Trên talawas mới đăng bản dịch một bài của bà Doris Lessing, người mới đoạt giải Nobel văn học năm 2007, trong đó bà Lessing lên án thói “political correct” và những di hại mà CNCS để lại cho ngôn ngữ. Nghịch lý là ở chỗ khi bà Lessing được trao giải Nobel, nhà phê bình Harold Bloom đã cho rằng giải Nobel trao cho bà mang tính chất “political correct” mà không dựa trên các đóng góp về văn học. Cũng nghịch lý là các tác phẩm của bà được lấy làm cơ sở để trao giải Nobel là những tác phẩm được viết trong giai đoạn những năm 60-70, khi bà còn là một đảng viên Cộng sản nhiệt thành và một nhà nữ quyền quyết liệt. Sau này bà phủ nhận CNCS, phê phán cách tiếp cận văn học theo quan điểm nữ quyền, giai cấp hay chủng tộc, phê phán tính “political correct”. Và bà được trao giải Nobel cho những tác phẩm mang đậm dấu ấn của các tư tưởng mà sau này bà cho là sai lầm!
Về bài viết của bà Lessing thì có thể nói là hời hợt và không công bằng khi bà quy tất cả sự rắc rối, trong ngôn ngữ văn học, khoa học xã hội, báo chí… về chủ nghĩa cộng sản. Trong khi theo tôi, các rối rắm về ngôn ngữ, các câu văn đọc lên chẳng ai hiểu gì có hai nguồn gốc: nguồn gốc cổ điển là từ các nhà kinh điển Đức như Hegel, và nguồn gốc hiện đại là từ những người viết theo trường phái hậu hiện đại. Tác động của CNCS tới ngôn ngữ là ở một khía cạnh khác, đó là sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng như là một ngôn ngữ chính thức, mà Orwell gọi đó là Newspeak. Ngôn ngữ này thế nào thì có thể đọc ở văn kiện Đảng, báo Nhân dân hay các bài phê bình văn học trong sách giáo khoa.
Đúng là giải Nobel mấy năm gần đây đều được trao cho các tác giả có những khuynh hướng chính trị rõ ràng và thường là dissident trong xã hội (hoặc đã từng là dissident như bà Lessing). Tác phẩm của họ thường hướng vào các đề tài có tính xã hội, giai cấp hay hậu thuộc địa. Một nhà văn có tư tưởng chính trị rõ ràng, thường phát biểu về chính trị, đến từ một nước thế giới thứ ba hay thuộc về phái tả ở các nước phát triển sẽ có xác suất được giải cao hơn một nhà văn viết văn thuần túy và ít quan tâm tới các tranh luận về chính trị, xã hội.
Lấy ví dụ 10 năm gần đây nhé:
· Doris Lessing : cựu Đảng viên Cộng sản, hoạt động nữ quyền.
· Orhan Pamuk : phê phán chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
· Harold Pinter : cánh tả cực đoan, phê phán mạnh mẽ Bush và chiến tranh Iraq.
· Elfriede Jelinek : nữ quyền.
· J. M. Coetzee : các vấn đề xã hội, chủng tộc trong một xã hội hậu thuộc địa
· Imre Kertész : dòng văn học Holocaust, bi kịch cá nhân trong xã hội toàn trị (từng sống dưới hai chế độ toàn trị khác nhau).
· V. S. Naipaul : hậu thuộc địa, bị nhiều nhà văn ở thế giới thứ Ba coi là kẻ phản bội.
· Gao Xingjian : tị nạn chính trị ở Pháp, viết về bi kịch của con người cá nhân trong xã hội toàn trị.
· Günter Grass : cánh tả ở Đức.
· José Saramago: đảng viên cộng sản Bồ Đào Nha, theo chủ nghĩa vô thần.
Trong số này có Saramago, Grass, Cao Hành Kiện, Jelinek và Pamuk là có nhiều cách tân về mặt ngôn ngữ và cách kể chuyện, chịu ảnh hưởng của hậu hiện đại. Những người còn lại viết văn tương đối chính thống về mặt phong cách.
No comments:
Post a Comment