1. Người Việt Nam mình có những câu sáo (cliché) tới kinh người, nhưng lại rất hồn nhiên trong việc sử dụng các câu đó. Ví dụ hồi xưa thì có câu “Nhờ ơn Đảng và Chính phủ” (xưa nữa là nhờ ơn Đảng Bác), câu này thỉnh thoảng xem T.V. phỏng vấn các ông bà nông dân cũng thỉnh thoảng gặp. Bây giờ thì lại có nhiều câu sáo khác, chẳng hạn như “nhân dịp Việt Nam tham gia WTO”, hôm nọ đọc trên blog nào đó tường thuật lại cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt (tên nghe rất chuối) thì ban tổ chức cũng hoành tráng tuyên bố sự kiện này như là một sự kiện quốc tế trong không khí Việt Nam gia nhập WTO (mà trùng hợp thật, cuối cung con ông đại diện Việt Nam ở WTO lại trúng cử hoa hậu). À mà nghe nói cô hoa hậu này cũng có blog, có ai có link không nhỉ.
2. Cuộc tranh luận về Hà Nội trên các blog VMC, Shrek và Viettory giờ đang chuyển hướng thành Hà Nội nhỏ hay không nhỏ. Rất giống với chủ đề nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ từng hoành tráng trên VNN một thời (trong không khí chào mừng Đại hội 10).
Như tớ nhớ thì thành phố Paris ngày nay là gần như đã được làm lại từ đầu sau thời kỳ Công xã Paris do một viên thị trưởng thời đó (sau 1870), và lúc đó thì ông ta cũng bị phản đối rất mạnh mẽ. Kể ra vấn đề quy hoạch của Hà Nội cũng nan giải thật.
Có một số ý kiến là Hà Nội không có không khí của metropolis, nói cách khác là còn “rất quê”. Nhưng không nhất thiết Hà Nội nên phát triển như một metropolis, mà có thể phát triển theo hướng thành một trung tâm chính trị như Washington D.C. hay trung tâm khoa học- trí thức như Boston. Nhường cho Sài Gòn làm New York và Đà Nẵng (?) làm Los Angeles. Nhưng làm vậy cũng khó, vì ở miền Bắc hiện không có một thành phố nào đủ tầm để phát triển mạnh thành một metropolitan cả. Mà xu hướng ở các nước đang phát triển luôn là hình thành các metropolitan, các đại thành phố như là các cực thu hút lao động, dân cư và vốn tư bản.
3. Bác nhà văn Olen Butler bị vợ bỏ sang Việt Nam giảng bài thế nào mà gộp cả Sartre, Stephan King với Dan Brown làm một giỏ để chê bai, xem ra hơi buồn cười. Bác này có vẻ là nhà văn tầm tầm, nhưng trong đời dù sao cũng có được một cái Pulitzer văn chương là cũng đủ mãn nguyện rồi (Pulitzer văn chương là một trong hai giải thưởng văn chương quan trọng nhất của Mỹ, giải kia là National Book Award, người Mỹ quan tâm tới hai giải này nhiều hơn giải Nobel cho văn học. Giải Pulitzer có tính thương mại rất cao, so với National Book Award hay Nobel). Sartre viết tiểu thuyết công nhận là chán, đọc như cơm nguội để lâu mà không rang. Nhưng Sartre viết kịch thì hay. Tư duy của Sartre có lẽ hợp với thể loại kịch hơn là tiểu thuyết. Khác với Camus, cả tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn và luận đều hay. Bài trên SGTT kể một bác giáo viên ĐHKHXH &NV thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra rất bất bình trước việc Butler chê Dan Brown (chứ không bất bình về việc chê Sartre!). Tiếc là bài báo đó lại không nói rõ là lập luận của bác giáo viên thế nào. Thêm một ý nữa là việc ông Mỹ kia kêu những người hỏi ông ấy trong hội thảo nên hỏi bằng tiếng Việt để phiên dịch làm việc. Đoạn này mình nghĩ là đúng, không biết khi người đặt câu hỏi nói tiếng Anh thì phiên dịch có dịch lại ra tiếng Việt không? Nếu không thì những người tham gia hội thảo cần đặt câu hỏi bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh.
4. Một tin đáng mừng là giờ đây kết quả kiểm toán ngân sách đã được công khai. Và một tin đáng buồn là con số kiểm toán cho thấy hơn 7000 tỷ ($350 triệu bị chi tiêu sai nguyên tắc). Nói thêm là gần đây ông Vũ Quang Việt, một nhà kinh tế người Việt làm vụ trưởng vụ thống kê gì đó của Liên hợp quốc tỏ ra nghi ngại về độ chính xác trong các số liệu thống kê của Việt Nam. Rất có thể là chúng ta đang có nhiều ảo ảnh về sự tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn trên thực tế.
Một tin khác là về việc học phí tăng. Nói chung tớ nghĩ tăng học phí là hợp lý nhưng chỉ nên tăng ở bậc Đại học và rất không nên tăng ở bậc phổ thông. Thậm chí giáo dục phổ thông cho tới hết cấp 2 cần phải là miễn phí hoàn toàn.
Quanh chuyện này còn có bài phản hồi của Phó Thủ tướng Nhân tới báo Sài Gòn Giải phóng được đăng công khai trên báo, một tín hiệu tốt cho sự công khai trao đổi giữa chính giới và báo chí. Trước đây, cũng báo SGGP đã đăng nguyên văn bức thư trách cứ của Ban Văn hóa tư tưởng TW về một bài báo móc máy Tô Hoài và cuốn Ba người khác.
5. Ai quan tâm tới kinh tế học tự do chủ nghĩa có thể tìm đọc cuốn về Hayek do nhà xuất bản tri thức mới in. Hơi lạ là cuốn tiểu sử dầy cộp này lại được in ra trước khi các cuốn sách của Hayek được in. Kể ra cũng có một cuốn của Hayek đã được Nguyễn Quang A dịch ra tiếng Việt nhưng không được phổ biến rộng rãi ngoại trừ trên mạng. Mà văn dịch của ông Quang A thì thôi rồi, Lượm ơi.
NXB này gần đây còn dịch cuốn “The rise and fall of the Third Reich” cũng rất đáng đọc. Hai cuốn kinh tế học phổ thông ứng dụng trong đời sống là “Freakonomics” và “The undercover economist” hình như cũng đã được dịch ra tiếng Việt.
6. Hình như sắp Trung thu?
No comments:
Post a Comment