Monday, September 17, 2007

Ayn Rand

The image “http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/3/32/Ayn_Rand1.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Nhân tiện, nói về Ayn Rand thì cũng là một hiện tượng thú vị. Với nhiều người tôn sùng bà, Ayn Rand được coi là một nhà triết học, đạo đức học, nhà tư tưởng lớn. Các tác phẩm của bà, nhất là hai cuốn tiểu thuyết Atlas ShruggedThe Fountainhead luôn là các cuốn sách best-seller với các kỷ lục về doanh số bán ra. Trên trang web Amazon vào thời điểm hiện nay, 50 năm sau khi cuốn Atlas Shrrugged ra đời, nó vẫn nằm trong 400 cuốn sách bán chạy. Hai cuốn tiểu thuyết với độ dày mỗi cuốn trên dưới 1000 trang này đã làm thay đổi cuộc đời của không biết bao nhiêu người Mỹ. Một trong số những người đó là Alan Greenspan, thống đốc huyền thoại của kinh tế Mỹ trong hơn hai mươi năm. Năm 1957 Greenspan đang làm công việc dự đoán kinh tế sau khi tốt nghiệp cao học kinh tế trường Đại học Columbia. Cũng như hầu hết các nhà kinh tế thời đó, Greenspan là người tin tưởng vào học thuyết Keynes – học thuyết đề cao vai trò của chính phủ trong nền kinh tế và chiếm địa vị thống trị kinh tế học cả thế giới tư bản kể từ sau thời Đại khủng hoảng (1929-33). Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách dày hơn 1200 trang của Ayn Rand thì Greenspan trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành tư tưởng của Rand. Với nhiều người, Ayn Rand được coi như nhà tư tưởng của chủ nghĩa tư bản, là người bảo vệ đanh thép cho các giá trị của chủ nghĩa cá nhân, và biện minh cho tính đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Cùng với Ayn Rand, họ đã thoát khỏi cái mặc cảm Thiên chúa giáo đồng nghĩa giàu có với tội lỗi “Người giàu có vào được Thiên đường khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”, cũng không phải mặc cảm với thứ luật rừng “kẻ mạnh nhất là kẻ tồn tại” mà Spencer rao giảng hồi đầu thế kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà Rand lại có ảnh hưởng mạnh như thế, nếu như nhớ lại rằng Spencer cũng từng có ảnh hưởng tương tự ở Mỹ vào đầu thế kỷ cùng với sự phát triển của giai cấp tư sản. Địa vị của Rand chính là sự nối tiếp địa vị của Spencer trong một bối cảnh mới. Trong bài báo mới ra hôm kia trên tờ New York Times, tác giả bài báo gọi tiểu thuyết của Ayn Rand là văn học của chủ nghĩa tư bản.

Trong The Fountainhead, có đoạn một nhân vật chính, khi còn là một cậu bé xuất thân nghèo khổ một lần có dịp may đọc được cuốn sách của Herbert Spencer. Và cuốn sách đó đã thay đổi cả cuộc đời cậu, khiến cậu quyết chí vươn lên trở thành một nhà tư bản giàu có. Nhưng dù thành đạt, nhà tư bản đó vẫn không hạnh phúc với cảm giác mình đã tự phản bội mình. Câu trả lời của Ayn Rand về lý do nỗi bất hạnh đó chính là ở sự khiếm khuyết của thuyết Darwin xã hội mà Spencer truyền bá và được giai cấp tư sản Mỹ ngưỡng mộ. Đó là việc Spencer không tạo ra được một biện minh đạo đức. Vì thế những nhà tư sản Mỹ sẽ suốt đời phải dằn vặt giữa sự mâu thuẫn trong đạo đức Thiên chúa giáo của bản thân (hay/và của xã hội) với lý luận “kẻ mạnh nhất là kẻ tồn tại”. Bằng việc biện minh đạo đức cho chủ nghĩa cá nhân, Ayn Rand đã mang lại sự thanh thản cho họ. Về mặt này, có thể nói Ayn Rand là người kế thừa Nietzsche, nhưng khác với Nietzsche bác bỏ đạo đức Thiên Chúa giáo và tự đặt ra đạo đức cá nhân với mục đích hủy diệt, Aynd Rand đồng nghĩa ý chí cá nhân với tự do, sáng tạo và chủ nghĩa tư bản. Với các tiểu thuyết của mình, Ayn Rand đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều người Mỹ, những người như Alan Greenspan, như trước đó cuốn sách của Spencer từng thay đổi cuộc đời của nhân vật Wynand trong The Fountainhead.

Cho tới tận ngày nay, các tiểu thuyết của Ayn Rand vẫn có ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới việc hình thành nhân cách và nhân sinh quan của nhiều người Mỹ.

Nhưng mặc dù thành công lớn như vậy về mặt ảnh hưởng, đối với giới trí thức học thuật thì Ayn Rand là con số không. Trong các khoa triết ở các trường Đại học, người ta không buồn nhắc tới bà với học thuyết Objectivism của bà. Với các giáo sư văn học và các nhà phê bình thì các tiểu thuyết của bà bị coi là nhạt, ý đồ lộ liễu và ít có giá trị về mặt văn học. Thế nhưng trong một cuộc bình chọn của độc giả Mỹ, Atlas Shrugged của Ayn Rand được bình chọn là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất chỉ sau Kinh Thánh. Năm 1999, nhà xuất bản Modern Library mở cuộc bình chọn 100 tác phẩm văn học tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Trong bình chọn của các nhà phê bình, Ulysses của James Joyce đứng vị trí đầu tiên và trong 100 cuốn đó không hề có bóng dáng cuốn sách nào của Ayn Rand (tình hình cũng tương tự với các bình chọn của giới phê bình như bình chọn của báo Times, báo The Guardian…). Nhưng trong bình chọn của độc giả thì Atlas Shrugged và The Fountainhead của Ayn Rand lại ở vị trí dẫn đầu. Đúng là có quá nhiều khác biệt giữa cuốn sách công chúng yêu thích và các nhà phê bình yêu thích. Bà còn chịu sự phê phán của nhiều người thuộc cả phái hữu và phái tả. Với phái hữu, Ayn Rand là người không tin Chúa, phủ định đạo đức Thiên chúa giáo. Với cánh tả, Ayn Rand bị phê phán vì đề cao tính ích kỷ (selfishness), chủ nghĩa cá nhân và chống đối kịch liệt chủ nghĩa xã hội hay một nhà nước có vai trò lớn.

Đánh giá về mặt giá trị văn học hay tư tưởng của tiểu thuyết Ayn Rand còn là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ là để có thể hiểu được người Mỹ và phần nào cái “suối nguồn” cho sự phát triển kinh tế và xã hội Mỹ trong nửa cuối thế kỷ 20, thì các tiểu thuyết của Ayn Rand là rất đáng đọc. Trong tháng 10 tới, nhà xuất bản Trẻ sẽ phát hành tiểu thuyết “The Fountainhead” của Ayn Rand, tên tiếng Việt là “Suối nguồn”. Hiệu đính và giới thiệu cuốn sách này là Phan Việt, hiện đang làm nghiên cứu sinh Công tác Xã hội ở
Đại học Chicago và cũng là tác giả một tập sách từng được giải thưởng ở trong nước.

Image:Fountainheadcover.gif



No comments: