Random thoughts
1. Thực ra nhân vật giỏi nhất Tam Quốc là Hoàng Thừa Ngạn. Ngạn có con gái xấu ma chê quỷ hờn (trong Ngũ xú nữ của lịch sử Trung Quốc) nhưng vẫn gả được cho kẻ tự coi (và được coi) là thông minh tuyệt đỉnh, tài năng bậc nhất thiên hạ (nhan sắc Khổng Minh thì không rõ lắm nhưng nghe tả cũng có vẻ cốt cách thanh tao, thư sinh, phong độ, ít nhất chắc cũng vượt xa Bàng Thống). Ngạn có tiếng là danh sĩ, nhưng người đời sau biết gì về ông ta ngoài việc cưỡi lừa đủng đỉnh ngao du uống rượu và gả con gái cho hiền sĩ bậc nhất đời. Nhưng rất có thể bí ẩn của việc tại sao Khổng Minh lại 6 lần ra Kỳ Sơn dù biết chắc có ra cũng không nên việc gì là ở đây. Không phải là vì chịu ơn Tiên chúa, cũng không phải như các bạn Vietimes dịch loạt bài gì là Khổng Minh ra Kỳ Sơn nhằm lấy uy để cướp ngôi hoàng đế, mà lý do chính có thể vì vợ xấu quá, đến giai đoạn Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn thì không những xấu mà lại còn già (sử ghi Khổng Minh rất "nể" vợ và không lấy thêm vợ nào nữa). Khổng Minh nhất quyết không chịu ở yên Thành Đô mà cứ lũ lượt đi đánh Thục cho tới chết cũng không chịu về nhà có thể lý do là đấy.
2. Tôn Quyền được mô tả là người duy nhất trong các anh em có mắt biếc, râu đỏ. Nhiều khả năng Quyền là con rơi của một thương gia La Mã từng đến Giang Đông buôn bán trong thời gian Tôn Kiên đi dẹp giặc Khăn Vàng. Quyền sinh năm 183 (năm 200 Tôn Sách chết, Quyền 18 tuổi theo âm lịch thì sẽ sinh vào 183), loạn Khăn Vàng xảy ra năm 184, nhưng hẳn trước đó mầm mống loạn lạc không thiếu (Tôn Kiên được phong tướng cũng nhờ dẹp loạn ở Cối Kê năm 172), do đó rất có khả năng trong khi Tôn tướng quân đi dẹp loạn, Tôn phu nhân nhớ chồng ra bờ sông trông chàng thì gặp một anh lái buôn La Mã mắt xanh, râu ngô, mũi lõ đến bán đồ nữ trang với giá rẻ. Chuyện sau đó thế nào thì không ghi lại trong sách sử, nhưng có thể tham khảo truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Theo sách sử thì người La Mã, Ba Tư, và người Hồ phương Bắc đã đến buôn bán khá tấp nâp ở Giang Đông từ thời Hán.
Nhưng cũng có khả năng thân phụ Tôn Quyền không phải là lái buôn La Mã mà là thầy tăng người Hồ (Trung Á, Ba Tư...). Tuy người Hồ nói chung thường râu đen nhưng tỷ lệ mắt xanh, râu ngô chắc vẫn cao hơn người Trung Quốc, do nơi đây có sự giao thoa của nhiều dân tộc khác nhau. Trong Tam Quốc có ghi Ngô Thái Thái (là mẹ ghẻ đồng thời là dì ruột của Tôn Quyền) rất sùng đạo Phật do đó hoàn toàn có cơ sở là mẹ Tôn Quyền cũng là người sùng đạo Phật. Các nhà sư người Hồ đã truyền đạo ở Giao Chỉ và Giang Nam từ đời Hán, và rất có thể trong một lần dâng hương nào đó....
3. Xem Xích Bích có đoạn Chu Du không biết đỡ đẻ cho ngựa còn Gia Cát thì biết, nhiều người thấy thắc mắc chi tiết đó làm gì. Thật ra chi tiết đó chỉ để nói tới nguồn gốc nông dân của Gia Cát Lượng (trước khi được ông nhạc họ Hoàng để mắt tới và nuôi ăn học trợ cấp kinh tế để bù đắp cho việc lấy vợ xấu thì Gia Cát hẳn cũng từng là nông dân đi cày ruộng). Chính vì thế trong Tam Quốc có đoạn Tào Tháo mắng: Gia Cát thôn phu to gan thật!. Và Gia Cát Lượng vẫn mong sao dẹp yên thiên hạ để trở về với luống cày. Nói chung, nước Thục như thế là hết ý: lãnh tụ là giai cấp công nhân (thợ thủ công dệt chiếu đóng dép thời đó xếp vào chữ công), Gia Cát Lượng vốn là nông dân (hay sang hơn là trí thức mạt vận, bần cùng hóa thành nửa trí thức, nửa nông dân), Quan Vũ xuất thân du đãng, nói chung đều là các thành phần cơ bản thích hợp làm cách mạng. Lại có Trương Phi làm anh hàng thịt tức là thương nhân, tiểu tư sản, cũng bị cuốn theo dòng thác cách mạng, nhưng chỉ làm phận em út mà thôi.
Sunday, August 03, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment