“…Tất cả chúng ta đều theo đạo luật Cơ đốc giáo về sự nhẫn nhục và bác ái, theo đạo luật ấy chúng ta đã dựng lên bốn mươi lần bốn chục ngôi nhà thờ ở Moskva, thế mà hôm qua người ta đem một người lính đào ngũ ra dùng roi sắt quất cho đến chết, và một ông linh mục, chính kẻ phụng sự đạo yêu thương và tha thứ đó đã giơ cây thánh giá cho người lính kia hôn trước khi bị hành hình" - Piotr suy nghĩ như vậy, và tất cả sự dối trá được mọi người thừa nhận ấy, dù chàng có quen với nó đến đâu chăng nữa, cũng vẫn khiến chàng kinh ngạc như một điều gì mớỉ mẻ. "Ta hiểu sự dối trá và sự hỗn loạn này, - Piotr nghĩ, - nhưng ta làm thế nào nói ra với họ tất cả những điều ta hiểu? Ta đã từng thử nói và bao giờ cũng thấy rằng trong thâm tâm họ cũng hiểu như ta, chỉ có điều là họ cố tình không trông thấy nó. Như vậy nghĩa là cần phải như thế mới được! Nhưng còn ta, ta biết trốn đi đâu?". Piotr có cái khả năng bất hạnh của một số người, nhất là những người Nga, là có thể thấy và tin rằng có thể có cái chí thiện, có chân lý, nhưng lại cũng nhìn thấy quá rõ cái ác và sự giả dối của cuộc sống, nên không thể tham dự một cách đến nơi đến chốn vào cuộc sống được. Dưới mắt chàng bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng đều gắn liền với cái ác và sự dối trá. Dù chàng có muốn thử làm việc gì thì cái ác và sự dối trá cũng đẩy chàng và và chặn hết lối đi của chàng. Nhưng chàng vẫn phải sống, vẫn phải làm một công việc gì.
(Chiến tranh và hòa bình, phần VIII, chương 1).
2. Trích công văn về Diễn đàn các nhà khoa học trẻ trên blog bác quachhiennb
“ Nhằm cổ vũ các phong trào thi đua sáng tạo trong lao động, học tập, nghiên cứu của thanh thiếu nhi, tạo ra một diễn đàn thiết thực và sôi nổi của những Nhà khoa học trẻ Việt Nam hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; TW Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành hữu quan tổ chức Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ II tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 24-25/11/2007. Trong khuôn khổ Festival sẽ tổ chức Diễn đàn các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Diễn đàn là nơi các Nhà khoa học trẻ gặp gỡ, trao đổi, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ trong thời kỳ mới….”
Tính chất diễn đàn như thế trách gì chẳng có tình trạng sau như nêu ra trên blog bác Quách Hiền:
“Nghe nói, phát giấy mời là 500 nhà khoa học nhưng số người đến dự chắc khoảng 200. Từ xưa tới nay, rất nhiều nhà khoa học “chẻ” kêu là không có diễn đàn, nhưng đến khi có diễn đàn thì không thiết đến dự. Lại nữa, đang giữa buổi thảo luận mọi người bỏ về không ít.”
Cho tới bao giờ trí thức mới được coi như một lực lượng độc lập có tiếng nói và quan điểm của mình và được phép thể hiện quan điểm và tiếng nói ấy một cách tự do, chứ không phải là một đám bâu xâu làm cảnh mà chức năng cao quý nhất là được hạ cố cho phép “gặp gỡ, trao đổi, hiến kế với Đảng, Nhà nước”?
Đến chừng nào thì các nhà khoa học “trẻ” mới không còn bị xếp chung vào trong phong trào “thi đua sáng tạo trong lao động, học tập, nghiên cứu của thanh thiếu nhi”? Những cái lồng không nan (theo chữ của bác Đức Thành ở đây- mượn lại từ thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh) còn ràng buộc tư tưởng trí thức Việt Nam tới bao giờ?
Ở lâu trong những cái lồng không nan ấy, dần dần người ta sẽ giống như những chú chó trong thí nghiệm của Pavlov tự thích nghi với nó, coi nó là điều kiện để tồn tại, là thế giới duy nhất mà họ có thể biết và được phép biết. Họ sẽ đánh mất cả khả năng kinh ngạc trước nó như Piotz (Pie), và sẽ gắng để không trông thấy nó. Khi mà họ không cần phải gắng cũng không trông thấy nó thì coi như là họ đã thành công trong việc hòa mình cũng hệ thống.
No comments:
Post a Comment