Friday, March 14, 2008

Entry for March 14, 2008

Vài nhận xét về Tiếng người sau khi đọc xong:
- Văn hay, sáng và đẹp, có chất thơ, tuy không đẹp tới nâng niu từng chữ một như văn Đoàn Minh Phượng hay đẹp kiểu huyễn hoặc mông mênh như văn Nguyễn Bình Phương nhưng là một thứ văn chất chứa nhiều cảm xúc.
- Nội dung đơn giản nhưng tâm lý nhân vật tốt. Đọc nhiều lúc không muốn đọc tiếp vì cái cảm xúc đổ vỡ và buồn. Có lẽ bởi vì nhiều lúc người đọc cảm thấy mình có sự gần gũi về tâm trạng.
- Nhân vật nam có một số chỗ hơi gượng, tức là chưa cảm thấy sự phát triển cảm xúc để giải thích cho một số phản xạ của nhân vật này. Tuy thế, đây vẫn là một nhân vật rất hay, rất ấn tượng và không hề nhạt nhòa.
- Nhân vật nữ chưa được xây dựng đầy đủ (có lẽ vì thế tác giả gọi đó là M. thay vì cho một cái tên riêng). M. của Phan Việt khác với T. của Thuận hay xa hơn, với K. của Kafka- T và K có thể là bất cứ ai trong khi M là một nhân vật cụ thể, có cá tính và hành vi riêng.
- Truyện khá phức tạp không chỉ về mặt tâm lý mà cả những khía cạnh có tính xã hội học, có thể gợi mở nhiều suy nghĩ. Nhưng tác giả mới chỉ dừng ở việc gợi thôi chứ chưa đi sâu vào đó. Ví dụ các nhân vật như bố của Duy, như Hoàng là những chân dung không hiếm gặp trong đời sống hàng ngày nhưng trong Tiếng Người, họ mới chỉ dừng lại như những bộ khung để Duy so sánh, phản chiếu mình. Duy căm ghét mình (cũng là căm ghét loài người) bởi vì anh ta căm ghét những thứ giả dối, tầm thường, tự lừa dối trong Hoàng và bố mình- và một phần những thứ đó trong anh ta. Bi kịch của Duy là bi kịch của người đi khắp cả thế giới nhưng chẳng cứu được mình bởi vì nói như lời của ban nhạc Eagles "
Your prison is walking through this world all alone". Cô gái áo đỏ hay cô gái "cái gì cũng tròn" gặp ở cafe Highland Cột cờ như là những biểu tượng để anh ta tìm vào hòng trốn chạy cuộc sống tẻ nhạt quanh mình, nơi tất cả những gì anh căm ghét trở nên hiển hiện rõ nhất, thậm chí được thiên hạ khao khát và ngưỡng mộ.
- M. xuất hiện như một cái phao cứu sinh của Duy, cho dù nếu không có M thì anh vẫn sống perfectly OK với cái studio bé nhỏ của mình ở New York, với những chuyến bay công tác vào sáng sớm và những quán ăn Trung Hoa ở Chinatown- cho dù tất cả những cái đó xa lạ với anh. M. không có gì nổi bật ngoài việc tạo ra cho Duy cảm giác là tự do được chia sẻ khi mà có thể đi xuyên qua thế giới này không phải chỉ một mình. Nhưng cũng chính vì thế mà khi trở lại cái nhà tù bé nhỏ xinh xinh có tên là Hà Nội, Việt Nam thì cái sợi dây nối giữa hai người cũng không còn và trên thực tế, M không còn ý nghĩa gì với Duy (bởi cái ý nghĩa về sự tự do chia sẻ mà M mang lại đã không còn). Do đó Duy lại muốn trở về với một mình, được tự do chống chếnh không ràng buộc và không phải nhìn vào những thứ mà anh vừa khao khát lại vừa căm ghét (cha anh, vợ Hoàng). Khác M, Duy không có được cái nút on/off để tự bảo vệ mình, nên anh chỉ biết trốn chạy. Ám ảnh của anh là một người đàn bà có thể cho anh tự do.
- Phần kết truyện có hơi "tròn trĩnh" quá không nhỉ? Liệu 3 tháng lang thang một mình trên các xa lộ và ga điện ngầm ở Mỹ có giúp gì cho Duy không? Hay chỉ là sự tạm biệt một trạng thái để chuyển sang trạng thái khác, thỏa hiệp hơn với cuộc sống, tự tìm cho mình một cái công tắc on/off để bảo vệ lấy mình (nếu khác đi một chút, Duy cũng có thể chọn một chuyến du hành như trong Sideways- cùng với gái và rượu). Dù sao thì ở tuổi ngoài 30 như Duy có thể cũng đã quá muộn để anh tìm ra cho mình một con đường khác. Và dù sao, M cũng là người yêu anh hơn hết (hay duy nhất- trong truyện không thấy nhắc tới người tình nào khác của Duy). Với lại, những người đàn bà chỉ là những khuôn mặt khác nhau của một người đàn bà duy nhất-(hình như là) Zorba đã nói như thế.


No comments: