Monday, August 25, 2008

Entry for August 25, 2008

Như vậy đã có ít nhất ba bài báo trên Tuổi Trẻ, Tiền Phong Pháp Luật TP HCM đăng phản hồi của đạo diễn Minh Chuyên và người nhà liệt sĩ Đảm xung quanh bộ phim "Linh hồn Việt Cộng". Tuy nhiên, nếu đọc thì thấy cả ba bài báo này đều từa tựa nhau, nghĩa là chỉ đăng ý kiến ông Chuyên, còn không hỏi thật sâu, thật rõ về các chi tiết xung quanh vụ việc. Lý do có thể vì nể nang ông Chuyên, cũng là một nhà báo tên tuổi, nhưng cũng có thể vì không muốn điều tra "sâu" về một vụ việc khá "tế nhị" liên quan tới cái đài truyền hình quốc gia và các vị ngoại cảm quân đội (bà Phan Bích Hằng thuộc biên chế trung tâm ngoại cảm của tướng Chu Phác).

Đơn giản một chi tiết mà không thấy ở trong báo nào là cái lọ penicilin có tên liệt sĩ mà ông Chuyên nói đào được là có thực hay bịa? Chính chi tiết lọ penicilin đó là chi tiết có tính khẳng định cho việc bà ngoại cảm Hằng chỉ đúng qua điện thoại di động. Nhưng trên thực tế vì ông Chuyên và gia đình liệt sĩ Đảm đào ở mộ liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ nên tất nhiên là không thể có chuyện họ đào được lọ penicilin như ông Chuyên nói (vì nếu không đã chẳng phải là mộ vô danh rồi). Riêng về những cái lọ penicilin mà các nhà ngoại cảm tìm được thì cũng đã có rất nhiều vấn đề, như bài trên blog Nguyễn Quang Lập.

Như vậy, khả năng chỉ là gia đình liệt sĩ căn cứ vào lời của bà đồng Hằng tìm ra được mộ mà theo họ là của ông Đảm. Nhưng vì thủ tục rắc rối (và có lẽ vì không có gì chứng thực mộ đó là mộ ông Đảm ngoài chỉ dẫn của bà Hằng?) nên họ đào trộm mộ và ông Chuyên dựng cảnh làm như đào được mộ ở nơi ông Mỹ "tâm thần nhẹ" (từ này được nhắc tới ít nhất là hai lần trong phim tài liệu) bắn và chôn ông Đảm. Thật lạ là tại sao công nghệ ADN không được sử dụng để tìm hiểu xem có đúng là xương của ông Đảm không. Tuy ông Đảm không có con nhưng vẫn có thể lấy ADN từ anh chị em của ông để so với mẫu trong xương.

Hôm trước có xem phim này trên TTO, thấy vẫn đúng kiểu phim đi tìm mộ liệt sĩ như thỉnh thoảng vẫn thấy trên chương trình truyền hình quân đội ngày xưa (vâng, hồi ở Việt Nam, cuối tuần tớ toàn nằm dài xem các chương trình Đi tìm đồng đội với Văn nghệ chủ nhật trên VTV thôi các bạn ạ), chỉ khác là có thêm vài ông Mỹ tham gia. Phim có vài chi tiết cảm động, trong những đoạn quay bà vợ ông Đảm kể chuyện hai người cưới nhau được vài ngày thì ông Đảm xung phong lên đường chiến đấu và lời ông hứa hẹn bao giờ trở về sẽ dẫn vợ đi ra Hà Nội. Nhưng có nhiều đoạn, những người làm phim khai thác quá đà như cảnh đám tang ông Đảm ở Thái Bình, khi người nhà ông gào khóc, hình như có một bà em gái còn đòi giết ông Homer kia (theo lời ông Chuyên tâm sự với ông Văn Chinh thì đó là vì bà này bị ông Đảm nhập đồng). Xem cảnh đấy tôi cứ thấy tội tội cho ông Homer bị máy quay chiếu vào như để nhấn mạnh một kẻ sát nhân được tha thứ nhờ lòng khoan dung của người Việt (và người chiến thắng). Hay những chi tiết nhấn đi nhấn lại về ông Homer này day dứt ra sao, rồi bị tâm thần nhẹ...gợi cảm giác như có một sự thỏa thuê nào đó. Trong khi riêng chi tiết ông Đảm bị chết như thế nào cũng có sự mâu thuẫn, lúc thì nói ông Đảm chết trong tư thế lao lưỡi lê vào Homer và bị Homer bắn chết, lúc lại nói vì ông Đảm thấy Homer nói "chiêu hồi, chiêu hồi" nên không bắn Homer nên mới bị Homer bắn chết. (Ở đây có chỗ không rõ, khi phim thuật lại Homer nói "chiêu hồi" thì mình hiểu theo nghĩa là Homer bảo rằng "đầu hàng đi" chứ không phải "tôi đầu hàng". Bởi vì từ "chiêu hồi" là tiếng của chính quyền miền Nam chỉ các cán binh Việt cộng bỏ ngũ ra trình diện với chính quyền miền Nam. Nhưng theo cách hiểu ở trong phim thì Homer nói "chiêu hồi" là ý Homer muốn "hàng"- điều này vô lý vì nếu quả thực như vậy hẳn Homer chẳng kể lại việc khi đối đầu nhau một sống một chết, anh ta muốn đầu hàng đối phương!. Chi tiết này dù sao cũng không hề được làm rõ trong phim). Trong phim cũng thường xuyên nói anh Đảm thế mạng cho Homer, nhưng tại sao lại là thế mạng, khi mà hai người lính đụng nhau, không người này bắn người kia chết thì người kia bắn người này, tình huống đó không thể gọi là thế mạng được.

Tóm lại là đây là một phim tài liệu chất lượng thấp, xào nấu, gượng ép quá lộ liễu (ví dụ gán cho anh Fred gửi lại nhật ký chị Trâm là Fred cũng từng giết chị Trâm như Homer giết anh Đảm để gây ấn tượng hơn với người xem). Trong khi lẽ ra, hoàn toàn có thể làm được một bộ phim tài liệu độc đáo từ sự kiện này, bởi việc một người lính vượt đại dương tìm về gia đình người lính mà mình từng hạ sát trong chiến tranh và trao lại các di vật sau gần 40 năm là một sự kiện rất hiếm hoi, và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cái mặc cảm dằn vặt của Homer có lẽ là cái dằn vặt của một người tước đi tính mạng của người khác, dù là trong khi đang chiến đấu và bảo vệ tính mạng bản thân. Cái mặc cảm này gắn với một điều răn của Thiên Chúa "
"thou shall not kill", chứ chưa chắc đã là mặc cảm của một kẻ xâm lược, phi nghĩa trước những người thắng trận, có chính nghĩa như ý tưởng của bộ phim. Dù động cơ thực sự của Homer là gì (có thể là sự kết hợp của nhiều động cơ khác nhau) thì tác giả bộ phim cũng cần phải làm rõ qua lời của chính Homer chứ không phải của Minh Chuyên. Trong bộ phim này, tuy Homer là nhân vật trung tâm nhưng hầu như không được nói câu nào để giải thích động cơ việc quay lại Việt Nam của ông ta- người xem chỉ được nghe ông Minh Chuyên (cũng là người viết lời bình) diễn giải về động cơ Homer theo cách hiểu của ông ta. Không rõ có phải vì thế mà ông Chuyên cứ thường xuyên nhấn mạnh Homer bị "tâm thần nhẹ" trong phim và cả trong các bài báo? Nhưng nếu Homer bị tâm thần thì rất có thể nhiều đoạn diễn của Homer trong phim đã bị ông Chuyên lợi dụng, và bản thân Homer cũng không ý thức được những gì mà ông Chuyên "
diễn giải" hay thao túng theo ý đồ mình. Còn có những hạt sạn khác của bộ phim như việc ông Chuyên nhấn mạnh gia đình anh Đảm oan khiên mấy chục năm vì lời một thầy bói trong khi ngay từ đầu phim có cảnh các huân huy chương của anh Đảm. Có chi tiết quan trọng cho biết anh Đảm có oan khiên hay không là thời điểm anh được công nhận liệt sĩ thì hình như bị ông Chuyên lờ đi (tôi không nhớ có chi tiết này trong phim).




Quay trở lại các trần tình của đạo diễn Minh Chuyên, có thể thấy ông Chuyên rất khéo léo và lâm li. Thậm chí ông đem cả tính mạng của mình để bảo đảm cho "tính chân thực" của bộ phim. Nhưng cụ thể tính chân thực mà ông lấy tính mạng mình ra đảm bảo là tính chân thực theo tiêu chí nào thì không thấy ông nói rõ (và cũng không có báo nào hỏi rõ). Có lẽ tính chân thực, theo ông Chuyên, là liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm thật, có ông Homer thật bắn ông Đảm thật, có đi tìm mộ liệt sĩ thật, có đào mộ liệt sĩ vô danh thật, có tổ chức đón hài cốt liệt sĩ ở quê hương thật. Nhiều lắm, chắc ông Chuyên cũng chỉ dám lấy tính mạng mình để bảo đảm cho "tính chân thực" của những việc nêu trên. Còn những chi tiết khác, kể cả việc có đúng là hài cốt liệt sĩ Đảm hay không, chắc rằng ông Chuyên không dám lấy tính mạng mình đảm bảo (còn bà Hằng có dám đem tính mạng đảm bảo không thì nếu các báo chịu khó tiếp xúc phỏng vấn bà Hằng xem bà nói thế nào thì tốt quá).

Và đọc cả ba bài báo, tuy ông Chuyên nói rất lâm li nhưng cũng không thấy ông có một lời xin lỗi nào với những người xem phim từng sụt sùi xúc động trước những thước phim "dựng" của ông. Hay ông cho rằng như thế là thành công, phim (tài liệu) Việt Nam đã vượt được phim truyền hình Hàn Quốc trong công nghệ lấy nước mắt nhân dân? Kể ra nếu được thế thì việc VTV hy sinh cái máy quay 1 tỷ (hay 5-6 tỷ theo bài trên trang web của VTV) cũng bõ công, bõ của. Đề nghị VTV bổ nhiệm ông Minh Chuyên thay ông Khải Hưng mới bị chửi te tua với vụ Vòng nguyệt quế, chịu trách nhiệm sản xuất phim hư cấu-tài liệu để chiếu vào các giờ vàng trên sóng VTV, cạnh tranh với phim truyền hình Hàn Quốc.

Update: Các bạn Vietimes đã lên tiếng ủng hộ người bạn lớn VTV và mắng những người làm phóng sự ở đài TH Gia Lai là "
sự phản biện chỉ vì cơn phấn khích của một nhóm người thì thật ích kỷ và ngây ngô!".

Theo Vietimes thì ông Đảm, ông Homer có thực và có đi tìm hài cốt thực thì tức là phim tài liệu như vậy là chân thực rồi.

Tóm lại là tớ cảm thấy rất có vấn đề với việc các nhà văn đi làm báo: Từ Minh Chuyên, Văn Chinh cho tới Nguyễn Quang Thiều, họ đều xem rất nhẹ giá trị chân thực của tư liệu, sẵn sàng nhào nặn, bóp méo, thậm chí bịa đặt sự kiện để cho phù hợp với ý đồ của họ.

"Linh hồn Việt Cộng" & cuộc phản biện chớp nhoáng

"
Nếu không thuyết phục, thì “Linh hồn Việt Cộng” làm sao khiến khán giả rơi nước mắt? Không lẽ khi xem “Linh hồn Việt Cộng” thì trí khôn của hàng triệu người Việt Nam đều đi vắng, chỉ có nhóm phóng viên truyền hình Gia Lai đủ tài, đủ tầm nhìn ra mọi sự sắp đặt khiên cưỡng?"

"Vì vậy, muốn “đánh đổ” bộ phim tài liệu “Linh hồn Việt Cộng” phải chứng minh liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm không có trên đời, cựu binh Mỹ - Homer không có trên đời và cuộc đi tìm hài cốt cũng không có trên đời. Chứ không phải làm công việc đơn giản là đo đếm xem vị trí thực và cảnh trong phim cách nhau bao nhiêu mét, và lẩn thẩn hơn là vểnh tai căng mắt để xác định lời bình và hình ảnh trên phim có khớp với nhau không? Nếu dùng hệ quy chiếu của phóng sự truyền hình để phán xét phim tài liệu, thì e rằng những tác phẩm làm nên diện mạo phim tài liệu Việt Nam từ “Nước về Bắc Hưng Hải” đến “Chị Năm Khùng” đều phải làm lại!"

Theo ý tôi, những bộ phim tài liệu như "Nước về Bắc Hưng Hải" nên xếp vào thể loại phim tuyên truyền chứ không phải phim tài liệu.
Linh hồn Việt Cộng cũng thuộc nhóm này. "

No comments: