Wednesday, November 14, 2007
Maxim Gorky
Maxim Gorky có lẽ là nhà văn nổi tiếng nhất dưới thời Nga Xô viết. Hai dòng văn học chính dưới thời XHCN là văn học lãng mạn cách mạng và hiện thực XHCN đều có nguồn gốc từ các tác phẩm của Maxim Gorky. Nhưng bản thân Gorky là một nhà văn khá phức tạp. Một mặt, ông viết văn ca ngợi cách mạng, ca ngợi lý tưởng XHCN, ca ngợi cả những công trình của CNXH được xây dựng bằng máu và mồ hôi của lao động khổ sai. Khi Gorky chết, trong số những người khênh quan tài của ông có nhà độc tài Stalin và nhân vật số hai Molotov. Mặt khác, với địa vị nhà văn có uy tín nhất của chế độ (tương tự Lỗ Tấn ở Trung Quốc dưới thời Mao), ông có một vị thế (tương đối) an toàn và ông đã sử dụng vị trí đó để cứu nhiều văn nghệ sĩ thoát khỏi những thảm họa dưới thời Stalin. Về cuối đời, tuy ông không bị giết như Babel hay bị cấm xuất bản như Bulgakov nhưng cũng bị cách ly và theo dõi. Cái chết của ông cũng gây nhiều tồn nghi và có khả năng do bị đầu độc. Nhưng nếu đúng là đầu độc thì ai đầu độc ông? Stalin đã buộc tội một số đối thủ của ông ta là đầu độc Maxim Gorky cũng giống như khi ông ta phát động Đại Khủng bố với lý do ban đầu là tìm các thủ phạm vụ ám sát bí thư Thành ủy Leningrad Kirov, mà sau này người ta cho rằng chính Stalin là thủ phạm ám sát Kirov.
Bài viết này trên báo Nhịp cầu thế giới nhìn nhận một khía cạnh của Gorky khác với những gì chúng ta thường đọc/nghe thấy. Sau khi cách mạng tháng Hai xảy ra, Gorky nhiệt thành ủng hộ cách mạng tháng Hai và khuynh hướng xã hội-dân chủ của cách mạng này, đồng thời phê phán kịch liệt chính quyền Bolsevik, và đích thân Lenin- người đồng thời cũng là bạn ông trong suốt 15 năm. Gorky gọi Lenin vừa là bạo chúa (tyrant) vừa là kẻ vô chính phủ. Ông là người đầu tiên cho rằng Lenin và Trosky không chỉ là tín đồ Marx mà còn là đồ đệ của Bakunin- người sáng lập ra chủ nghĩa vô chính phủ. Năm 1921, Gorky sang Ý sống vì lý do sức khỏe và có lẽ còn để tránh các cuộc khủng bố văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do vẫn có cảm tình với cách mạng (và có lẽ vẫn còn hy vọng rằng những hy sinh của nước Nga là những hy sinh khó tránh khỏi và có thể bù đắp được) nên ông không lên tiếng công khai phản đối chính quyền Xô viết như nhiều văn nghệ sĩ lưu vong khác. Năm 1932, ông quay trở lại Nga theo lời mời chính thức của Stalin và trở thành đại công thần chế độ. Nhưng cũng chỉ được 2 năm, tới năm 1934, khi Stalin tiến hành thanh trừng, Gorky lại bị coi là kẻ cứng đầu, chống đối Stalin và bị giam lỏng cho tới khi qua đời hai năm sau đó.
Trích đoạn nói về việc Maxim Gorky lên án chính quyền Bolsevik:
“Đồng thời, nhân danh đạo đức và thẩm mĩ, ông lên án giọng điệu sai sự thật trong báo chí mà ông gọi là "những bài viết nhỏ nhặt, bẩn thỉu", ở đó gia đình [Hoàng gia] Romanov bị mang ra chế nhạo. Gorky cũng lên tiếng phản đối những cuộc bắt bớ và bảo vệ sự đa nguyên chính trị khi ông được biết tin hai lãnh tụ đối lập thuộc Đảng Kadet (Shingaryov và Kokoshkin) bị thảm sát tàn bạo. Ông khắc họa nên một bức tranh khủng khiếp về sự bùng nổ của bản năng "vỉa hè" của đám đông hung bạo, về sự "tự xử" và những cuộc đàn áp, truy lùng. Gorky vạch trần đường lối lừa dối, mị dân của nền báo chí bôn-sê-vích, chỉ ra vực thẳm sâu sắc giữa phe bôn-sê-vích và nhân dân, và khẳng định: xét về thực chất, những người bôn-sê-vích thi hành một cuộc chiến chống nền dân chủ và giai cấp công nhân (trí thức). Rất đáng để ý đến những lời ông phê phán Lenin trong “Những suy tưởng không hợp thời”: Gorky là người đầu tiên cho rằng Lenin và Trotsky có nguồn gốc từ những nhà cách mạng cuồng tín vô chính phủ kiểu Bakunin - Nechayev (sau này, ý kiến đó được [triết gia] N. Berdayev phác họa vô cùng chính xác trong tác phẩm “Ý nghĩa và nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản Nga” của ông).”
Về mặt tư tưởng có vẻ như tư tưởng của Gorky khá phức tạp, kết hợp giữa chủ nghĩa nhân văn và lòng tin vào Thượng đế, giữa lòng tin vào giới cần lao, sự khinh bỉ với các giá trị tư sản và sự tôn sùng nghị lực và sự tự vươn lên của những con người “siêu nhân”- một sự kết hợp giữa Marx, Nietzsche và Dostoevsky. Thiếu lòng tin sâu sắc vào các xã hội dân chủ và cảm tình sâu sắc với giai cấp cần lao, coi trong sự kiên nhẫn, cảm xúc và nghị lực hơn là trí tuệ và lý trí có lẽ là những nguyên nhân khiến sau cùng, ông đã chấp nhận thỏa hiệp với chế độ độc tài của Lenin và Stalin, hẳn với niềm tin rằng dù thế nào thì CNXH với lý tưởng nhân văn cao đẹp của nó, vẫn là tương lai của xã hội loài người.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment