Saturday, September 01, 2007

Trí thức Việt

Đọc trong God Delusion, có đoạn Richard Dawkins giải thích tại sao ông ta không bao giờ chấp nhận tranh luận bàn tròn với những người ủng hộ thuyết “Intelligent Design”, Dawkins dẫn lời một nhà khoa học tên tuổi khác “It’ll look good in their CVs, not good in my CV”. Khi đọc câu này không khỏi liên tưởng tới chuyện về cuộc tranh luận giữa Trần Đức Thảo với Sartre khi ông Thảo còn ở Pháp. Câu chuyện đó dần trở thành một huyền thoại lung linh nhất về Trần Đức Thảo, dường như ngụ ý là ông Thảo là một đối thủ tầm cỡ tương đương hay ít ra cũng không kém cạnh là bao so với Sartre, một trong vài nhà triết học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Và tất cả mọi người đều đề cao chuyện này vì những lý do khác nhau. Một số người lấy làm tự hào vì một tài năng như thế cũng theo về với cách mạng, một số khác thì lại nuối tiếc vì một tài năng như thế mà cuối cùng cũng mai một đi chỉ vì không ở lại Paris mà về với cách mạng. Chỉ có điều nội dung cuộc tranh luận thế nào, lý lẽ của hai bên ra sao thì lại ít ai quan tâm tới, kể cả những người viết về tiểu sử ông Thảo. Chỉ cần tranh luận với Sartre thế là đã vĩ đại. Câu chuyện này khiến tôi nhớ tới một bài trên blog của ai đó về chuyện các ông Tây nổi tiếng đi dự hội thảo ở Việt Nam thế nào cũng bị nhiều bác Việt Nam đặt các câu hỏi vặn vẹo. Câu hỏi gì cũng được, ngớ ngẩn cũng được, miễn là đặt câu hỏi, mà càng ngớ ngẩn và lạc đề thì người phải trả lời lại càng bối rối và người hỏi sẽ ngấm ngầm sung sướng rằng mình đã bắt bẻ, tranh luận với cái gã nổi danh kia, khiến hắn phải đờ ra không trả lời được. Đấy, chứng tỏ nó cũng thường thôi. Xem ra việc này cũng không khác hành vi của một số du khách khắc tên mình lên những di tích họ tham quan để chứng tỏ họ đã từng tới chỗ đó. Nhớ trước năm 75, Lý Huỳnh ở miền Nam cũng từng thách Lý Tiểu Long thượng đài.


Ở đây, tôi không có ý nói Trần Đức Thảo không phải là một trí thức lớn, ít ra so với mặt bằng Việt Nam. Có thể ông là một nhà tư tưởng lớn, hay một nhà tư tưởng lẽ ra có thể lớn. Ông là một trong số rất ít người Việt có quan điểm, luận thuyết riêng về triết học hiện đại chứ không phải chỉ diễn giải tư tưởng của người khác (có thể là người duy nhất tính tới giờ?). Ông tốt nghiệp một trường danh tiếng ở Pháp và hình như là người Việt đầu tiên có bằng Thạc sĩ Triết học. Bản thân điều này cũng không có nhiều ý nghĩa ngoài việc nó gợi ra những tiềm năng có thể được thực hiện. Thế nhưng, nếu đọc các bài viết về ông sẽ chẳng thể thấy các phân tích về tư tưởng của ông mà tất cả chỉ quay quanh vài chuyện có tính giai thoại về cuộc đời: 1. ông từng tranh luận với Sartre; 2. ông bị đàn áp tư tưởng sau vụ Nhân văn giai phẩm (lý do ra sao thì cũng không nói rõ) và cuối đời trở nên lẩn thẩn và chết trong cảnh xa quê (sau khi chết còn khốn khổ cả tháng để chờ trung ương phê chuẩn cho vào Mai Dịch hay không).

Nghĩ cũng buồn cười. Tất cả cuộc đời về sau của Trần Đức Thảo trở nên không quan trọng, chỉ cần ông đối đáp với Sartre là ông đã được coi ở đỉnh cao của sự nghiệp rồi, và sau đó ông làm gì, viết gì thì cũng là đi xuống. Rõ là việc đó làm CV của ông trở nên đẹp hơn nhiều (không có nghĩa đây là dụng ý của ông Thảo). Còn trong CV của Sartre thì tất nhiên cái việc đối đáp với Trần Đức Thảo sẽ chẳng bao giờ được nhắc tới. Phải chăng cái việc người ta cảm thấy thích thú với câu chuyện Trần Đức Thảo tranh luận với Sartre ấy thể hiện tâm lý nhược tiểu, mặc cảm của chúng ta? Nó nối tiếp những truyền thuyết về các câu đối đáp của Trạng Quỳnh, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn…với sứ Tàu (mà tại sao trong các chuyện đó không bao giờ người Việt là người ra câu đối?).

Hay câu chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người Việt Nam có 2 bằng tiến sĩ Pháp ở tuổi 27 cũng thế. Người ta trầm trồ ca tụng ông Tường về việc ông có 2 bằng tiến sĩ khi tuổi còn trẻ. Nhưng những đóng góp của ông sau đó thì ít khi được quan tâm, mà thực ra các đóng góp này rất quan trọng. Nếu đọc các bài viết của ông Tường trước và trong giai đoạn Nhân văn giai phẩm về nhà nước pháp quyền thì có thể thấy tư duy sâu sắc, đi trước thời đại và sự dũng cảm trí thức của ông thế nào. Cái giá phải trả của ông Tường không phải là tù đày như Nguyễn Hữu Đang, bôi nhọ như Phan Khôi, mà là bị ngồi không, không được in cái gì cho tới khi qua đời. Những đóng góp tri thức ấy, chứ không phải việc ông Tường giỏi thế nào khi có hai bằng tiến sĩ, mới thực sự là thứ đáng để ca ngợi và học tập.

Liên quan tới vấn đề tư tưởng, đọc thêm bài này: It’s true. Asian can’t think

No comments: