính phản-nhân văn này trong các xã hội toàn trị.
Chủ nghĩa cộng sản nói riêng và chủ nghĩa toàn trị nói chung chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn. Nó cũng có những tố chất giống với một tôn giáo độc thần: nó hứa hẹn hạnh phúc tương lai thay cho hiện tại, nó đòi hỏi các con chiên phải nghe lời các vị giáo chủ/nhà tiên tri vĩ đại- những người đã có sẵn bản đồ đi tới tương lai, nó không dung thứ cho bất cứ niềm tin nào khác, sẵn sàng trừng trị thẳng tay những kẻ dị giáo, và luôn có nhu cầu cải đạo cho những người chưa phải là tín đồ. Tính quyết định luận và tiên tri lịch sử của chủ nghĩa toàn trị có lẽ là sai lầm tai hại nhất của nó, nhất là khi chủ nghĩa toàn trị được hiện thực hóa, đi vào đời sống dưới hình thức nhà nước toàn trị trong một xã hội toàn trị. Nhà nước toàn trị thực chất rất giống với nhà nước giáo trị (theocracy) trong đó tất cả các hoạt động vật chất- tinh thần của mọi cá nhân đều đi phải tuân thủ chặt chẽ giáo lý. Chủ nghĩa toàn trị cũng không có động lực để xã hội có thể phát triển một cách lành mạnh, nó thủ tiêu mọi động lực kinh tế. Con người lý tưởng trong xã hội toàn trị là một chiếc đinh ốc (ref Lôi Phong) không cần có suy nghĩ hay quan điểm riêng. Mô hình lý tưởng của nó là một đám đông mù mờ, lạc hậu (tín đồ) dắt tay nhau đi theo một nhóm nhỏ tinh túy dẫn đường (các giáo chức) và đứng đầu nhóm tinh túy đó là một vị lãnh tụ vĩ đại (giáo chủ), người có tầm nhìn thấu tỏ quá khứ, hiện tại, vị lai và không bao giờ mắc sai lầm.
Trong khi ở nước Nga, ngày này chỉ được các lực lượng cánh tả cộng sản và thân cộng sản tưởng niệm và tôn vinh (một cách hơi ngượng ngập) để hoài nhớ về những ngày xưa cũ không bao giờ trở lại thì ở Việ
t Nam, có vẻ như ngày này đang được tổ chức rầm rộ một cách khó tin, như những gì được nhắc tới trên báo chí trong những ngày qua. Đó chẳng phải một sự nực cười hay sao?
Tôi luôn có cảm tình với nước Nga và nền văn hóa nước này, với cả con người Nga như những gì hiện ra trong văn học, phim ảnh nước Nga. Tôi cũng ưa thích lý thuyết và phương pháp luận Marxist, và cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của nó. Nhưng tôi tự lấy làm may mắn là khi tôi bắt đầu lớn lên thì cái thí nghiệm vĩ đại (hay khủng khiếp?) được bắt đầu cách đây 90 năm- cái thí nghiệm mà hiện nay đang được kỷ niệm khá ồn ào- đã chấm dứt ở xứ sở của nó.
Đáng chú ý trong hàng loạt các bài kỷ niệm này- phần lớn là tự sự của giới văn nghệ sĩ/trí thức về nước Nga, người Nga, văn hóa Nga- là bài của GS. Phạm Vĩnh Cư, chuyên gia nghiên cứu văn học và triết học Nga đăng trên Tuần Việt Nam dưới ti
êu đề “Chúng ta đã thực sự hiểu nước Nga?”. Bài này thật ra được viết từ năm 1994, nhưng tới nay vẫn còn có giá trị. Xin trích một đoạn nói về tính chất phản văn hóa, phản trí thức của cách mạng Nga.
“Một đặc điểm đầy kịch tính của lịch sử Nga đó là một cuộc cách mạng, một cuộc đảo lộn xã hội triệt để nhất, khốc liệt nhất đã nổ ra ở đó đúng vào lúc nền văn hoá Nga đương phát triển rực rỡ và toàn diện, khi mà theo lời một nhà văn hoá Nga hiện đại, đất nước Nga đang nở những thiên tài.
Trong cuộc đấu tranh ấy, những người chiến thắng, trái ngược với những tuyên bố chính thức của họ, rất nhiều khi đã đưa vào lĩnh vực vắn hoá - lĩnh vực lưu giữ, phát tỏa ánh sáng vĩnh hằng của những mục tiêu cao nhất của nhân sinh - những quy luật, những phép ứng xử của cuộc chiến tranh giai cấp nhất thời.
"Ai không đi với chúng ta tức là người ấy chống lại chúng ta" - phương châm ấy được áp dụng với một sự nhất quán đáng sợ với những tinh hoa của dân tộc Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô Viết.
Nếu năm 1922, thời Lê-Nin, nhà đương cục đã trục xuất ra khỏi đất nước hơn 200 trí thức lớn, bất đồng chính kiến - chính những người này về sau đã tạo nên vinh quang cho nền văn học, triết học, khoa học nhân văn Nga thế kỷ XX ở Châu Âu và Châu Mỹ - thì đến thời Xtalin hàng ngàn trí thức như thế đã bị vùi dập, đọa đầy, giam hãm và thủ tiêu, trong đó có không ít văn nghệ sĩ và nhà khoa học đại tài. “
PS: Bài này không hoanh nghênh các comment có tính cực đoan, dù hướng này hay hướng khác.
No comments:
Post a Comment