Hiện nay có thể thấy rất nhiều báo đang đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ vật chất cho những người không may thiệt mạng hay bị thương trong vụ sập cầu Cần Thơ. Không chỉ báo mà còn có phong trào quyên góp trên blog của nhiều người. Thậm chí có blog còn kêu gọi mọi người vào comment ở blog của mình, mỗi comment sẽ được quy ra 2000 đồng mà nhóm chủ nhân blog sẽ đứng ra góp để ủng hộ những người bị tai nạn (hiếm khi spam có cả giá lẫn giá trị như thế). Tấm lòng của những người đóng góp quả là rất quý, và cả việc quyên góp tiền của các báo cũng thể hiện mong muốn được chia sẻ và giúp đỡ của các tờ báo đó.
Nhưng qua việc này tôi lại thấy như có sự đánh đồng trong tư duy chúng ta: chúng ta coi mọi tai nạn như nhau dù đó là thiên tai hay tai nạn lao động. Trong blog của chị 2 4 6 có viết “Người ta chỉ kêu gọi đến đóng góp tiền bạc của công chúng trong các trường hợp thiên tai, hoặc khi mức thiệt hại vật chất quá cao khiến người gây ra nó không gánh vác nổi. Một công trình 5000 tỉ không thể không có bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm, thì các chủ thầu cũng đủ khả năng đền bù xứng đáng theo luật quốc tế. Và chắc chắn họ phải làm điều này. Kêu gọi đóng góp tiền bạc từ công chúng tức là công nhận cầu sập do thiên tai, không có người chịu trách nhiệm cho việc đã xảy ra….”
Tôi cũng nghĩ như vậy, việc báo chí kêu gọi quyên góp lúc này là hơi vội vã, cảm tính và đánh vào tình cảm của người đọc. Các tờ báo ấy thừa sức có thể bỏ ra một số tiền ban đầu để hỗ trợ ngay lập tức những người có hoàn cảnh khó khăn cần cứu trợ ngay. Còn sau đó những công ty bảo hiểm sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù cho những người bị tai nạn. Việc các tờ báo đồng loạt quyên góp như thế này tạo ra ấn tượng như một cuộc cạnh tranh. Như tôi để ý sau các chiến dịch quyên góp là các tờ báo cạnh tranh nhau luôn công bố một cách hồ hởi là họ đã quyên được bao nhiêu tiền, càng vượt nhiều hơn đối thủ cạnh tranh thì càng phấn khởi- bản thân việc này cũng không có gì nhưng nó gợi ra liên tưởng tới một cuộc chạy đua quyên góp từ thiện và cứ thế nó cuốn theo tất cả các tờ báo lớn. Ở đây việc này khác với các trường hợp như thiên tai cần cứu trợ khẩn cấp và với những thiệt hại lớn không chỉ về người mà còn về của- những trường hợp này rõ ràng cần tới sự quyên góp trực tiếp của người dân. Việc này cũng khác với các quỹ từ thiện có tính thường xuyên, dùng để trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hay bị dị tật…Tại sao khi xảy ra các vụ tai nạn ô tô, tai nạn tàu hỏa hay cháy chợ thì các báo không vội vã quyên góp tiền từ công chúng như lần này? Vì ít người chết hơn? Hay vì công chúng không tỏ ra xúc động nhiều như lần này?
Công việc chính của báo chí trong việc này là đưa tin trung thực, khách quan, chính xác, làm rõ trắng đen, các uẩn khúc, trách nhiệm của những người liên quan chứ không phải là các nhà tổ chức từ thiện.
Viết thế này có khi sẽ bị gọi là vô cảm. Thôi đành chịu vậy.
No comments:
Post a Comment