Wednesday, September 26, 2007

Entry for September 26, 2007

Sáng mở web đọc tin về vụ sập cầu Cần Thơ, thấy buồn thế.

Ở nước mình năm nào cũng xảy ra thiên tai, mỗi năm, thường cũng vào mùa này, đọc báo là lại thấy tin nơi này xảy ra bão, nơi kia lũ lụt, hàng trăm người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hỏng. Những thiên tai lũ lụt đó mảnh đất nghèo có tấm thân mỏng mảnh vắt mình ra biển Đông cứ hàng năm lại phải gánh, một cách cam chịu và chấp nhận. Đến bản thân mình, mỗi lần đọc cũng chỉ biết chặc lưỡi, buồn và hơi xót xa, nhưng cũng chẳng làm gì nhiều hơn thế.

Năm nay có vẻ thời tiết thuận lợi nên chưa thấy sự tàn phá dữ dội của các cơn bão. Nhưng lần này lại là một thảm họa khác, và buồn thay, thảm họa này là do con người. Trên các tờ báo, người ta gọi đó là một tai nạn. Đúng là tai nạn, nhưng với con số tới nay là 52 người chết và gần 200 người bị thương, thì cũng có thể gọi đó là một thảm họa. Thảm họa sập cầu này nằm trong số các thảm họa sập cầu lớn nhất của nhân loại.

Cách đây vài tháng, tại thành phố tôi đang ở cũng xảy ra vụ sập cây cầu dẫn tới sáu người chết. Vụ sập cầu đó khiến cả nước Mỹ chấn động và người ta lên kế hoạch kiểm tra lại tất cả các cây cầu đang hoạt động có cấu trúc tương tự. Tất cả các biện pháp đó được thực hiện nhằm tránh những bi kịch như thế có thể xảy ra trong tương lai.

Còn trong vụ sập cầu Cần Thơ, nguyên nhân từ đâu? Tới giờ hẳn chưa thể biết chính xác nguyên nhân. Cây cầu này sử dụng vốn ODA của Nhật và do đó, gần như là nghiễm nhiên, các nhà thầu Nhật được quyền đứng ra xây dựng và làm nhà thầu chính. Đến lượt mình họ lại thuê lại các nhà thầu phụ Việt Nam. Theo thông tin từ blog của nhà báo Đức Hiển, thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP HCM thì tai họa xảy ra ở phần thi công của nhà thầu phụ Việt Nam. Xin trích lại đoạn này trên blog Đức Hiển:

“Gói thầu chính là cầu vượt qua sông Hậu dài 2.75 km là do phía Nhật Bản đang xây dựng thì đến nay vẫn ổn. Đường dẫn xuống cầu từ bờ Cần Thơ ra quốc lộ 1, dài 7,69km, do Trung Quốc đảm trách vẫn ổn

Còn gói thầu phụ, là đường dẫn lên cầu từ bờ Vĩnh Long dài 5.41km thì do Việt Nam thi công, chia thầu phụ cho các Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty 6, Tổng công ty 8, tất cả đều trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam. Phần thầu này phía Việt Nam vừa bắt tay vào thực hiện đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Đó là lý do mà danh sách những người bị thương và tử nạn vào sáng 26-9 toàn là người Việt Nam, không có một người nước ngoài nào cả.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sập nhịp cầu dẫn này là do hệ thống dàn giáo yếu.

Tại sao dàn giáo yếu ? Câu trả lời dường như không quá khó! “


Được biết việc thi công cầu Cần Thơ là việc rất khó do địa hình phức tạp, sông rộng và nền đất lại yếu. Trước kia nghe nói chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng từng nghiên cứu việc xây cầu với sự trợ giúp kỹ thuật của Mỹ nhưng cuối cùng đã quyết định không xây (cũng có thể có nguyên nhân do lo ngại về chiến tranh đang diễn ra nữa).

Đến giờ thì chưa thể kết luận rõ ràng về trách nhiệm của ai (sẽ còn có chỗ cho các cuộc đổ lỗi, đấm ngực và xoa lưng trong vài tháng tới). Nhưng ở đây hẳn sẽ là trách nhiệm liên đới của các nhà thầu cả chính và phụ, đặc biệt là trách nhiệm trực tiếp của các nhà thầu phụ Việt Nam- do là phía trực tiếp thi công.

Ở đây còn một vấn đề nữa liên quan tới việc đấu thấu. Đó là khả năng các nhà thầu chính, thường là công ty lớn, sau khi thắng thầu bèn đem ngay công việc bán lại cho các nhà thầu phụ và không có những biện pháp đảm bảo chất lượng công trình cần thiết. Các nhà thầu phụ do không có hy vọng thắng thầu nên phải thầu lại của các nhà thầu chính với giá thấp (do lợi nhuận chính sẽ thuộc về các nhà thầu chính) và đổi lại sẽ phải tìm cách tiết kiệm vật tư, hay nói cách khác là bớt xén công trình. Đó cũng là lý do khiến nhiều công trình ở Việt Nam, khoảng cách từ thiết kế tới thi công, từ hồ sơ dự thầu tới hiện thực thi công là rất xa. Có lẽ cần tới lúc rà soát thật kỹ lượng tất cả những việc này từ quy trình đấu thầu, thắng thầu cho tới việc kiểm tra chất lượng thi công.

Mà thôi, những việc rà soát, tìm trách nhiệm đó rồi sẽ được làm trong các ngày tới. Giờ là lúc chúng ta hãy nghĩ tới số phận của những công nhân đang nằm trong nhà xác, bệnh viện hay dưới những tấm bê tông khổng lồ. Nhiều người trong số đó là những kẻ tha phương, từ miền Bắc, miền Trung xa gia đình, cha mẹ, vợ con để đổi lấy những món tiền còm và một cơ hội tới được những miền đất mới. Rồi đấy cầu Cần Thơ sẽ được dựng lên, sẽ trở thành cây cầu dài rộng nhất nước và niềm tự hào của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ mong máu của những người công nhân đó và nước mắt của những người thân họ sẽ không trở thành những hy sinh vô ích. Và trong tương lai sẽ không có những hy sinh vô ích, những đau xót từ sự ăn cắp, lãng phí và vô trách nhiệm của những người liên quan.


Muốn nghe lại bài “New York Mining Disaster” như là một sự tribute tới những người đã và đang nằm dưới chân cầu.

”I keep straining my ears to hear a sound.
Maybe someone is digging unde
rground,
or have they given up and all gone home to bed,
thinking those who once existed must be dead…

Have you seen my wife, Mr. Jones?
Do you know what it's like on the outside?
Don't go talking too loud, you'll cause a landslide, Mr. Jones.”

No comments: