Ngày xưa (1893) ông Gandhi ở Ấn Độ sang Nam Phi hành nghề luật sư sau khi tu nghiệp ở Anh. Ông mua vé tàu hạng nhất, nửa đường bị nhân viên đường sắt bắt phải xuống hạng 3 vì là người da màu, và người da màu ở Nam Phi không được đi toa hạng nhất. Ông nhất định không chịu chuyển toa cho đúng thứ bậc xã hội phân biệt chủng tộc này và đã bị thô bạo ném xuống ở ga gần nhất. Việc này trở thành bước ngoặt của cuộc đời ông, kể từ đó ông nguyện đấu tranh cả cuộc đời cho sự bình đẳng và chống phân biệt chủng tộc và bất công xã hội. Nhờ cuộc đấu tranh của ông mà nước Ấn Độ đã giành được độc lập của mình.
Ngày gần hơn (1955), cô Rosa Parks đi xe buýt ở bang Alabama, Mỹ và ngồi ở hàng ghế đầu dành riêng cho người da đen (tức là ở giữa xe, còn nửa trên dành riêng cho người da trắng theo luật Jim Crow). Khi hàng ghế của người da trắng đã kín, lái xe bus yêu cầu cô phải nhường chỗ cho người da trắng. Khi cô không chịu nhường, viên tài xế đã gọi cảnh sát đến bắt cô. Sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh đòi xóa bỏ việc tách riêng giữa người da đen và người da trắng, và quyền bình đẳng cho mọi màu da dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King. Phong trào đi đến thắng lợi và các luật Jim Crow ở một số bang miền Nam (luật này quy định người da đen phải đi học ở trường riêng, ngồi ở các khu vực riêng trên giao thông công cộng…) bị xóa bỏ. Ngày nay người Mỹ vẫn kỷ niệm sự kiện Rosa Parks như là điểm châm ngòi cho cuộc đấu tranh quyền dân sự (civil right). Trong đám tang của bà Rosa Parks năm 2005 có bà Rice, ngoại trưởng da đen đọc lời tưởng niệm. Có hơn 5 vạn người đưa tang Rosa Parks.
Gần hơn nữa (6/2008), ông ngoại trưởng Bỉ đi công cán ở Việt Nam từ Hà Nội vào Sài Gòn trên máy bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNAirlines) cùng với phái đoàn Bỉ đã đặt mua vé hạng Thương gia. Nhưng ông đã bị VNAirlines đuổi xuống hạng thường để nhường chỗ cho các quan chức Việt Nam (hình như là các Ủy viên TW Đảng) bay vào Sài Gòn dự lễ tang ông Võ Văn Kiệt. Ông đại sứ hăng say nài nỉ cuối cùng cũng xin được hai ghế hạng Thương gia còn trống cho phái đoàn mình nhưng ông Bộ trưởng vẫn không chịu lên ngồi. Một tờ báo của Bỉ đăng tin này, còn báo chí của chúng ta thì vẫn lặng yên (như mọi khi).
Xem ra Việt Nam ngày càng tiến bộ, và đang thực hiện quá trình thực dân hóa ngược bọn cựu thực dân. Ngày xưa da đen, da vàng, da nâu phải nhường ghế cho da trắng, giờ ở Việt Nam thì ngược lại, bọn da trắng đến xứ này dù có làm giời làm biển gì thì cũng phải nhường ghế cho da vàng.
Chỉ có điều da vàng phải phấn đấu thành quan chức da vàng mới có hy vọng đặc cách thế (chứ người con gái Việt Nam da vàng thì quên đi, có khi còn phải nhường chỗ cho da trắng ấy chứ). Thêm nữa, lại phải sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không hay vận tải Việt Nam. Chẳng trách thỉnh thoảng lại thấy mấy quan chức phát biểu trên báo rằng tôi luôn chọn VNAirlines khi đi công tác vì yêu nước! Sướng như các vị ấy, không cần đặt chỗ trước mà vẫn nghiễm nhiên có vé hạng Thương gia thì tội gì không yêu nước như thế cơ chứ. Nhưng với những người đã đặt vé để rồi bị hủy vé hay giảm hạng để nhường chỗ cho các vị đó thì hẳn sẽ không muốn chọn VNAirlines như vậy.
Ở đây lại có thể đặt một vấn đề khác. Tại sao ở VN, quan chức không thể hòa đồng với đời sống dân thường? Và tại sao việc dành ghế Thương gia cho quan chức cho dù họ không đặt chỗ trước lại được coi là việc bình thường, và việc tước ghế của những người khác cũng được coi là bình thường? Về việc ở Việt Nam các quan chức xa vời vợi so với dân thường, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có một bài rất hay nhân đám tang của cựu Thủ tướng.
Sự việc này còn cho thấy Việt Nam chúng ta đã thực sự thành điểm đến của Thiên niên kỷ mới, như mong ước của ngành du lịch. Ngoại trưởng Bỉ cũng chả là cái đinh gì, nước bé tí lại thiếu ổn định chính trị (người nói tiếng Fleming đang đòi tách ra). Nếu là Ngoại trưởng Mỹ hay Ngoại trưởng Tàu may ra còn nể nể (nhất là Tàu!) chứ Bỉ thì thôi, xuống dưới cho được việc, người ta đi đưa tang sếp cũ chứ có phải đi công cán đâu mà phải ngồi ghế Economy. Với lại, Tây có là cái đinh gì, lắm thằng đểu lắm. Một thằng luật sư ất ơ nào ở Ý chẳng lừa VNAirlines một cú đòi bao nhiêu triệu Euro còn gì?
Ông Ngoại trưởng Bỉ và đồng sự nên lấy tấm gương của Mahatma Gandhi với Rosa Parks ra mà suy ngẫm thay vì kể chuyện lại với báo chí nước ông, làm xấu hình ảnh một quốc gia đang vươn mình lớn mạnh và hiếu khách. Về điểm này, phải công nhận báo chí nước nhà có tinh thần yêu nước cao (có lẽ yêu nước không kém các quan chức) khi nhất quyết không đưa tin này nhằm bảo vệ hình ảnh hấp dẫn, thân thiện của môi trường đầu tư trong nước và không làm tổn hại tới uy tín của hãng VNAirlines.
No comments:
Post a Comment