Wednesday, August 27, 2008

Hạnh phúc và những mảnh vỡ


Đọc trên blog chị 2 4 6 (lâu lắm mới thấy tái xuất giang hồ sau nửa năm đóng cửa)

Những mảnh vụn

"Truth is not the sum of realities.

Bạn luôn luôn muốn có một trung tâm, muốn được trọn vẹn, muốn có sự liên tục, trong một thế giới bạn có thể dựa vào được. Đồng thời bạn cũng biết hai điều, và hai điều này chắc chắn hơn tất cả những gì bạn mơ ước: một là hạnh phúc không bao giờ lâu hơn những khoảnh khắc; hai là tất cả mọi người đều mong muốn một thế giới yên lành, và gần hết tất cả những sự không yên lành trên thế giới này đều do con người gây ra cả."

Hạnh phúc đúng chỉ là những khoảnh khắc, và rất khó có được cảm giác hạnh phúc kéo dài hơn vài giờ. Thành ra cái sự "mưu cầu hạnh phúc" của con người, như một quyền cơ bản ghi trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ-Việt, chẳng phải hơi buồn cười ư. Có khi người ta dành cả đời để mưu cầu hạnh phúc mà tính tổng thời gian hạnh phúc liệu có được vài ngày?

Trong tiểu thuyết The Leopard của Giuseppe Tomasi di Lampedusa có một cảnh: nhân vật chính trước khi chết kiểm điểm lại cuộc đời mình, tính xem trong cuộc đời 70 năm của mình, có những phút giây nào mình cảm thấy hạnh phúc. Và ông ngạc nhiên nhận ra rằng chúng thật ít ỏi.

Thế nên thực tế, cái con người cần và thực sự mong muốn ở một cuộc sống lâu bền đó là sự bình an, chứ không phải hạnh phúc. Cầu bình an và đón nhận, trân trọng hạnh phúc trong khoảnh khắc khi nó đến. Đó cũng chính là điểm thứ hai chị 2 4 6 nói tới, chỉ có điều chữ "thế giới" mà chị dùng nên hiểu theo nghĩa "my world"- thế giới của tôi gồm bản thân tôi và những người, vật xung quanh tôi. Nhưng trong việc cầu sự yên lành cho tôi đó, rất có thể tôi sẽ phá vỡ sự yên lành của những người khác, và kết cục là một sự không yên lành cho chính tôi.

"Thật ra con người là những mảnh vụn."

Những mảnh vụn- cái này thì tất nhiên, bởi sự sống con người cũng chỉ là những mạnh vụn, khả năng nhận thức của con người cũng vậy, chỉ là phần dư, phần sót lại, phần vỡ tan của một cái gì đó.

Nhà triết học đầu tiên (tạm coi thế) của phương Tây Plato (bởi vì Socrates là nhà hiền triết hơn là nhà triết học) cho rằng con người, cả thể xác và tâm hồn đã là các mảnh vụn. Theo Plato, loài người đầu tiên được sinh ra với bốn tay, bốn chân, một tâm trí và một linh hồn. Lo sợ trước sức mạnh của loài người, thần Zeus xẻ họ ra làm hai, và buộc số phận của họ phải lang thang đi tìm một nửa kia của mình trong suốt cả cuộc đời. Từ soulmate (hay twin soul) trong tiếng Anh ra đời chính là để chỉ việc này. Trong tiếng Việt, về sau người ta nhắc tới "đi tìm một nửa" cũng là do ảnh hưởng quan điểm này của phương Tây. Nhưng theo Platon, soulmate- đó không chỉ là sự hòa hợp về mặt tâm hồn, mà chính xác hơn là sự hòa hợp toàn diện, cả về tình cảm, tâm hồn, tinh thần và thể xác. Nhà triết học đầu tiên của phương Tây xem ra cũng là một người lãng mạn. (Chữ soul trong tiếng Anh (và chữ tương tự ở các tiếng phương Tây khác) chính ra rất khó dịch ra tiếng Việt, bởi cả hai chữ tâm hồnlinh hồn trong tiếng Việt đều hơi lệch ra theo một nghĩa nào đó hạn hẹp hơn nghĩa của soul)

Trong đạo Thiên Chúa- Do Thái, cũng có thể thấy một quan niệm tương tự trong câu chuyện Adam và Eva ở vườn địa đàng. Cả Adam và Eva đều là những mảnh vỡ. Eva được sinh ra từ xương sườn của Adam. Như vậy, kể từ khi Adam và Eva trở thành hai cá thể khác nhau, họ đã là hai mảnh vỡ và chỉ có thể hoàn thiện khi ở cạnh nhau. Nhưng khi ở cạnh nhau, chính cái khao khát được là một, được khám phá ấy (với ẩn dụ nếm trái cấm) lại khiến họ trở thành người thường, đánh mất cuộc sống vĩnh cửu của mình. Ý tưởng này cũng có trong bộ phim Hancock khi hai nhân vật thánh thần (hay superhero) chỉ có sức mạnh và bất tử khi họ không có tình cảm với nhau. Còn khi họ có tình cảm và ham muốn với nhau, họ trở nên mong manh, dễ tổn thương và không còn bất tử.

Nhưng ý tưởng về sự tồn tại của hoàn thiện và cái Một và hành trình của con người thực tế là đi tìm nửa kia của mình thực ra là ý tưởng lạc quan của phương Tây. Phương Đông quan niệm mỗi người là một mảnh vỡ và cái Nhất thể của mỗi người chỉ hòa được với cái Một của Toàn thể khi có sự tìm kiếm hướng vào bên trong mình, chứ không phải đi tìm một nửa nào đó đang tồn tại trôi nổi trên thế giới. Hay nếu hình dung khác, thì không phải như Plato nói rằng Zeus xẻ con người làm đôi mà ông ta đã xẻ con người thành hàng ngàn hàng vạn mảnh, bắn chúng tứ tung khắp thế gian. Và trong những người chúng ta gặp, có thể đó là một mảnh vụn nào đó từng nối kết với linh hồn mỗi chúng ta.

Cái gọi là soulmate có thể có thực chăng? Bởi một mảnh của Lệnh Hồ Xung vẫn dành cho Nhạc Linh San cho dù chàng dành cả phần đời còn lại bên Doanh Doanh, vài mảnh nào đấy của Vô Kỵ hẳn còn vương vấn đi theo Tiểu Siêu, Chu Chỉ Nhược...dù hàng ngày chàng kẻ lông mày cho Triệu quận chúa. Còn tình của Quách Tỉnh với Hoàng Dung, Kiều Phong với A Châu dẫu
là thắm thiết, một mực chân tình, không vấn vương tới bóng hồng nhan khác, nhưng có thực họ là soulmate chăng, hay chỉ là sự gặp gỡ của duyên phận và tương hợp? Tại sao khi đọc về những tình yêu "hoàn hảo" như Hoàng-Quách, ta vẫn cảm thấy như thiếu điều gì đấy? Bởi họ không thực là soulmate, hay bởi sự hoài nghi của chính chúng ta?

Và số phận của con người là những mảnh vụn, như tấm gương vỡ tan bắn ra trong không gian. Mỗi mẩu gương thường không thể tự soi mình, và vì thế chỉ có thể soi mình qua bóng phản chiếu từ những mẩu gương khác. Cũng chỉ có vài chục năm ngắn ngủi để những mẩu gương đó trôi đi, lang thang trong không gian, thời gian để soi mình và phản chiếu, trước khi mờ đi, mờ đi, rồi vỡ vụn thành những hạt bụi.

Không ai là hòn đảo
Chỉ riêng mình
...Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt
Bởi tôi là một phần của loài người.
Cho nên đừng hỏi
Chuông nguyện hồn ai,
Nguyện hồn anh đấy.
(John Donne)


Phải mất bao lâu để Alice nhận ra rằng không có wonderland,
nơi một con mèo có thể không cần phải có khuôn mặt khi nó không muốn? Có bao giờ bạn nhìn vào gương và nghĩ rằng rất có thể mình có một gương mặt khác, và gương mặt hiện tại của bạn chỉ là một mẩu vụn tình cờ. Lại nói về gương mặt, nhân vật chính trong The Leopard trước khi chết có ý nghĩ rằng khuôn mặt con người mang theo khi chết không bao giờ là khuôn mặt của anh ta cả, nó rất khác với khuôn mặt hàng ngày bạn nhìn vào gương, và cũng rất khác với khuôn mặt bạn nghĩ bạn mang nó.

http://www.bugtown.com/alice/rawscans/plate12.jpeg


Pic: "At this the whole pack rose up into the air, and came flying down upon her" Alice in the Wonderland, Illustrated by Arthur Rackham. Link


No comments: