Saturday, August 16, 2008

Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam về vụ công ty Nhật đưa hối lộ quan chức Việt Nam

Hài không tin được. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam đề nghị chính phủ Nhật Bản hạn chế việc báo chí nước này đưa tin về việc công ty Nhật hối lộ quan chức Việt Nam. Không biết phía Việt Nam có phổ biến cho phía Nhật tham khảo một số nghiệp vụ trong chấn chỉnh hoạt động của báo chí như bắt giam nhà báo, cách chức Tổng biên tập hay Phó Tổng biên tập, thu hồi thẻ nhà báo...?

Trước kia mới chỉ nghe thấy việc Trung Quốc cấm Việt Nam đưa một số tin bài trên báo chí bất lợi cho họ, và với thân phận nước nhỏ, chính phủ Việt Nam đành chịu. Nhưng Trung Quốc đã là gì, Việt Nam còn đề nghị Nhật Bản hạn chế tự do báo chí của nước họ, cho dù Nhật Bản là cường quốc kinh tế số 2 thế giới và Việt Nam vẫn đang là nước ngửa tay xin viện trợ. Năm 2008, số vốn ODA Việt Nam xin được là 5,4 tỷ USD, trong đó riêng từ Nhật Bản là 1,1 tỷ USD. Vài con số khác: tỷ lệ thất thoát trong các công trình cơ bản ước khoảng 50-60% theo một báo cáo chính thức trước Quốc hội, tỷ lệ "lại quả" mà các nhà thầu Nhật Bản phải trả cho các quan chức Việt Nam theo thông lệ vào khoảng 10-15%, trong đó cá biệt có thể lên tới 30%-theo báo chí Nhật Bản. Cứ lấy theo tỷ lệ 10% thì ước tính mỗi năm, sẽ có vài trăm triệu đô-la tiền vay của Việt Nam sẽ được đổ vào ví, biệt thự, tài khoản ngân hàng, đồ lót của chân dài, thịt thú rừng, viagra....của các quan chức Việt Nam. Và 10% đó mới chỉ là tỷ lệ "lại quả" đối với nhà thầu Nhật Bản, còn các nhà thầu phụ Việt Nam cũng sẽ phải "lại quả" cho quan chức theo những tỷ lệ khác, có tính thuần Việt hơn. Như vậy trong 10 năm qua, ắt hẳn cũng phải có vài tỷ USD lọt vào túi các quan chức do tham nhũng từ vốn ODA (thế nên một tay giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) cũng có thể đánh bạc hàng triệu đô-la).

Số tiền đó là tiền thuế của người Nhật Bản và cũng là tiền nợ của người Việt Nam mà người dân Việt Nam sẽ phải trả.
Về phía Việt Nam thì chính phủ Việt Nam đã hạn chế "diễn đàn nhân dân" "mặt trận hàng đầu chống tham nhũng" của hơn 600 tờ báo trong việc đưa tin về việc tiền nợ của nhân dân bị tham nhũng ra sao? Nhưng như thế vẫn chưa đủ nên Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn cần phải "dạy" cho phía Nhật nên hạn chế đưa tin về việc tiền thuế của nhân dân Nhật Bản bị tiêu pha thế nào!

Chẳng nhẽ ông Thứ trưởng (và lại là Thứ trưởng Ngoại giao) Hồ Xuân Sơn nghĩ rằng Chính phủ Nhật có thể thô bạo hạn chế báo chí nước này đưa tin? Và với phát biểu như thế này thì có nghĩa là báo chí không nên đưa tin về tất cả các vụ án khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Nếu thế người ta còn nói tới việc báo chí chống tham nhũng làm gì, ngoài việc đăng tải tóm tắt kết luận của cơ quan điều tra hay của tòa án?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: "Việt Nam đặc biệt coi trọng chống thất thoát, chống tham nhũng trong sử dụng vốn ODA"

"Việt Nam cũng đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin, bài về việc này; nếu có đưa tin thì phải khách quan, theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam lấy làm tiếc vì đến nay, thông tin mà các cơ quan chức năng Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam vẫn còn sơ sài và chưa phù hợp với các thủ tục pháp lý của Việt Nam; trong khi đó, báo chí Nhật Bản lại có một số bài viết không thật khách quan, thậm chí cá biệt có thông tin không đúng sự thật, gây nghi ngờ về chính sách ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam, về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. “Cách viết như vậy không có lợi cho hai nước Việt Nam, Nhật Bản cũng như mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước hiện đang phát triển rất thuận lợi”, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh."


Về cách xử lý của Việt Nam thì hoàn toàn chưa thấy cơ quan điều tra của Việt Nam động tĩnh gì. Ông Sơn chỉ nhắc "Phía Nhật Bản có thể lập hồ sơ uỷ thác tư pháp với nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam năm 2007 để các cơ quan chức năng Việt Nam có cơ sở pháp lý triển khai phối hợp tác với các cơ quan tương ứng của phía Nhật Bản." Vâng, tức là vụ việc này là của Nhật Bản, nếu Nhật Bản muốn điều tra làm rõ thì cần phải đề nghị Việt Nam tương trợ tư pháp, chứ Việt Nam không (hay chưa) có ý định tự mình điều tra, khởi tố vụ án tham nhũng, nhận hối lộ của quan chức Việt Nam trên cơ sở những thông tin mà được phía Nhật Bản cung cấp.

Ông Sơn cũng khẳng định là theo
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và Ban Quản lý dự án xây dựng Đại lộ Đông-Tây (chính là cái Ban có ông Trưởng ban bị phía Nhật cáo buộc là nhận hối lộ hơn 800.000 USD đó) thì "việc đấu thầu, chọn thầu đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và chịu sự giám sát rất chặt chẽ của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Ban Quản lý dự án nói là không có hành vi tiêu cực như báo chí đã đưa."
Ô hay thật, trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hùng hồn thông báo cho cơ quan hữu trách Nhật Bản và báo chí trong ngoài nước biết một tin hết sức quan trọng: Người bị tố cáo nhận hối lộ nói là mình không có nhận hối lộ như báo chí đưa tin đâu nhá. Và vì thế, báo chí của
cả Việt Nam và Nhật Bản cần ngậm miệng lại nhá!.

Funny.

No comments: