Để minh họa cho việc người Việt đánh giá quá cao hạnh phúc như thế nào, trích ở đây một bài lá cải trên một tờ báo lá cải.
Cái giá của tấm bằng tiến sĩ
Bài này rất phản động, rẻ rúng phụ nữ, coi chức năng cao cả nhất của họ là làm vui lòng chồng con, để gìn giữ cái "hạnh phúc" gia đình. Nội dung bài kể về một cô vợ "rất ngoan hiền, đảm đang và rất mực yêu anh [chồng] nhưng lại… “chăm học quá”...cứ cố gắng mãi hết bằng thạc sĩ rồi lại tiến sĩ."
Và kết quả là anh chồng ngoại tình. Và đây là tâm trạng của chị vợ: "Cầm tấm bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ trong tay chị thấy lòng mình trống rỗng. Chị thấy mình mất mát nhiều quá. Chị không trách anh, cũng không trách cô gái đó. Chị biết mình có lỗi khi không cùng anh chia sẻ niềm vui ngày nghỉ cuối tuần."
Vậy cái "bài học rút ra" của câu chuyện này là gì: là gái thì không cần học cao, chẳng có gì quan trọng bằng việc cùng chồng "chia sẻ niềm vui ngày nghỉ cuối tuần". Người chồng ngoại tình không đáng trách, có trách chăng là trách người vợ chỉ lo học hành mà không biết giữ chồng. Một thái độ rất kỳ thị giới tính.
Tất nhiên, việc chia sẻ niềm vui cuối tuần giữa vợ chồng là cần thiết và có những người phụ nữ sẵn sàng hy sinh công danh sự nghiệp sở thích tri thức tiền bạc cho việc đó. Đó là lựa chọn của họ và cần tôn trọng việc đó. Nhưng tung hô nó như một thứ chuẩn mực đạo đức xã hội thì rõ ràng là một thái độ thiếu tôn trọng phụ nữ, luôn bắt họ phải hy sinh, có khác nào một thứ tiêu chuẩn kép trong xã hội. Thay đổi định kiến về vai trò phụ nữ trong xã hội, trước hết có lẽ phải ở trong báo chí.
Và nói chung, trong xã hội mình, hạnh phúc được đánh giá quá cao còn tự do quá thấp. Nhất là với phụ nữ, người ta ngầm định rằng phụ nữ chỉ cần hạnh phúc và không cần (hoặc cần rất ít) tự do.
Thursday, March 27, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment