Saturday, August 02, 2008

Ai cho mày chụp ảnh tao xấu

Dạo quanh các blog của các nhà báo, tôi không thấy ý kiến nào phê phán việc rút thẻ của Việt Dũng (báo Khoa học Đời sống) vì việc anh này đăng ảnh trên Khoa học và Đời sống cảnh ngủ trên máy bay của ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ ngoại giao, và một số doanh nhân. Hình như dư luận chung trong giới báo chí cho rằng sự trừng phạt với Việt Dũng như thế cũng là đích đáng, hoặc có thể hơi nặng nhưng âu cũng là tai nạn nghề nghiệp. Lấy ví dụ, blogger Na Son, phóng viên báo Tuổi Trẻ viết: "Trường hợp pv của Khoa học Đời sống là do vụ chụp ảnh quan chức ngủ gà gật trên máy bay chuyên cơ bay đường dài đi công cán. Kỷ luật là phải, xâm phạm đời tư cá nhân như thế cũng không oan gì."

Ở đây có vài ý (bác Hoàng Linh-tất nhiên không phải tớ, hehe- có bài phân tích khá hay ở đây). Thứ nhất, phóng viên có thể xâm phạm đời tư cá nhân và ông Lê Dũng có thể yêu cầu tờ báo này phải xin lỗi hay kiện Việt Dũng và báo Khoa học đời sống ra tòa vì cho rằng đời tư cá nhân ông bị xâm phạm, như Phương Thanh kiện Cô Gái Đồ Long, hay như bà chủ nhà hàng Phố Núi từng kiện VietnamNet.
Không có lý gì cho việc Bộ 4T thẳng tay tước giấy phép với những lý lẽ rất chung chung rằng "vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí".

Thứ hai, ngay cả việc xác định thế nào là vi phạm đời tư cá nhân cũng không dễ dàng trong trường hợp này. Ông Lê Dũng là quan chức, cũng là nhân vật của công chúng và ảnh chụp ông là trên máy bay, tức là một không gian công cộng, chứ không phải tư dinh ông, do đó cũng chưa thể quả quyết rằng đó là việc xâm phạm đời tư cá nhân. Việc xác định trường hợp này có phải là xâm phạm đời tư cá nhân không sẽ là việc của tòa án (nếu có kiện tụng), trên cơ sở tranh biện giữa luật sư các bên.

Thứ ba, thử lấy ví dụ, nếu Việt Dũng không đăng ảnh Lê Dũng ngủ gật trên máy bay mà là ảnh Mai Phương Thúy ngủ gật chẳng hạn, thì liệu Bộ 4T có
cắt thẻ Việt Dũng không, và nhiều người có ủng hộ việc cắt thẻ của Việt Dũng như trường hợp này không? Về mặt nguyên tắc, không có gì khác biệt trong cách báo chí đối xử với Lê Dũng và với Mai Phương Thúy, cả hai đều là các nhân vật công cộng (public figure) (và báo lá cải phương Tây cũng rình chụp và đăng ảnh khỏa thân của bà Thủ tướng Đức trên bãi biển hồn nhiên như khi đăng ảnh khỏa thân trên bãi biển của một ngôi sao nào đó). Tại sao những thứ bảo vệ đời tư rốt cục lại chỉ dành cho các quan chức, trong khi đời tư của cá nhân bình thường thì dẫu có bị xâm hại nghiêm trọng cũng sẽ chẳng ai để tâm? Ví dụ gần đây, Vietnam Airlines đòi báo Pháp luật phải đính chính, xin lỗi ông Chủ tịch HĐQT hãng này vì đã đăng bài trong đó có nêu việc một cô nhân viên VNAirlines ăn cắp vé tuồn ra ngoài là con gái ông Chủ tịch HĐQT. VNAirlines lấy lý do ai làm nấy chịu và báo Pháp luật làm thế là xâm phạm đời tư cá nhân ông Chủ tịch HĐQT. Nhưng chẳng có ai buồn thắc mắc việc các báo đăng tin người đánh nhà báo là con rể bà Tư Hường có xâm phạm đời tư cá nhân của bà này không? Hay đố ai tìm được báo nào trong nước có đăng việc con gái ông Nông Đức Mạnh làm việc ở Bộ GTVT, dưới quyền Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến? Tấm gương nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Thanh Phượng được các báo tấm tắc khen, nhưng họ luôn bỏ qua chi tiết cô Phượng là con gái ông Nguyễn Tấn Dũng, phải chăng cũng vì sợ vi phạm "đời tư cá nhân" có thể mất thẻ như chơi?

Hoặc gần đây, có mấy người bị truy tố, ra tòa và xử tù treo vì làm thơ, làm vè "nói xấu" cán bộ tỉnh, thị xã với tội danh bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm người khác. Nhưng nếu tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy ai bị xử tù vì làm thơ bêu xấu hàng xóm
là dân thường cả. Ngay như Phương Thanh cũng phải kiện Cô Gái Đồ Long ra tòa dân sự, chứ có được ông công an nào nhảy vô khởi tố hình sự Cô Gái Đồ Long với tội danh vu cáo, bôi nhọ, xâm phạm nhân phẩm người khác đâu? Nhưng thử ví dụ không phải Phương Thanh mà lại là một quan chức xem, rất có thể việc đó sẽ trở thành một "vụ án" nghi-iê-m trọng. Bởi vì người ta cho rằng nói xấu quan chức là nói xấu chế độ, xúc phạm quan chức là xúc phạm chế độ, và chụp ảnh quan chức xấu là bêu xấu chế độ. Và bêu xấu chế độ là bêu xấu đất nước, là phản quốc, phản động, là là là...

Chẳng thế mà có bác nhiếp ảnh gia tự hào chụp ảnh lãnh đạo đẹp, đôi khi người ta có thể vinh thân phì gia nhờ những tấm hình lãnh đạo đẹp. Bạn Việt Dũng bị cắt thẻ nên xin theo học ông này, vài năm nữa lên tay nghề chụp ảnh lãnh đạo đẹp thì xin thẻ lại.

Nhà báo Đinh Xuân Tuân: càng hiểu lãnh đạo chụp ảnh càng đẹp

Ôi chao, cái chế độ phong kiến, nơi người ta phải kiêng cữ đủ mọi thứ vì sợ "phạm húy", không chỉ kiêng tên quan mà có khi còn phải kiêng tên chó nhà quan (bác Nguyễn Quang Lập có kể chuyện về việc bác ấy phải khốn khổ, chạy vạy đủ đường vì trong một truyện ngắn của bác, tên con chó trong truyện giống tên con chó nhà bác Sáu Dân!). Và hễ chụp ảnh lãnh đạo- những-người-không-ngủ-thì phải chụp thật đẹp, phải tô điểm cái thần thái của họ thật uy nghi hùng vĩ.

Ảnh lãnh đạo ch
ưa "đẹp" của Việt Dũng- hình từ blog Vàng Anh.



img

No comments: