Friday, August 31, 2007

Entry for August 31, 2007

Mãi gần đây tình cờ đọc một bài báo trên Vnexpress tớ mới biết là có rất nhiều trẻ con hay có một người bạn tưởng tượng. Một ví dụ của bạn tưởng tượng là trong phim Chocolate, cô bé con trong phim (chắc khoảng 8-9 tuổi) có một người bạn tưởng tượng. Theo các nhà nghiên cứu thì có khoảng 30-60% trẻ em có bạn tưởng tượng, ở lứa tuổi từ 3-10, sau đó người bạn tưởng tượng này dần mất đi khi trẻ con lớn nhưng vẫn có nhiều người có bạn tưởng tượng kể cả khi đã lớn. Tỷ lệ này cũng cao hơn ở những đứa trẻ là con một hay con đầu, và trong các trường hợp trẻ con căng thẳng, cô đơn hay chịu nhiều sức ép.


Chuyện cũng lạ bởi vì từ bé tớ chưa bao giờ có bạn tưởng tượng, cũng không nghe thấy mọi người quanh mình nhắc tới bạn tưởng tượng bao giờ, ai ngờ tỷ lệ này lại lớn thế. Hồi đó trí tưởng tượng của mình được thể hiện bằng cách mình tưởng tượng là một ai đó và tự đối thoại với bản thân mình chứ không phải với một người bạn tưởng tượng.


Hơi tò mò về người bạn tưởng tượng của trẻ con, không biết mọi người ở đây có từng có bạn tưởng tượng không? Có nhớ gì về người bạn đó không? Người bạn đó vô hình hay hữu hình, nếu có hình thì là người hay con vật, có tên hay không tên? Tần xuất gặp gỡ của bạn với người bạn đó thế nào? Và đến chừng bao nhiêu tuổi thì người bạn này không xuất hiện nữa?

Trong cuốn The God Delusion, Richard Dawkins đưa ra giả thuyết là các vị thần trong tôn giáo cũng có vai trò tương tự những người bạn tưởng tượng, để an ủi con người. Nói cách khác, tôn giáo cũng là một hiện tượng tâm lý học. Nhưng chỉ khác là những người bạn tưởng tượng của trẻ con sẽ biến mất khi đứa trẻ lớn lên còn tôn giáo thì vẫn còn sức sống- có thể do tính xã hội của nó chăng? Bởi vì tất cả mọi người sẽ thuyết phục những đứa trẻ khi chúng có thể nhận thức là người bạn tưởng tượng của chúng không tồn tại, trong khi đó với tôn giáo, sự tồn tại của các vị thánh thần được coi là nghiễm nhiên trong hầu hết các xã hội. Richard Dawkins lý giải sự tồn tại của tôn giáo như một thứ virus có khả năng lây lan trên cơ sở một đơn vị mã thông tin thích ứng văn hóa mà ông gọi là meme (tự nhiên nhớ tới The Matrix Revolution). Những người theo học thuyết meme dùng thuyết Darwin để giải thích các hiện tượng văn hóa hay xã hội mà theo đó, meme cũng tương ứng với gene, và cũng trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên và tiến hóa tương tự như tiến hóa sinh học thông qua biến thể, cạnh tranh và di truyền.

Cuốn God Delusion của Richard Dawkins, người được coi là trí thức vô thần nổi tiếng nhất hiện nay, tấn công tôn giáo và Thượng đế một cách kịch liệt. Richard Dawkins viết hay, rõ ràng, rành mạch, và thông minh. Điểm khiến sách của ông trở nên hấp dẫn là cách ông tấn công không dè dặt vào không chỉ các hình thái cực đoan của tôn giáo mà cả các đức tin tôn giáo nói chung. Nhưng các lập luận của ông không phải lúc nào cũng thuyết phục và công bằng. Dawkins tỏ ra yếu nhất khi tìm cách bác bỏ các luận điểm về sự tồn tại của Chúa, có thể do ông không thực sự hiểu triết học cho lắm. Còn với thần học thì ông cho là vô giá trị nên không thèm đọc. Dawkins là tín đồ trung thành của khoa học và thuyết Darwin tới mức nhiều người phê phán ông coi Dawkins cũng là một kẻ fundamental theo tôn giáo Darwin. Các lý giải về nguồn gốc tôn giáo của Dawkins tuy khá lý thú nhưng cũng không thuyết phục lắm. Trong các phê phán khác về các nhóm fundamental tôn giáo ở Trung Đông cũng như ở Mỹ (mà Dawkins gọi là American Taliban), yêu cầu về việc không được gọi là Catholic children mà phải là children of Catholic parents thì Dawkins tỏ ra thuyết phục hơn. Dawkins cũng tỏ ra dị ứng với những người theo chủ trương cultural relativism hay post-modernism, ví dụ ông phản đối gay gắt việc tòa án Mỹ chấp thuận không áp dụng luật giáo dục bắt buộc cho trẻ em tới cấp 3 với người Amish vì nó mâu thuẫn với tôn giáo và văn hóa của họ.


Cuốn sách của Dawkins tất nhiên gây ra các phản ứng dữ dội từ nhiều người. Dù gì thì đây cũng là ý kiến của một gương mặt trí thức vô thần lớn nhất từ sau Bertrand Russel (theo tạp chí Prospect thì Dawkins nằm trong số ba trí thức có ảnh hưởng nhất toàn cầu hiện nay- sau Noam Chomsky và Umberto Eco). Một trong những bài phê phán Dawkins nặng nề nhất là từ một trí thức Marxist, nhà lý luận văn học Terry Eagleton trên tờ London Review of Books.Terry Eagleton bảo Dawkins chẳng biết gì về thần học mà cũng viết về Thượng đế (một phê bình mà Dawkins cũng đã bẻ lại trong sách). Theo Eagleton, Dawkins là một đại biểu của cách tư duy chỉ tin vào những gì chạm được, nhìn thấy…

Một bài phê bình đáng đọc khác về Dawkins trên NYT. Một bài khác trên NY Review of Books.

Nói chung, đây là cuốn sách đáng đọc, nhất là với người Mỹ nơi mà theo Dawkins, 90% dân số vẫn tin vào một thế lực siêu nhiên nào đó, hơn 50% dân số tin vào Ngày Tận thế và hiện nhiều thế lực tôn giáo đang muốn đưa thuyết Sáng thế (creationism) vào giảng dạy trong nhà trường (một hành động không hẳn là cực đoan khi theo một poll thì có tới hơn 1/3 dân số Mỹ ủng hộ việc đưa thuyết sáng thế vào trường phổ thông, như là một khoa học hoặc như là một đức tin).

No comments: