The Best of Youth - bộ phim của Ý dài 6 tiếng về một gia đình Italia, trong đó chủ yếu về hai anh em trai Nicola và Matteo, trong gần 40 năm từ những năm 1960 với phong trào counter-culture tới những năm 2000, khi mà nước Ý đã thực sự trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển và là thành viên của EU. Hai anh em, Nicola và Matteo, mỗi người một tính. Nicola đôn hậu, ấm áp. Matteo ít nói, khắc kỷ, khó hiểu và nhiều mâu thuẫn nhưng cũng giàu tình cảm. Matteo quả thực là một nhân vật khó hiểu, sau khi xem xong mình vẫn chưa thực sự hiểu tại sao anh ta lại hành động như thế.
Khi review phim này, Roger Elbert có nói là nếu với hầu hết các phim khác với độ dài dưới 2 tiếng, người xem có cảm giác như đọc một truyện ngắn thì với “The Best of Youth”, bạn sẽ có cảm giác như đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Bạn làm quen với các nhân vật chính, những người bạn, người yêu và gia đình của họ, theo dõi họ lớn lên, gặp gỡ, yêu nhau, chia tay nhau, sống và đôi khi là cả chết, và buồn vui với họ. Bộ phim có rất nhiều tính nhân văn và nhiều đoạn rất cảm động (rớt nước mắt). Và mặc dù dài 6 tiếng nhưng bộ phim được xử lý rất nhuyễn, rất kỹ càng từng chi tiết và gần như không có chỗ nào là đạo diễn tỏ ra đuối. Một thành công quan trọng của bộ phim còn là ở chỗ xây dựng nhân vật, gần như không thể đoán được các nhân vật sẽ làm gì trong những quyết định quan trọng của cuộc đời họ. Nhưng những quyết định đó của họ lại làm bạn hiểu hơn về tính cách của họ.
Cũng như nhiều bộ phim của Ý khác, The Best of Youth là bộ phim có tính lạc quan, với niềm tin tưởng vào tình người, tình yêu, tình cảm gia đình bè bạn và vào tiến bộ xã hội là thứ sẽ được xây dựng dần dần nếu mỗi người đều cố gắng sống tử tế hơn.
Hình ảnh nước Ý những năm 60 có gì đó gần với Việt Nam bây giờ. Có một cảnh trong phim khi Nicola trả lời thi vấn đáp, ông giáo sư nói với anh ta “Cậu có tham vọng không? Nếu có thì hãy rời khỏi Italy. Hãy tới London, Paris, tới Mỹ nếu có thể. Italy là một đất nước đẹp. Nhưng đó là miền đất chết, chỉ có những con khủng long là còn sống ở đó”. Nicola cười, hỏi lại giáo sư: “Thế tại sao ông không ra đi”. Giáo sư trả lời “Vì tôi là một trong số những con khủng long đó”.
Nicola cũng từng ra đi, anh đến Na-uy, sống cuộc đời của một hippie, để râu và tự do yêu đương “Like a Rolling Stone” như tên một bài hát của Bob Dylan. Anh rất hạnh phúc, như trong bưu thiếp anh gửi về cho gia đình “Tất cả đều rất tuyệt” với ba dấu chấm than ở cuối. Nhưng khi nghe tin ở Florence xảy ra trận lụt lớn, anh đã trở lại Ý, gặp gỡ tình yêu của mình và sống tại quê hương. Bạn thân và là em rể của Nicola cũng ở lại Ý dù bị nhóm khủng bố cánh tả Lữ đoàn đỏ đe dọa tính mạng do làm việc ở Ngân hàng Trung ương Italia. Lý do anh ta đưa ra là “Nếu chúng ta đều ra đi thì bọn chúng sẽ thắng”.
Và nước Ý đã đi qua các giai đoạn như thế, phong trào 68, khủng bố cánh tả, tham nhũng, hối lộ, hoành hành của Mafia…để rồi từng bước trở nên thịnh vượng và đẹp đẽ hơn nhờ những người sống trung thực và có danh dự như thế. Khi cô con gái của Nicola băn khoăn không biết có nên gặp lại mẹ cô, người đã bỏ rơi con gái từ năm nó 4 tuổi để đi theo cách mạng, vì lý tưởng Cộng sản và vô chính phủ, trở thành thành viên tổ chức khủng bố cánh tả khét tiếng Lữ đoàn đỏ, Nicola nói với cô: “Con có hạnh phúc không? Nếu có thì con cần rộng lượng” Câu này cũng có thể hiểu như “Nếu con muốn có hạnh phúc thì con nên rộng lượng”. Cả cuộc đời của Giulia, mẹ cô đã phải trả giá chính vì sự không rộng lượng của mình.
Tất nhiên không phải ai cũng như Nicola. Giulia, người có con chung với Nicola, và Matteo, em
trai của Nicola là mặt đối lập. Ở cả hai người này đều có sự giận dữ không rõ nguyên cơ, vừa chán ghét vừa bị hấp dẫn bởi các giá trị trung lưu mà Nicola là người đại diện. Cả hai đều yêu Nicola và họ cũng là hai người mà anh yêu nhất, nhưng cuối cùng đều rời bỏ anh, đều chọn con đường phá hủy để giải tỏa sự giận dữ và cô đơn của mình. Matteo chọn sách (mà theo lời bạn gái anh nói là vì anh có thể đóng nó lại bất cứ khi nào anh muốn), chọn công việc cảnh sát (vì chỉ phải làm theo mệnh lệnh), chọn các cô gái điếm thay vì những mối quan hệ lâu dài, và cuối cùng, chọn cái chết. Giulia thì chọn con đường hoạt động khủng bố và phá hoại. Những kết cục buồn của những con người từng có một tuổi trẻ rất đẹp. All the lonely people, where do they come from (The Beatles).
Cuối phim là hình ảnh con trai của Matteo cùng với người yêu tìm tới Cape North nơi Nicola và Matteo mơ ước tới khi còn nhỏ nhưng đã không thể đến. Anh gửi bưu thiếp về cho Nicola “Thật hạnh phúc khi được làm chung việc gì đó với người mình yêu. Cháu đã tới Nauy như bác kể. Bác nói đúng. Tất cả đều rất tuyệt”.
No comments:
Post a Comment