Friday, June 13, 2008

Entry for June 13, 2008

Dạo này ở Việt Nam mọi người bắt đầu lo ngại về nông nghiệp bị mất đất. Chưa tìm hiểu nhiều về vấn đề này nên không dám có ý kiến gì.
Theo bài này, thì trong vài năm gần đây, mỗi năm đất nông nghiệp giảm đi 10.000 ha từ năm 2000-2005, và hơn 70.000 ha mỗi năm trong hai năm gần đây (trên tổng số đất nông nghiệp hơn 4 triệu ha).

Nhưng theo mình, nếu chỉ dựa vào diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp mỗi năm để cho rằng nông nghiệp và tình hình an ninh lương thực bị nguy hiểm là chưa thỏa đáng. Bởi vì khi kinh tế phát triển thì luôn có xu hướng chuyển dịch dân số lao động từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực khác, và do đó việc thu hẹp diện tích đất nông nghiệp là dễ hiểu. Cái đáng lo ngại là việc tăng vọt diện tích đất chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp/dịch vụ từ con số 10.000 ha mỗi năm lên 70.000 ha trong hai năm gần đây, phản ánh sự bất thường trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có lẽ do sự bùng nổ vốn FDI vào Việt Nam từ năm 2006 tới nay, cùng với việc VN tham gia WTO.
Giả sử như tốc độ chuyển đổi này sẽ giữ nguyên trong 15 năm tới hoặc tăng chút đỉnh, thì đến năm 2020 chúng ta sẽ mất chừng 900.000 tới 1 triệu ha đất nông nghiệp tức là thu hẹp diện tích đất nông nghiệp đi chừng 20-25%. Nếu lúc đó dân số nông nghiệp có giảm đi chừng 30-35% so với hiện nay (tức là còn khoảng 50% dân số làm nông nghiệp so với chừng 75% dân số làm nông nghiệp như hiện nay) thì tính ra diện tích đất trên lao động trong ngành nông nghiệp vẫn tăng chứ không giảm. Không rõ trong định hướng của Chính phủ thì tới năm 2020 (được xác định mục tiêu Việt Nam sẽ là nước công nghiệp vào năm này) sẽ có bao nhiêu % dân số hoạt động nông nghiệp?

Tất nhiên cần đánh giá lại việc giảm quỹ đất nông nghiệp này, xem mức giảm thế nào là hợp lý, và mức như hiện nay có phải quá cao không, nhưng cần thấy rằng việc giảm này là hậu quả đương nhiên của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và gia tăng luồng FDI (mà đa số không nhằm vào nông nghiệp). Ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tôi nghĩ không đáng ngại bằng ảnh hưởng như thế nào tới thu nhập người dân nông thôn, vì khu vực này vẫn có tỷ lệ nghèo đói cao so với khu vực đô thị.

Việc xây sân golf được cho là một lý do giảm diện tích đất nông nghiệp. Theo bài này của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, thì việc xây sân golf (cả nước hiện có 123 sân golf đã hay sẽ được xây) làm mất 15.000 ha đất nông nghiệp, như vậy chiếm khoảng 1/5 diện tích đất nông nghiệp bị mất trong năm 2007, và bằng chừng 0,4% diện tích đất nông nghiệp trên toàn quốc- một con số tôi nghĩ chưa thực sự đáng lo ngại. Việc xây sân golf có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống kinh tế địa phương thì cũng cần phải có đánh giá đầy đủ hơn. Có một điểm đáng chú ý trong bài của bà Bình là việc các sân golf sử dụng rất nhiều nước sạch và hóa chất, có thể gây thiếu nước cho đất nông nghiệp cũng như làm thoái hóa chất lượng đất nông nghiệp nói chung. Có lẽ những ảnh hưởng đó đóng vai trò quan trọng hơn việc xây sân golf làm thu hẹp đất nông nghiệp.

Hiện nay các dự án FDI cũng thiên về bất động sản nhiều quá, có lẽ nên có những điều chỉnh về ưu đãi đầu tư để vốn FDI chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, phục vụ xuất khẩu, thay vì đầu tư tràn lan vào bất động sản.

Nói chung, sự bối rối của Chính phủ trong vấn đề đất nông nghiệp cũng là một phần do sự "choáng" trước việc FDI vào dồn dập, cùng với các lời khen ngợi quá đáng của quốc tế. Có lẽ ám ảnh về một thời đói kém, và với lo ngại về an ninh lương thực do giảm diện tích đất nông nghiệp khiến Chính phủ gần đây cấm bán gạo ra nước ngoài. Nhưng động thái như thể chỉ là một giải pháp tình thế, và cần có chiến lược rõ ràng với nền nông nghiệp. Với tình trạng tỷ lệ đất/lao động nông nghiệp ở VN rất thấp như hiện nay thì cần làm sao để sự chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang các ngành khác diễn ra nhanh hơn chuyển đổi đất sử dụng thì mới có thể tăng năng suất được. Hơn nữa nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì còn tiềm ẩn những rủi ro về chính trị. Những đoàn dân khiếu kiện thời gian qua chủ yếu vẫn xung quanh vấn đề đất đai, do việc giải tỏa đất nông nghiệp để cho các khu công nghiệp được người dân địa phương cho rằng chưa thỏa đáng. Việc lao động nông nghiệp bị mất đất còn tạo ra một tầng lớp vô sản mới- các công nhân chưa được đào tạo ở các khu công nghiệp. Việc họ không thể quay trở về với đất đai, và buộc phải kiếm sống cũng khiến số phận họ trở nên mong manh, khiến họ dễ bị bóc lột và trả công rẻ mạt (và tiền lương quá thấp cùng các lao động kỹ năng kém cũng không khuyến khích chuyển giao công nghệ sang các công nghệ đòi hỏi lao động tinh xảo hơn).

Trong các năm sắp tới, World Bank sẽ tăng tỷ lệ ODA cho nông nghiệp do lo ngại về tình trạng an ninh lương thực toàn cầu. Chính phủ có thể tận dụng những khoản vốn này để chấn hưng ngành nông nghiệp nước nhà, nâng cao năng suất nông nghiệp hiện tăng trưởng rất chậm chạp, thua xa các ngành khác (như phân tích trong bài của TS Vũ Minh Khương trên Tuần Việt Nam).

No comments: