1. Làm thế nào để không nghiện blog? Không đọc báo và không đọc blog của các bạn (thực ra cũng vẫn đọc nhưng chỉ giới hạn một ít bạn bè quen biết), tránh các tranh cãi thị phi không cần thiết, buổi tối nằm đọc sách hay xem giải U.S. Open và South Park (my favorite T.V. show now) thú vị và bổ ích hơn.
2. Trên blog Le đang có entry về Nguyễn Huy Thiệp. Lâu rồi không đọc lại Thiệp, cũng muốn đọc lại nhưng sách in thì không có còn đọc trên mạng thì không thích. Kể ra trong các nhà văn Việt Nam thì hình như Thiệp là nhà văn duy nhất có tư tưởng, có một triết lý ngầm trong các sáng tác của ông (Đời đen bạc lắm. Rượu thì cay đắng. Thôi thì thôi nhé. Tôi thì hoang vắng).
Có nhiều người viết văn hay và tương đối hay, trước và cùng thời với ông Thiệp có thể kể đến Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Lê Lựu, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà…nhưng hầu hết đều không có tư tưởng và triết lý trong đó. Tất nhiên nhà văn không nhất thiết cần có tư tưởng, cái quan trọng là phong cách. Trong các nhà văn gần gần đây thì có Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nguyên Phước là có phong cách tương đối rõ ràng. Một điểm nữa trong văn Nguyễn Huy Thiệp là chất thơ, văn Nguyễn Huy Thiệp vừa khốc liệt, thâm trầm vừa có chất thơ bảng lảng, hoang vắng, cô đơn. Văn Việt Nam nói chung ít có chất thơ. Có một ít trong văn của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh, Dương Thu Hương (trong vài truyện ngắn, không ở tiểu thuyết) và chắc là vài tác giả khác. Gần đây có Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phương.
3. Đọc “Im lặng hố thẳm” của Phạm Công Thiện mà bác 5xu khen, chẳng hiểu ông này nói cái gì. Có vẻ hơi bị ngộ chữ do chữa bệnh theo phương pháp Đông Tây y kết hợp. Phục ông này ở chỗ giỏi ngoại ngữ, 25-26 tuổi mà thông thạo 4-5 thứ tiếng.
Đọc bài bác này thấy có nói là Rimbaud viết “Cuộc đời thực sự vắng mặt”. Không rõ có phải câu này là nguyên cớ cho tên tiểu thuyết của Kundera “Life is elsewhere”? Không nhớ là trong cuốn đó, Kundera có nhắc tới câu thơ trên không.
4. Trên blog bác VMC thấy mọi người đang tranh luận về Hà Nội. Thực ra Hà Nội có duy nhất hai thứ đẹp là mùa thu và hồ (kể ra nếu nhân nhượng thì cũng còn một số phố đẹp ở khu trung tâm khi vắng người. Mà giờ cũng không chắc lắm về mùa thu vì lâu rồi cũng không nhớ mùa thu Hà Nội thế nào cả).
Cách sống của Hà Nội hẳn sẽ rất khác nếu không có mùa thu hay không có hồ. Nếu không có hồ thì bạn muốn sống chậm cũng khó. Làm sao có được cái thú nhàn tản uống một ly café (à ở Hà Nội thì phải gọi là tách nhỉ) ngồi nhìn mặt hồ sóng sánh nước. Nếu không có mùa thu? Sẽ bớt đi nhiều bài hát, bài thơ “sến” trong kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà.
Nhiều người cứ kêu là Hà Nội ngày càng tệ đi và không còn đẹp như xưa. Đúng là Hà Nội ngày càng đông, chật, bụi. Nhưng những gì mà Hà Nội đẹp khi xưa thì giờ vẫn đẹp đấy chứ. Vẫn quyến rũ và có duyên ngầm. Còn sự thanh lịch của người Hà Nội? Tôi nghĩ nó gần với một huyền thoại thì đúng hơn. Bản thân tôi không phải người Hà Nội gốc và tới thời tôi lớn lên thì xung quanh cũng rất hiếm người Hà Nội gốc rồi. Nên cũng chẳng biết lấy gì mà so sánh.
Phan Thị Vàng Anh có mấy câu thơ rất hay về Hà Nội:
“Chúng ta - hai vốc cát Quảng Trị
Hai ly trà đá Sài Gòn
Hai cái đầu tưởng lạnh như băng
Vào một ngày rất bình thường
Bị làn gió nhẹ góc hồ Gươm
thổi cho
xiêu vẹo.”
Như thấy được sự rung rinh của những rặng liễu ven hồ, làn nước sóng sánh và sự rùng mình của hai người khi chợt nhận ra là họ đã và đang phải lòng nhau, trong sự miên man trễ nải của thời gian, ở một nơi vừa cổ xưa, cũ kỹ, vừa không có tuổi.
Hà Nội đẹp chính là ở những lúc như thế.
5. Firefox dạo này chuối quá. Tải Net rất chậm và nặng.
No comments:
Post a Comment