Đọc trên blog của bác Free có thông tin này, lấy từ trang web Bộ Ngoại giao và VNN: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chuyện với sĩ quan, thủy thủ trên chiến hạm Rạng Đông (là chiến hạm nổ súng đầu tiên mở đầu cách mạng tháng 10 Nga), và cho họ biết là cụ Tôn Đức Thắng từng là thủy thủ của chiến hạm!.
Nguồn tin trên trang web Bộ Ngoại giao: “Trò chuyện thân mật với sĩ quan và thủy thủ đang làm nhiệm vụ bảo tồn Chiến hạm Rạng Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Cố Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Tôn Đức Thắng từng là thủy thủ của Chiến hạm và tích cực tham gia những hoạt động của Chiến hạm nhằm ủng hộ cuộc cách mạng Tháng Mười Nga."
Đây là một sự hớ hênh ngớ ngẩn của bác Dũng bởi vì bác Tôn chưa từng là thủy thủ chiến hạm này, mà chỉ là thủy thủ trên một chiếc tàu của Pháp trong thời gian nội chiến Nga. Bác Dũng cho bác Tôn từ chân đi lính cho Pháp thành đi lính cho Nga Sa hoàng thì quả là kỳ tài. Tất nhiên nguyên thủ cũng có thể nhiều lúc nhầm (như Bush nói nhầm lịch sử, địa lý, nhân vật thường xuyên và vẫn bị nhiều người giễu là idiot) nhưng cái nhầm này của bác Dũng thì hơi ngớ ngẩn quá, nhất là vì nó liên quan tới một vị cựu Chủ tịch nước và trong một chuyến thăm ngoại giao với nước ngoài.
Buồn cười hơn nữa là cả Bộ Ngoại giao lẫn VNN đều không phát hiện ra sự nhầm lẫn đó và vẫn đăng nguyên văn, trịnh trọng câu chuyện này.
Về sự kiến Hắc Hải và sự có mặt của Tôn Đức Thắng, theo sách “chính sử” ở Việt Nam thì Tôn Đức Thắng là một trong những người lãnh đạo phong trào binh sĩ phản chiến trên chiến hạm Pháp, thậm chí còn là người cắm cờ búa liềm trên chiến hạm Pháp. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu lịch sử thì việc này là một “huyền thoại” và trên thực tế, Tôn Đức Thắng không có mặt trên chiến hạm Pháp ở Hắc Hải vào thời gian đó và chắc chắn không có chuyện ông cắm cờ trên chiến hạm Pháp. Trường hợp Tôn Đức Thắng được nhà sử học Christoph Giebel lấy ra như là ví dụ nghiên cứu về cách ghi chép sử bịa đặt, nhằm phục vụ nhu cầu tuyên truyền ở Việt Nam. Cách đây không lâu, chúng ta cũng biết tới hiện tượng Lê Văn Tám hóa ra là một chuyện bịa đặt qua bài viết của giáo sư Phan Huy Lê, thế nhưng tới giờ thì nhân vật tưởng tượng ấy vẫn được lấy làm tên cho các đường phố, trường học, công viên, quỹ học bổng…Lại còn các giai thoại về đời hoạt động của Hồ Chí Minh mà tới nay, nhiều giai thoại đã được chứng tỏ là không có thực (chẳng hạn theo ông Vũ Kỳ thì Hồ Chí Minh từng rất khó chịu khi biết người ta bịa đặt ra chuyện ông cúi xuống hôn hòn đất Việt Nam khi trở về quê hương năm 1941-chuyện bịa đặt này được in ở sách giáo khoa ngày xưa). Đọc thêm về các giai thoại về Hồ Chủ Tịch trên blog bạn Trang, trong đó có cả giai thoại cụ Hồ bắt ai đến thăm nhà cụ phải nhảy qua hàng dâm bụt.
Lại chuyện báo chí, cách đây 1 tuần thấy báo nào cũng đăng tin Áo lụa Hà Đông vượt qua Pan’s Labyrinth và đoạt giải Liên hoan phim Kim Kê cho phim nước ngoài hay nhất. Tới hôm nay đọc blog bạn Phanxine và theo link này thì mới biết không phải “Áo lụa Hà Đông” đoạt giải phim nước ngoài hay nhất mà là “bộ phim “Áo lụa Hà Đông” của Việt Nam và phim “Mê Cung” do Tây Ban Nha, Mexico hợp tác sản xuất, đoạt giải được khán giả yêu thích nhất.” Trong link không nói rõ phim nào đoạt giải phim nước ngoài hay nhất. Vậy lỗi trong chuyện này do đâu? Do báo chí lộp chộp đưa tin sai? Hay do ai đó trong đoàn làm phim nói phét? Nhưng dù thế nào thì trong việc này, báo chí cũng đã mắc lỗi trong việc đưa tin sai, không kiểm chứng nguồn tin. Hồi xưa hình như có anh gì còn khoe phim của ảnh đoạt giải Cành cọ vàng, sau rồi ảnh chữa là giải Cành cọ vàng cho phim thể thao!
PS: Bạn Nhị Linh và bạn Nhã Nam: Cậu bé trong Curious Incident là bị chứng tự kỷ chứ không phải rối loạn hành vi (chung chung quá). Đọc trên wikipedia nhé “The story is written in the first-person narrative of Christopher John Francis Boone, a 15-year-old boy living in Swindon, Wiltshire in 1998, who is described as having Asperger syndrome, although the behaviour he displays throughout the novel suggests a more severe condition on the autistic spectrum.”
Triệu chứng Asperger là một triệu chứng của bệnh tự kỷ (autism) nhưng không kèm theo việc giảm khả năng phát triển ngôn ngữ và nhận thức như nhiều triệu chứng tự kỷ khác.
No comments:
Post a Comment