Obama chọn Jason Furman, hiện đang làm ở viện Brookings, làm cố vấn kinh tế chính cho chiến dịch. Quyết định của ông bị một số công đoàn phản đối vì hai lý do: 1. Furman từng có một bài viết cho rằng Wall- Mart là một mô hình kinh doanh tốt; 2. Furman bị cho là có quan hệ mật thiết với cựu Bộ trưởng Tài chính thời Clinton là Rubin và chính sách kinh tế của Rubin (gọi là Rubinomics) bị một số người thuộc phái tả đảng Dân chủ cho rằng thiên về phía giới công ty.
Nhìn CV của bác Furman này thật hoành tráng: Mới 37 tuổi, tốt nghiệp PhD Kinh tế ở Harvard năm 2003, (có hai bằng Master ở Harvard và LSE), làm cố vấn kinh tế cao cấp cho chiến dịch của Gore năm 2000, cố vấn chính cho chiến dịch của Kerry năm 2004. Từng làm trợ lý kinh tế cho chính quyền Clinton, trợ lý cho Kinh tế trưởng World Bank là nhà kinh tế được giải Nobel Joe Stiglitz (viết chung bài về khủng hoảng kinh tế châu Á với Stiglitz từ năm 1998). Furman cũng từng đi dạy ở NYU, Columbia, Yale.
Việc chọn Furman cho thấy Obama là người tỉnh táo, có xu hướng centrist, sử dụng các chuyên gia kinh tế từng làm việc dưới chính quyền Clinton trước đây. Tuy nhiên việc này có thể gây mất lòng các cử tri Dân chủ ủng hộ Obama và ghét chính sách kinh tế -xã hội của nhà Clinton. Ngoài Furman, Obama còn có một cố vấn kinh tế quan trọng khác, người tình nguyện tư vấn không lương cho Obama từ khi ông này bắt đầu tranh cử Tổng thống: Đó là Austan Goolsbee, giáo sư khoa Kinh doanh trường Chicago (GSB Chicago). Về kinh tế học thì có thể nói trường Chicago còn nổi bật hơn trường Harvard trong chừng nửa thế kỷ gần đây, tuy các giáo sư Chicago ít tham chính hơn nhiều so với các giáo sư Harvard. Goolsbee cũng rất trẻ, ở tuổi 3x (tốt nghiệp Đại học năm 1991 và Ph.D. năm 1995), ngoài giảng dạy ở GSB Chicago còn tham gia làm columnist mục Kinh tế (Economic Scene) trên tờ New York Times. Cả Furman và Goolsbee đều có phần centrist (chiết trung?)
Còn John McCain chọn ai là cố vấn kinh tế chính? Đó là Phil Gramm, một ông già không thua McCain mấy tuổi (năm nay 66 tuổi), một chính trị gia chuyên nghiệp, từng là Nghị sĩ của cả hai đảng (ban đầu là Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ nhưng sau ông này trở cờ, chuyển sang đảng Cộng hòa và thành Hạ và Thượng nghị sĩ của Đảng này). Sau khi về hưu khỏi Thượng viện, ông này thành nhà lobby ăn lương của ngân hàng đầu tư UBS.
Phil Gramm có bằng PhD kinh tế ở trường Georgia (một trường tầm tầm, có lẽ chỉ trong Top 100) từ năm 1967, sau đó đi dạy ở trường Texas A&M từ năm 1967-1978. Nhưng từ năm 1978 tới nay thì Phil Gramm không làm gì liên quan tới giảng dạy, nghiên cứu kinh tế, cũng không tham gia tư vấn chính sách kinh tế. Có thể nói ông là một nhà chính trị, từng là giáo sư kinh tế 30 năm trước.
Phil Gramm cũng là người Texas như Tổng thống Bush nhưng ông này còn có những phát biểu "cao bồi" hơn cả Bush.
Một số câu nói được cho là của ông ta:
"Has anyone ever noticed that we live in the only country in the world where all the poor people are fat?"
"We're going to keep on building the party until we're hunting Democrats with dogs."
"I have as many guns as I need, but I don't have as many guns as I want."
Người Mỹ sẽ chọn một vị Tổng thống ở tuổi 4x, với các chuyên gia kinh tế 3x, hay một vị Tổng thống ở tuổi 7x với chuyên gia tuổi 6x?
Tất nhiên trẻ trung và thông minh không có nghĩa là các chính sách sẽ nhiều đúng đắn hơn. Nước Mỹ từng có một thế hệ các nhà kỹ trị tham chính được David Halberstam gọi là "The Best and the Brightest" (Tốt nhất và sáng dạ nhất). Đó là thế hệ của McNamara, anh em nhà Bundy, Rostow..., những nhà kỹ trị sáng giá dưới thời Tổng thống Johnson. Nhưng chính các vị "The Best and the Brightest" này đã đưa nước Mỹ sa lầy vào cuộc chiến tranh Việt Nam, với một sự tự tin thái quá, và tư duy máy móc (ví dụ: với background làm Thống kê, McNamara áp dụng khái niệm body count vào quân sự và lạc quan cho rằng Mỹ sắp thắng vì căn cứ vào tỷ lệ body count thì Cộng sản sắp sửa gục rồi).
Thursday, June 12, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment