Hoàng Hưng
Áo nào cho Tuổi Trẻ, áo nào cho báo chí Việt Nam?
Cả tuần nay dư luận Việt Nam xôn xao vì cái tin hai phó tổng biên tập phụ trách nội dung của báo Tuổi Trẻ bị thay thế. Lý do thực của việc này được đoán cũng có khác nhau. Phần lớn cho đó vẫn là “bổn cũ” xài lại sau vụ thay hai đời tổng biên tập Kim Hạnh và Lê Văn Nuôi - biện pháp tiện lợi nhất để uốn nắn tờ báo có nhiều gai này (tuy rằng thực tế số gai của nó đã bị tỉa và mài bớt nhiều trong mấy năm gần đây). Và đó chỉ là tiếp tục thực thi chủ trương kiểm soát chặt chẽ trở lại ngôn luận để đối trọng với việc mở rộng hơn nữa về kinh tế và giao lưu quốc tế, như đã thấy qua không ít vụ việc từ sau cuộc thử nghiệm lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Đại hội X bị coi là “một trò chơi dân chủ” không an toàn. Ngay chính ông TBT Lê Hoàng của Tuổi Trẻ cũng nêu thẳng băn khoăn của dư luận về khả năng làm giảm “tính chiến đấu” của tờ báo từ quyết định thay thế nhân sự [1] . Cũng có người cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ về tài chính, báo Tuổi Trẻ đã trở thành một tập đoàn kinh doanh có lợi nhuận cao khiến cơ quan chủ quản là Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh và có thể cả cấp trên của nó không thể bình tâm đứng ngó “xuống”.
Song điều đáng suy nghĩ nhất trong việc này lại chính là phản ứng của dư luận trước vụ thay người của một tờ báo - điều chưa xảy ra khi Kim Hạnh và Lê Văn Nuôi (cũng của báo Tuổi Trẻ) phải ra đi, tuy những lúc đó bạn đọc cũng đã thể hiện “lòng xót thương đối với một tờ báo vốn có số phận gian truân với nhiều thử thách” (Huỳnh Sơn Phước, Phó TBT Tuổi Trẻ trả lời phỏng vấn, Vietnam Journalism 12/05/2005).
Vì sao như vậy? Vì hôm nay, báo Tuổi Trẻ đã trở thành tờ báo lớn nhất Việt Nam với số lượng 450.000 bản phát hành mỗi ngày. Nó được người dân mọi tầng lớp mọi địa phương chọn là tờ báo tương đối đáng tin cậy, nói tương đối trúng bụng dân trong hoàn cảnh báo chí bị kiểm soát. Nó không thể cam tâm chấp nhận thân phận một tờ “nội san” của Thành đoàn như lúc còn trứng nước (theo phát biểu của chính TBT Lê Hoàng trên Tuổi Trẻ ngày 22/8/2007) là vì bạn đọc của nó không chấp nhận điều đó.
Không chỉ Tuổi Trẻ, mà sự bứt ra khỏi khuôn khổ một tờ báo ngành để trở thành tờ báo chuyên nghiệp của toàn xã hội, cùng lúc bứt khỏi vòng kim cô bao cấp tư tưởng, đã khởi động từ khi Đổi mới, mà Tuổi Trẻ mở đầu, tiếp đến Lao Động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thanh Niên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… Và đối phó với sự “phá rào” này, món võ “thay thế nhân sự” đã luôn luôn được sử dụng, có trường hợp hoàn toàn hiệu quả như với báo Lao ĐộngLao Động Chủ Nhật với TBT Tống Văn Công và TKTS Chánh Trinh, đến nay nó được nhiều người gọi đùa là tờ “Nhân Dân có màu” và bạn đọc đã thực sự quay lưng với nó), hay báo Văn Nghệ (sau thời Nguyên Ngọc)… Tuy nhiên sự “phá rào” của báo chí Việt Nam đã trở thành phổ biến đến mức ngày nay trên thực tế các nhà quản lý phải nhắm mắt làm ngơ trước việc đa số tờ báo chỉ còn mang cái nhãn hiệu cơ quan chủ quản như một thứ “da hàng thịt” để chở cái “hồn Trương Ba” (nhiều báo muốn bán được thì phải cố tình in cái tên cơ quan chủ quản bé xíu cho có lệ).
Và hôm nay, phản ứng sôi nổi trước việc thay thế nhân sự báo Tuổi Trẻ cho thấy nhận thức của xã hội đối với vai trò trọng đại của báo chí trong sự nghiệp đưa đất nước tiến lên “giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” đã có sự thay đổi căn bản. Điều đáng ghi nhận là ngay người đảng viên cộng sản cao cấp, Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng đã công khai phát biểu: “Một tờ báo lớn nhất của cả nước không còn mặc được cái áo của Thành đoàn trước đây, Tuổi Trẻ không chỉ viết về đối tượng tuổi trẻ, thanh niên, mà là tất cả đối tượng khác; không chỉ xã hội, đời sống mà là những vấn đề chính trị nữa. Nó vượt quá tầm của địa phương rồi.” (Tuổi Trẻ 22/8/2007).
Ý kiến trên của ông Kiệt chỉ là cụ thể hoá những vấn đề khá căn bản của báo chí Việt Nam mà ông đã vạch ra trên báo Tuổi Trẻ nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam. [2] Cùng với cung cách “chỉ đạo thông tin”, “cái áo” cơ quan chủ quản trói buộc báo chí trong tầm kiểm soát nhỏ hẹp manh mún đã đến lúc thể hiện rất rõ sự bất lực và cản trở không thể chấp nhận, chẳng khác những chiếc barrier ngăn sông cấm chợ đêm trước Đổi mới. Thay nó bằng “cái áo” nào đây quả là việc không đơn giản trong toàn bộ thể chế quá nhiều bất cập, khi ba quyền cơ bản lập pháp, hành pháp, tư pháp còn chưa phân lập, nói chi đến báo chí là “đệ tứ quyền”? Tuy nhiên như người ta nói, lịch sử chỉ đặt ra câu hỏi khi nó có khả năng trả lời. Nếu người quản lý có được nhận thức ngang với quần chúng hôm nay về tầm quan trọng của thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đối với sự nghiệp xây dựng đất nước thì sẽ có câu trả lời thoả đáng. Trong khi chờ đợi thì mọi kế sách đối phó luẩn quẩn chỉ làm rối thêm chuyện, không đáng, vì bất quá cũng chỉ có thể làm chậm một thời gian sự phát triển theo đúng quy luật của sự sống (dẫu thế, xin đừng quên rằng một thời gian ngắn cũng đủ làm khoảng cách tụt hậu của đất nước so với thiên hạ dài ra thêm rất nhiều). Và sẽ đế
n một ngày người ta ôn lại với sự “tiếc rẻ”: “Giá như ngày ấy ta đừng chần chờ đổi mới căn bản cả tư duy về báo chí truyền thông…”
© 2007 talawas
(sau một thời kỳ huy hoàng của
[1]Đề cập đến vấn đề dư luận đang bàn tán về tổ chức nhân sự của Tuổi Trẻ, tổng biên tập Lê Hoàng nói: “BBC đã đưa tin, các blog đưa nhiều ý kiến. Họ nêu: đây có phải là việc làm giảm đi tính chiến đấu của tờ báo?”. Ông Lê Hoàng cho rằng báo Tuổi Trẻ đến nay tiếp tục khẳng định tính dấn thân của tờ báo. Nếu báo Đoàn mất đi tính dấn thân thì không còn tham gia sự phát triển, đấu tranh góp phần phản biện cho các vấn đề dân chủ, minh bạch, công khai. Và tính dấn thân đó cũng chính là chất đoàn. (Tuổi Trẻ 22/8/2007)
[2]“Sự phát triển đó của báo chí cũng đang làm xuất hiện không ít điểm bất cập trong mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan chủ quản. Rất nhiều cơ quan chủ quản vốn dĩ là một tổ chức hành chính nhà nước. Nhiều cơ quan chủ quản khác là đoàn thể chính trị nhưng lại đang có khuynh hướng hành chính hóa những hoạt động của mình.
Trong khi báo chí càng ngày càng năng nổ, bám sát đời sống để cố gắng nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân thì có không ít cơ quan chủ quản, bởi khuynh hướng hành chính hóa đó, đang xa cách dần với quần chúng và trở thành “chiếc áo chật chội” cho những “cơ thể” đã trưởng thành.
Chúng ta có hàng chục nghìn nhà báo đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước, am hiểu thực tế và có thể nắm bắt kịp thời mọi diễn biến xã hội. Nếu chỉ sử dụng báo chí nói một chiều theo ý mình sẽ không phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo đông đảo đó.
Báo chí “một chiều” chỉ có thể trở thành những công cụ dễ dàng làm vừa lòng mình nhưng không thật sự giúp được gì cho mình. Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo, báo chí càng cần phải trở thành một kênh thông tin từ nhân dân, một công cụ giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân; vừa phát hiện và vừa đóng vai trò phản biện.
Nếu báo chí thụ động, các nhà báo cứ quen chờ đợi sự chỉ đạo, chúng ta sẽ thường xuyên bị động trên mặt trận thông tin.”
No comments:
Post a Comment