Sống chủ động trong thông tin toàn cầu
Trích một số ý ông Bạt nói
Về vai trò “con người toàn cầu”
Tôi cho rằng các cơ quan truyền thông không nên truyền bá ý tưởng con người trong thời đại toàn cầu này phải là công dân toàn cầu, phải biết mọi thứ. Rất nhiều người Việt Nam chưa biết mọi thứ ở Việt Nam vậy thì tại sao chúng ta lại phải biết mọi thứ trên thế giới. Trước hết, chúng ta phải biết về chính mình và sống như chính mình thì chúng ta mới có thể làm phong phú tính toàn cầu của khái niệm công dân.
Về nâng cao khả năng phân tích, đánh giá thông tin
Lời khuyên của tôi là: đọc, nghe và nhìn càng nhiều càng tốt. Nhưng đừng vụ lợi khi đọc, đừng vụ lợi khi nghe và đừng vụ lợi khi nhìn. Bởi vì nếu chúng ta xăm xăm đi tìm một cái, nghe một cái, nhìn một cái thì đôi khi lượng thông tin chúng ta tiếp nhận được sẽ rất hạn chế. Chúng ta phải làm những việc ấy như một bản năng, giống như khi thở thì người ta thường không ý thức về sự thở. …Cần phải duy trì trạng thái nghe, nhìn và đọc như hiện tượng thở bản năng trước đã.
….Có ba yếu tố giúp con người làm việc đó. Thứ nhất là anh phải sống thật. Cuộc sống là nguyên mẫu, mọi sự phân tích đều là chủ quan. Khi có kinh nghiệm thật về cuộc sống thì anh có thể sửa chữa các phân tích của người khác hoặc các phân tích của mình để hoàn thiện nó, tức là phải trải nghiệm để có kinh nghiệm. Thứ hai là không phải ai cũng có điều kiện để trải nghiệm nên người ta phải thay thế kinh nghiệm bằng học vấn, tức là phải đọc. Thứ ba là anh phải dự báo, phải linh cảm. Có những việc người ta không kịp học, cũng không kịp trải nghiệm, nhưng người ta có thể linh cảm được. Con người có thể linh cảm về cái đúng trước khi nhận ra cái đúng bằng ý thức, bằng lý luận.
Về vai trò truyền thông
“Một trong những hạn chế căn bản của truyền thông hiện nay là chưa nghiên cứu một cách có cơ sở khoa học về việc xây dựng một xã hội mà đọc, nghe và nhìn trở thành bản năng. Truyền thông hiện nay vẫn truyền bá cái mình muốn chứ chưa cung cấp cái mà con người đang cần và sẽ cần….
Tôi có nói với các nhà báo rằng để làm cho mình không trở nên đơn điệu trong việc phải nói, phải truyền bá những thông tin bắt buộc thì chúng ta phải tự đa dạng mình. Song song với những cái phải nói thì chúng ta có thể nói cả những cái mà người khác cần, và người ta sẽ nhìn các cơ quan truyền thông một cách cân đối hơn, lành mạnh hơn.”
Về sai lầm và nhận sai lầm
“Con người luôn luôn nhận ra sai lầm để tự hoàn chỉnh mình. Có những khi vừa nói xong là người ta đã biết mình sai. Nếu khôn ngoan thì người ta có thể điền ngay cái đúng vào để nó lấn át cái sai, tẩy cái sai đi. Nếu không làm được ngay như vậy thì người ta có thể thông báo về cái sai của mình sau đó. Thường thì trong một nửa số tình huống, tôi sửa cái sai đầu câu nói ở đoạn cuối của câu nói, một nửa các tình huống còn lại là tôi thông báo lại cái sai của mình. Phải hành động như thế mới trở thành người tử tế được, bởi một người tử tế là người biết sửa cái sai của mình.”
2. Bài này đáng chú ýQuả bom chờ nổ
Phần về siêu thị sách không thực sự quan trọng. Đáng chú ý là đoạn về báo lồng trong đó:
"
Không riêng gì các tác phẩm văn học mà các tác phẩm báo chí trên báo viết cũng trở thành nạn nhân của nhiều tờ báo mạng và kèm theo đó là nỗi bức xúc của không ít tờ báo, tác giả bài báo cũng như những nhân vật được đề cập trong bài báo. Nếu như điều khiến các nhà làm sách bức xúc nhất là sách của mình bị đưa lên toàn bộ thì với các nhà báo, ngược lại, lại là việc các bài báo của họ bị đưa lên một cách méo mó.
Giật tít câu khách, nặng về xoi mói đời tư; lược bớt và thay đổi hoàn toàn giọng điệu hỏi - đáp là cách mà không ít biên tập viên báo mạng đã sử dụng khi tự tiện đưa lên các bài báo phỏng vấn những người nổi tiếng từ báo viết lên báo mạng. Một dạo, các tờ báo mạng này thậm chí còn chẳng thèm trích dẫn nguồn tin. Nhưng đến lúc chịu ghi vào bên dưới nguồn trích dẫn thông tin (chỉ ghi tên tờ báo, không ghi tên tác giả) thì không ít bận, lại làm ê mặt tờ báo ấy vì cái lối nhào nặn tuỳ tiện (nhiều lúc còn mắc cả lỗi chính tả) nói trên. Nhiều bài báo, nếu bạn đọc chịu khó để ý so sánh giữa bài báo được đăng đầy đủ trên nguồn trích dẫn (báo viết) và một phần bài báo được đưa lên báo mạng sẽ thấy khác nhau một trời một vực.
"
Và nguyên nhân là ở đây:
"Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, báo Lao Động đã ký một thoả thuận với 5 tờ báo lớn khác về việc được trích dẫn thông tin của nhau mà không cần xin phép. Để có được cái quyền "không phải xin phép" ấy cho mỗi một lần trích dẫn, trong một nguyên tắc giao tiếp lịch sự của cái gọi là "văn hoá B
Q", thiết nghĩ, rất cần một lời xin phép "phải phép" và phải cách như vậy! "
Xem ra sắp tới các báo mạng như VNE, VNN, Dân Trí, 24h... sẽ gặp khó khăn đây.
3. Quên, chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tới các bạn đã và đang làm giáo viên!!!
4. Hai bài trên blog về văn 8x (một bài không mới lắm nhưng giờ mới biết)
Con nhà quê
Văn học 8x còn thiếu sự quyết liệt(?)
Nói chung mình gần như chưa đọc văn chương 8x nên không dám bàn gì. Nhưng từ mấy bài này có thể thấy các nhà văn 8x khá tự tin và mạnh mẽ. Đồng thời họ khá dynamic: bạn nghĩ sao nếu một nhà văn 22 tuổi dùng chữ "văn chương trẻ" để chỉ văn học của những người 18-20 tuổi?
Cũng buồn cười, với các nhà văn U60 thì U40 là văn chương trẻ (bác Lê Anh Hoài chẳng hạn), với các bác U40 thì văn chương 7x cũng là trẻ rồi, với 7x như mình thì 8x là văn chương trẻ. Giờ tới lượt các bạn 8x gọi 9x là văn chương trẻ. Ở xứ mình, từ "trẻ" có lẽ hay được coi đồng nghĩa với từ "non".
Thực ra, tớ cũng không nghĩ là văn học 8x đã thực sự đạt được điều gì đáng kể (nói chung mình không có nhiều thời gian để đọc những cái thử nghiệm lắm nên sẽ ưu tiên cho các tác giả có tiếng tăm hơn). Nhưng tất nhiên đó chỉ là cảm tính.
Trong bài số 2, Phong Điệp nhắc tên hai nhà văn 8x đã viết được những gì thực sự có giá trị là Vũ Phương Nghi và Ngô Thị Giáng Uyên. Vũ Phương Nghi có vẻ được nhiều người khen (trong đó có bạn Cao Việt Dũng) nhưng mình chưa đọc nên không biết. Ngô Thị Giáng Uyên thì toàn hồng hồng tuyết tuyết, tản văn tuổi 18 sóng nước mây trời, bến tàu điện ngầm Paris, ga xe lửa London..., ngoài du ký ra thì không rõ có viết truyện ngắn không nữa, thế mà cũng được đưa vào tiêu biểu cho văn chương 8x?
No comments:
Post a Comment