1. Về các xếp hạng Đại học toàn cầu
Trong xếp hạng 500 trường Đại học mới nhất của trường Đại học Jiao Tong Thượng Hải năm 2007 thì có 188 trường ở Bắc Mỹ (166 ở Mỹ và 22 ở Canada), 208 trường ở châu Âu trong đó UK là 42, Đức 41, Pháp 23, Italy 20.
Châu Á có 100 trường trong đó Nhật Bản 33, Australia 17, Trung Quốc 14 (không kể Hongkong và Đài Loan), Hàn Quốc 8, Israel 7.
Số còn lại là 9 trường ở Nam Mỹ và 5 trường ở châu Phi (trong đó Nam Phi 4 và Ai Cập 1). Không có trường nào của Việt Nam lọt vào Top 500 Đại học này.
Trong Top 20 thì có 17 trường của Mỹ, 2 trường của Anh và 1 trường của Nhật.
Trong Top 100 có 54 trường của Mỹ, 34 trường của châu Âu, châu Á kể cả Úc có 9 trường (6 Nhật, 2 Úc, 1 Israel).
Nếu căn cứ theo tỷ lệ trên Top 100 thì thứ tự các quốc gia đứng đầu là Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Canada và Thụy Điển.
Xếp hạng của Jiao Tong dựa trên các nhân tố chính là chất lượng giáo dục (căn cứ vào số cựu học sinh đọat giải Nobel và Field), chất lượng giảng viên (theo số citations và giải Nobel giải Field), kết quả nghiên cứu (căn cứ vào các chỉ số citations) và lấy trọng số theo quy mô của đơn vị đào tạo. Cách tính của Jiao Tong nói chung sẽ nghiêng về phía các trung tâm đào tạo đỉnh cao, nhất là các trường của Mỹ và Anh vì những nhà khoa học xuất sắc đầu ngành hầu hết đều ở các nơi này. Do đó, trong 100 trường thì có 54 trường ở Mỹ và 11 trường ở Anh.
Một xếp hạng khác là xếp hạng 200 trường của Tạp chí Times (Anh). Xếp hạng của Times dựa theo 4 tiêu chí là chất lượng nghiên cứu, việc làm sau khi ra trường, tầm nhìn quốc tế và chất lượng giảng dạy. Trong xếp hạng này thì Mỹ và Anh vẫn đứng đầu về chất lượng giáo dục đại học, nhưng so với xếp hạng của Jiao Tong thì theo xếp hạng của Times, các trường Đại học của Anh được xếp hạng cao hơn với ba vị trí trong mười trường dẫn đầu (7 còn lại là của Mỹ). Nói chung theo ranking này thì nước Mỹ không còn chiếm vị trí áp đảo nữa. Trong 200 trường đứng đầu thì chỉ có 55 trường của Mỹ. Trong các nước còn lại, Anh có 29 trường, Đức 10, Pháp 10, Canada 7, Nhật 11, Úc 13, Thụy Sĩ 7, Trung Quốc 6, Bỉ 6. Đáng chú ý trong bảng xếp hạng này là thứ hạng rất cao của hai trường Đại học Trung Quốc là Bắc Kinh (14) và Thanh Hoa (28). Trong bảng xếp hạng của Jiao Tong thì hai trường này chỉ trong khoảng 150-200.
Xếp hạng của tạp chí Newsweek dựa cả vào hai xếp hạng của Times và Jiao Tong, với 50% căn cứ vào các chỉ tiêu của Jiao Tong và 40% căn cứ vào các chỉ tiêu của Times thêm vào đó là 10% dựa vào số tài liệu trong thư viện. Kết quả là một sự compromise của hai xếp hạng nói trên. Trong 20 trường dẫn đầu thì có 15 trường của Mỹ, 3 của Anh, 1 của Nhật và 1 của Canada. Trong 100 trường đứng đầu không có trường nào của Trung Quốc (không kể Hongkong) hay các nước đang phát triển.
Cuối cùng là xếp hạng của Cybermatrics Labs của Hộ Đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha. Với quan điểm đề cao vai trò của mạng Internet như công cụ phổ biến thông tin cho nghiên cứu khoa học, xếp hạng này dựa vào các tiêu chí trên Internet của các trường Đại học có trang chủ trên mạng.
Các chỉ tiêu được lấy làm cơ sở gồm có Quy mô bao gồm số trang thu thập từ các công cụ tìm kiếm chủ yếu; Tiếp cận căn cứ vào số liên kết ngoài tới trang web của trường đại học đó, Phong phú căn cứ vào các dữ liệu dạng tài liệu từ các trang web đó và Học thuật căn cứ vào chỉ số từ Google Scholar. Như vậy xếp hạng này sẽ ưu tiên cho các trường Đại học có trang web tốt, nhiều thông tin và cũng ưu tiên cho các nước phát triển hơn các nước đang phát triển.Cũng có thể thấy rằng xếp hạng này sẽ có xu hướng ưu tiên cho các trường đại học nói tiếng Anh vì tiếng Anh hiện là ngôn ngữ phổ biến nhất trên Internet. Dữ liệu của Cybermatrics Lab hiện nay là lớn nhất, với xếp hạng lên tới 4000 trường Đại học trên toàn thế giới.
Xếp hạng của Cybermatrics cho thấy các trường Đại học Mỹ vẫn là các trường đi đầu trong việc sử dụng Web cho công việc học tập, trao đổi và nghiên cứu khoa học. Tất cả 20 trường đứng đầu đều là từ Mỹ. Trong 50 trường đứng đầu chỉ có 8 trường ở các nước khác (Canada và châu Âu). Đại học Tokyo, trường đứng đầu châu Á, đứng ở vị trí 59 và là một trong hai trường của châu Á có mặt trong Top 100 (cùng với Đại học Quốc gia Đài Loan). Trong Top 200 thì có 123 trường của Bắc Mỹ, 63 trường của châu Âu, 6 trường của châu Đại Dương và 5 của châu Á. Trung Quốc có 1 trường trong Top 200 và 5 trong Top 500.
Đáng chú ý là bảng xếp hạng này là bảng duy nhất có mặt các trường Đại học của Việt Nam. Có 71 trường Đại học Việt Nam có trang web được đưa vào cơ sở dữ liệu để tính toán (trong tổng số khoảng 12.000 trường Đại học trên toàn cầu). Trong đó có 10 trường cuả Việt Nam lọt được vào trong số 5000 trường. Trong 10 trường thì chỉ có 2 trường phía Bắc (Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội), 1 trường của miền Trung là Đại học Đà Nẵng, 1 trường ở Đồng bằng sông Cửu Long là Đại học Cần Thơ còn lại 6 trường trong thành phố Hồ Chí Minh. Có một trường Đại học Dân lập trong số này là Đại học Dân lập Kỹ thuật và Công nghệ TP HCM
Thứ tự toàn cầu | Thứ tự trong nước | Tên trường | Quy mô | Tiếp cận | Phong phú | Học thuật |
1920 | 1 | Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM | 2,403 | 1,887 | 1,597 | 3,433 |
2190 | 2 | Đại học Bách khoa TP HCM | 3,346 | 2,813 | 981 | 816 |
2532 | 3 | Đại học Cần Thơ | 2,840 | 3,565 | 1,198 | 1,686 |
2850 | 4 | Đại học Quốc gia Việt Nam | 3,598 | 3,228 | 2,421 | 2,859 |
3156 | 5 | Đại học Bách khoa Hà Nội | 6,013 | 1,665 | 4,287 | 4,941 |
4217 | 6 | Đại học Dân lập Kỹ thuật và Công nghệ TP HCM | 3,547 | 4,633 | 5,812 | 4,274 |
4462 | 7 | Đại học Quốc gia TP HCM | 5,923 | 3,648 | 3,973 | 7,100 |
4665 | 8 | Đại học Đà Nẵng | 5,694 | 4,449 | 2,671 | 7,100 |
4686 | 9 | Đại học Nông Lâm | 6,343 | 5,077 | 3,544 | 2,561 |
4718 | 10 | Đại học Kinh tế TP HCM | 4,533 | 5,464 | 2,294 | 6,087 |
Nhìn vào các bảng xếp hạng các trường Đại học có thể thấy vị thế của các trường Đại học ở Việt Nam như thế nào. Chúng ta không có trường nào trong tất cả các Top 500 của thế giới. Cũng không có trường nào của Việt Nam hay Top 100 của châu Á dù là theo xếp hạng của Jiao Tong, Times hay New Week. Với thực trạng như thế thì mục tiêu đạt 450 sinh viên/1 vạn dân để tương đương với các nước phát triển từ tỷ lệ hiện nay là 170 sinh viên/1 vạn dân (thông tin trên báo CAND) liệu có thực tế hay không? Xét trên một khía cạnh khác thì liệu đó có phải là việc chạy theo số lượng mà không chú ý tới chất lương không?
Trong thế kỷ 21, việc gia tăng chất lượng nguồn nhân lực là rất cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và vững chắc. Nhưng việc gia tăng chất lượng nhân lực không nhất thiết đồng nghĩa với mở rộng Đại học một cách đại trà mà ít quan tâm tới nâng cao chất lượng.
2. Chương trình đào tạo 20.000 Tiến sĩ cho tới 2020.
Bài báo này trên CAND phê phán bài của ông Nguyễn Trung cũng có khá nhiều vấn đề (tại sao đăng ở báo CAND, bài đăng dùng bút danh và không ghi tác giả làm gì, phê phán Nguyễn Trung nhưng lại không nêu đích danh…). Nhưng bài báo đó cũng cung cấp thêm một số thông tin và số liệu cần thiết.
Theo bài báo, Bộ Giáo dục dự kiến sẽ đào tạo 20.000 tiến sĩ cho tới năm 2020 trong đó có 10.000 tiến sĩ là đào tạo nước ngoài và 10.000 là trong nước. Số lượng tiến sĩ hiện tại trong nước chỉ là 7500 người. Chưa rõ trong kế hoạch của Bộ Giáo dục có các con số cụ thể về số lượng tiến sĩ được gửi đi đào tạo và số dự kiến sẽ trở về mỗi năm theo lộ trình cho tới năm 2020 không? (có thể có các con số này nhưng tôi không được biết). Cứ giả thiết là chia đều tức là trong 12 năm, mỗi năm cần đào tạo chừng 1600 tiến sĩ, trong đó khoảng một nửa là đào tạo trong nước. Nhưng hiện nay cả nước chỉ có chừng hơn 7000 tiến sĩ và không phải là ai cũng làm trong ngành giáo dục, tôi nghỉ chỉ chừng một nửa tức là khoảng 4000 là cùng (ai có số liệu thì có thể cho biết chính xác hơn).
Vào những năm đầu tiên của đề án này chúng ta sẽ phải cứ mỗi năm cho ra ít nhất 7-800 tiến sĩ trong nước từ một nguồn lực vẻn vẹn hơn 7000 tiến sĩ, một tỷ lệ có thể nói là đòi hỏi các tiến sĩ hiện tại phải chạy xô may ra mới đáp ứng kịp. Hơn nữa, tất cả các trung tâm đào tạo ở Việt Nam hiện nay đều có chất lượng thấp so với quốc tế và khu vực. Với các trường Đại học Top 5000 thì chất lượng giữa các tiến sĩ trong nước và nước ngoài hẳn là còn rất xa- đấy là trên cơ sở các tiến sĩ trong nước được đào tạo nghiêm túc chứ không phải mua bằng hay thuê người làm hộ luận án (trên các trang rao vặt trong nước đã có những rao vặt làm thuê tới luận án Tiến sĩ).
Còn với đào tạo ở nước ngoài, việc mỗi năm gửi 8-900 sinh viên sang nước ngoài học Tiến sĩ là việc có thể làm được và cần thiết phải làm. Nhưng ngay cả việc này cũng là vấn đề vì cần có những cơ chế ràng buộc những người đi học phải trở về nước. Sự ràng buộc này chỉ có thể có với những người đi theo học bổng Nhà nước hay các dạng học bổng như VEF hay AUSAID. Với những người đi theo các nguồn khác, cần tính tới khả năng họ ở lại nước ngoài lâu dài hay ngắn
hạn sau khi tốt nghiệp. Nói chung cứ nói vo này thì khó vì không có số liệu cụ thể về các ước tính của Bộ Giáo dục nhưng nếu cứ đà như hiện nay thì để có thể có thêm 20.000 tiến sĩ trong 12 năm nữa là một việc khó. Bộ Giáo dục cần có những đánh giá cụ thể hơn chứ không thể cứ lấy Nghị quyết ra làm kim chỉ nam.