Đọc báo về vụ việc cô gái 22 tuổi bị tra tấn, hành hạ dã man hơn 10 năm trời ở ngay giữa Hà Nội, không khỏi cảm thấy thương xót và phẫn nộ. Sự độc ác, phi nhân tính và thích hành hạ người khác của cặp vợ chồng này đã quá rõ ràng, cũng không cần phải nói thêm. Có điều khó hiểu là tại sao vụ việc đó xảy ra hơn 10 năm trời; hàng xóm, người quen nhiều người biết nhưng tại sao công an lại không biết? Tại sao những người hàng xóm xung quanh lại không tố cáo với công an? Hay họ đã nói với công an nhưng công an không can thiệp? Ở Việt Nam vẫn theo chế độ hộ khẩu và công an khu vực quản lý địa bàn thường xuyên tiếp xúc với các gia đình. Họ nắm được rất nhiều điều về các gia đình trong địa bàn. Ví dụ khi tôi đi học ở nước ngoài một thời gian thì công an khu vực đến yêu cầu cắt hộ khẩu. Vậy mà tình trạng lạm dụng, ngược đãi lao động trẻ em xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật như thế lại không nhận được sự chú ý nào của họ.
Nhưng lỗi này cũng không phải chỉ ở họ, mà còn ở ý thức của người dân xung quanh. Người Việt Nam vẫn tự hào là có truyền thống cộng đồng, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Người Việt Nam cũng hay để ý, xâm phạm chuyện đời tư của nhau một cách khá tự nhiên. Nhưng khi những chuyện như thế này xảy ra thì hầu hết chúng ta sẽ chọn cách không can dự vì sợ liên lụy. Chúng ta chậc lưỡi thôi đèn nhà ai, nhà đó rạng, không phải việc của mình, dính líu vào làm gì. Chúng ta không có thói quen dựa vào công an trong việc xử lý các vi phạm pháp luật, đồng thời cũng không tin tưởng vào họ.
Chuyện này thực ra cũng không phải cá biệt ở Việt Nam. Cái ác vẫn tồn tại ở mọi nơi, mọi dân tộc chứ chẳng trừ quốc gia, dân tộc nào cả. Ở các nước phát triển vẫn thỉnh thoảng xảy ra các vụ gia đình hành hạ hay bỏ đói trẻ em- thường xảy ra ở một số gia đình nhận trẻ em cơ nhỡ từ các trung tâm bảo trợ về nuôi nhằm hưởng trợ cấp xã hội. Nhưng hầu hết các vụ việc này đều xảy ra một cách kín đáo và người ngoài không hề biết. Thường người ta phát hiện ra chúng khi có sự nghi ngờ của hàng xóm hay nhân viên bảo trợ xã hội- những người này đánh động cho cảnh sát và cảnh sát vào cuộc. Trong khi đó vụ việc nói trên xảy ra ở Việt Nam kéo dài hơn chục năm và rất nhiều người biết nhưng chẳng ai “thực sự” can thiệp mãi cho tới khi có một bà già tốt bụng ra tay giải cứu cô gái. Phải chăng điều này phản ánh một trạng thái tinh thần của người Việt Nam hiện nay- thờ ơ với số phận của người khác, mất lòng tin vào công lý, vào chính quyền và e sợ tất cả những thứ trách nhiệm nào không liên quan trực tiếp tới mình?
Vụ việc này còn lên tiếng cảnh báo về tình trạng lạm dụng lao động trẻ em ở Việt Nam. Hãy nhớ rằng em gái kia phải bắt đầu làm việc ở quán phở từ khi 9, 10 tuổi và tình trạng của em có thể nói không khác nô lệ: em không có tiền lương, không được ra khỏi nhà chủ về thăm gia đình, lao động nặng nhọc ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và tinh thần và thường xuyên bị đánh đập, hành hạ, tra tấn dã man. Ở các nước đang phát triển, rất khó tránh khỏi việc sử dụng lao động trẻ em do tình trạng nghèo khổ phổ biến. Vì thế tuy Việt Nam đã ký công ước quốc tế về quyền trẻ em nhưng trên thực tế, chính quyền và cả xã hội vẫn chấp nhận việc sử dụng lao động trẻ em. Nhưng trong tình trạng đó thì có cách nào bảo vệ được quyền lợi của những đứa trẻ khi số phận của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào tâm tính của các ông bà chủ và chúng không có cách gì để tự bảo vệ bản thân trước sự bóc lột hay đối xử tàn tệ nếu có của chủ?
Wednesday, November 07, 2007
Sự vô cảm của đám đông?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment