Mở rộng tiếp vấn đề Hà Nội- Sài Gòn. Tại sao trên Net hay cả ở bên ngoài, rất dễ gặp các ý kiến người Sài Gòn chê người Hà Nội trong khi ngược lại, hầu như không thấy người Hà Nội chê người Sài Gòn. Tôi nghĩ vấn đề ở đây cũng do văn hóa, người Hà Nội thường politically correct khi phát biểu hơn là người Sài Gòn. Và tuy conservative hơn Sài Gòn về mặt quan điểm nhưng người Hà Nội lại có thói quen tránh bất đồng vì lý do “tế nhị” nên nếu chê người Sài Gòn thì thường là chỉ khi người Hà Nội nói chuyện với nhau, chứ hiếm khi lại chê công khai trước mặt người Sài Gòn. Một ví dụ, khi nói chuyện giữa người Bắc và người Nam, nhiều bạn người Nam chê không tiếc lời người Hà Nội hay người Bắc mà không quan tâm tới việc người đối thoại cũng là người Hà Nội sẽ có cảm giác thế nào. Theo quan điểm của người Hà Nội thì như thế là bất lịch sự hay thiếu tế nhị, nhất là nếu chưa thực sự thân thiết nhau. Trong các trường hợp tương tự, hiếm khi người Hà Nội lên tiếng chê người miền Nam trong khi nói chuyện với một người bạn miền Nam. Ngay cả nếu không thực sự bằng lòng, họ cũng sẽ né tránh hoặc sẽ trả lời bằng những câu chung chung, theo các quy mẫu có sẵn, chứ không phản ứng tức thời kiểu “Tớ thấy người Sài Gòn rất thô lỗ, tất nhiên không phải tất cả…”. Nếu bạn nghĩ thái độ đó là không thành thực hay là nghĩ thế này, nói thế khác thì hãy thử đặt vào trường hợp một người ngoại quốc nói với bạn là “I think Vietnamese suck. They’re rude and mean...” Cũng có thể cá nhân bạn sẽ không tự ái trước một câu nói như thế nhưng sẽ có rất nhiều người khác cảm thấy tự ái hay bị xúc phạm.
Hơn nữa, trong các stereotype về bản thân và về các nhóm khác, có một cái phổ biến là thái độ trịnh thượng elitist của nhiều người Hà Nội khi nhìn về dân cư ở các vùng khác. Trong thái độ trịnh thượng này, người Việt Nam được chia thành hai nhóm chính: người Hà Nội và người các nơi khác không phải Hà Nội. Thái độ kỳ thị khi ngầm khi lộ này không chỉ với người miền Nam mà cả với các nơi khác ở miền Bắc. Những người xuất thân ở các tỉnh khác đều bị coi là nhà quê trong mắt người Hà Nội, chỉ có Nam Định và Hải Phòng thì không bị coi là nhà quê mà là nửa tỉnh nửa quê. Rất nhiều người Hà Nội ưa thích việc chế giễu accent của người Nam Định, Hải Phòng hay Thanh Hóa một cách công khai dù có khi đời bố mẹ của họ cũng là từ các nơi này. Với người miền Nam hay cụ thể hơn là người Sài Gòn, người Hà Nội nhìn một cách vừa hơi trịch thượng vừa hơi ghen tị, gần với cách nhìn của một nhà quý tộc bần cùng trước một nhà tư sản mới nổi. Người Sài Gòn được coi thuộc về một xứ sở khác, tuy chung tiếng nói nhưng đã khác biệt quá nhiều về văn hóa. Trong mắt người Hà Nội, người Sài Gòn thẳng tính, bộc trực và có thể giàu có, nhưng lại bị coi là kém cỏi hơn về mặt văn hóa. Do vậy trong cách đối xử của người Hà Nội với người Sài Gòn thường có một cái gì đó hơi trịch thượng mà chắc chắn là nhiều người Sài Gòn cũng tự cảm thấy, và tôi nghĩ chính việc này mới là lý do khiến nhiều người Sài Gòn bất mãn hơn cả với Hà Nội.
Thái độ tiêu cực của nhiều người Sài Gòn với người Hà Nội xuất phát từ điểm này, từ sự khó chịu do bị coi là thấp kém hơn người Hà Nội. Và với cảm giác bị cho là thấp kém hơn, nhiều người Sài Gòn trả đũa bằng cách liệt kê tất cả những gì họ thấy Hà Nội kém hơn Sài Gòn, để chứng minh là Hà Nội rất tệ và người Hà Nội thì không những không sâu sắc mà chỉ hời hợt, kiêu căng và “tinh vi”. Đó không phải là thái độ hay nhưng lại là thái độ phản ứng rất phổ biến của người Việt (cả người Nam lẫn người Bắc).
Đó cũng là lý do có nhiều người Nam ghét người Bắc ở một mức độ đáng ngạc nhiên và khó lý giải về lý trí (tất nhiên còn có cả lý do chính trị nữa nhưng tạm bỏ nó ra). Trong khi rất hiếm người Bắc ghét người Nam một cách thực sự (nhưng lại hay coi thường).
Mà thôi, nói chuyện chủ nghĩa vùng miền này thì vô cùng, gần đây Taylor, giáo sư sử học ở Cornell còn bảo là Việt Nam làm gì có chủ nghĩa dân tộc, chỉ có chủ nghĩa vùng miền thôi. Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán thực ra là để giải quyết mâu thuẫn giữa dân Thanh Nghệ (Hoan Ái) với dân Bắc Bộ (Giao Châu). Hay Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh cũng chủ yếu là xung đột giữa dân Thanh Nghệ với dân Bắc Bộ. Hay vụ án Lệ Chi Viên và cái chết của Nguyễn Trãi cũng là do đấu đá nội bộ của dân Thanh Hóa với dân đồng bằng châu thổ sông Hồng (gần hơn thì có chuyện bác Phiêu nhỉ ).
Tóm lại, trong không khí cả nước nô nức lập thành tích chào mừng Việt Nam được kết nạp làm thành viên Tổ chức Thương mại thế giới và kỷ nguyên thời đại thế giới phẳng và thế giới không dây, chúng ta nên vượt qua các ấn tượng không hay về vùng miền, những sản phẩm của nền văn hóa nông nghiệp khép kín. It sucks, though sometimes it’s quite fun to ridicule “the others”.
No comments:
Post a Comment