Sunday, September 16, 2007

Entry for September 16, 2007

Blog bác Nhị Linh có link sang một loạt bài phỏng vấn các nhà phê bình của VNN (ví dụ bài này)- vẫn là các tên tuổi quen thuộc như Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hòa, và một số ít quen thuộc hơn chút ít (và trẻ hơn) là Phạm Xuân Thạch và Hoài Nam. Loạt bài này cùng với loạt bài về nhà văn viết gì đọc gì trước đó cũng trên VNN tương đối có giá trị, vì cho người đọc biết thêm quan điểm đọc và viết của một số tác giả và nhà phê bình. Trong đời sống văn học nghèo nàn ở Việt Nam thì đó cũng là một đóng góp đáng kể nhất là nếu so trang văn hóa- văn nghệ của Vnexprees (evan) hay của các báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên.

Tuy nhiên, nói chung chất lượng các bài này cũng không có gì tốt lắm. Các ý kiến đều tương đối chung chung và không sâu. Có thể lý do cũng ở cách đặt câu hỏi không cho phép những người trả lời đi sâu về vấn đề. Thay vì việc phỏng vấn một loạt các nhà phê bình (hay nhà văn), VNN có thể tập trung vào 1 số câu hỏi vào một số ít người nhằm khuyến khích họ thể hiện chính kiến của họ rõ hơn. Một ví dụ là vài bài của Cao Việt Dũng cũng trên VNN cách đây một vài năm tuy lan man và khó hiểu (hơn mức cần thiết và một cách không cần thiết, ít ra là với các bài trên báo chí đại chúng) nhưng thể hiện được rõ ràng quan điểm của người trả lời và cũng though-provoking. Hay bài trả lời của Hoàng Ngọc Hiến trên talawas.

Ở Việt Nam có nhà phê bình không? Tôi nghĩ là các nhà phê bình thành công hơn trong phê bình thơ hơn là phê bình. Có thể kể tên Hoài Thanh, Xuân Diệu, Bùi Giáng chẳng hạn. Còn phê bình văn? Những nhà phê bình trước đây đều là những người phê bình theo trường phái Marxist- Stalinist, đều đứng trên tư tưởng giai cấp và lấy chủ nghĩa hiện thực cách mạng làm chuẩn cho việc phê bình. Đó là trường phái phê bình trong sách giáo khoa và trường Đại học (mà tôi đóa là tới nay vẫn cứ độc bá võ lâm tại những nơi này). Còn các nhà phê bình ngày nay (tạm gọi là các nhà phê bình trên báo chí để phân biệt) thì tôi có cảm giác là hơi chênh vênh và thiếu kiến thức lý thuyết, thiếu cả sự tiếp xúc thực sự với văn học và lý luận văn học thế giới để có thể làm tốt được công việc này.

Một điểm nữa khi đọc mấy bài này là ở sự bối rối trong cách hiểu điểm sách có phải là phê bình không. Một mặt các nhà phê bình e ngại nhận điểm sách là phê bình thì sẽ làm giảm “danh giá” của công việc phê bình, nhất là nếu nhìn vào thực tế việc điểm sách trên báo chí hiện nay. Nhưng mặt khác, các nhà phê bình được công chúng (và tôi nghĩ là cả người viết nữa) biết đến chủ yếu vẫn ở việc điểm sách. Ngoài ra có mấy người đọc được trên các tạp chí chuyên ngành đâu (trên blog Minh Thi, em Minh Thi từng viết là muốn mua tạp chí Văn học nước ngoài mà chẳng biết mua ở đâu). Ngoài ra ở đây còn có một vấn đề hơi “tế nhị” là các nhà sách đặt hàng các nhà phê bình viết điểm sách như là một hình thức PR sách. Việc này khác với công việc điểm sách ở các báo lớn nước ngoài (như New York Times chẳng hạn). Ở các báo này, thông thường các nhà phê bình sẽ điểm sách theo đặt hàng của tờ báo chứ không phải của nhà xuất bản. Cũng phải nói thêm là các báo ở Việt Nam hiện dành quá ít “đất” cho các bài phê bình sách hay phim ảnh (để so sánh có thể vào trang web của New York Times hay Guardian đọc các phê bình sách hay phim), vì thế các bài điểm sách thường ngắn hơn mức cần thiết. Một nhà điểm sách “có quyền lực” nhất ở Mỹ hiện nay là Michiko Kakutani ở New York Times (bà này là con gái của nhà toán học Kakutani, người đưa ra Kakutani fixed point theorem).

Tuy nhiên dù sao, phê bình sách ở Việt Nam vẫn còn tiến bộ nhiều hơn hẳn so với phê bình phim. Rất ít bài phê bình phim thuyết phục trên báo chí, chủ yếu chỉ là giới thiệu ngắn về phim (trong khi trái lại, các chuyện ngồi lê đôi mách về “hậu trường” phim hay đời tư các nghệ sĩ thì lại rất nhiều). Tớ nghĩ là chất lượng điểm phim trên báo chí còn thua nhiều so với các bài điểm phim trên một số forum hay blog (ví dụ blog Le, 5xu, phanxine, Mất Dép…). Hiếm hoi lắm mới thấy các bài điểm phim trên báo có độ sâu (một số bài của Lê Hồng Lâm chẳng hạn).


Lại ngoài lề về điểm phim. Người điểm phim nổi tiếng nhất ở Mỹ là Roger Elbert (nhà phê bình phim đầu tiên được đưa tên vào đại lộ Ngôi sao của Holywood). Tớ cũng hay đọc ông này vì ông ấy có taste tốt, thường phim nào ông này khen thì sẽ hay (nhưng một số phim ông này ghét thì vẫn có thể hay), viết điểm phim kết hợp được cả cảm tính và kiến thức, và viết châm biếm khá độc địa. Một nhà điểm phim khác tớ cũng thích là A.O. Scott của NY Times, ông này điểm phim hơi nặng về tính văn học và khá là mainstream, nhưng viết rất sắc sảo và công bình. Taste ông này cũng hợp với mình, hầu như các phim nào ông ấy khen thì đều tốt. Nhưng người điểm phim có quyền lực nhất ở Mỹ từ trước tới nay, và ảnh hưởng tới rất nhiều nhà điểm phim sau này kể cả Elbert và Scott là Pauline Kael của tờ New Yoker. Bà này là phụ nữ nên điểm phim càng cay, ghét phim nào thì nói phũ tới mức đạo diễn phim không ngẩng đầu lên được. Đạo diễn David Lean (tác giả của Bác sĩ Zhivago, Lawrence in Arabia…) từng nói là phê bình của bà này khiến ông bỏ, không làm phim trong 14 năm. Nhưng cũng có những đạo diễn trưởng thành là nhờ Pauline Kael. Quentin Tarantino từng đọc say sưa các bài điểm phim của bà này khi còn trẻ và nói là Pauline Kael ảnh hưởng tới khiếu thẩm mỹ của ông không kém bất cứ một đạo diễn phim nào.


No comments: