Tuesday, June 10, 2008

Entry for June 10, 2008

Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất cơ bản lên 14% (tức là lãi suất cho vay có thể lên tới 21%) và điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái 2%, nói cách khác là phá giá nhẹ đồng VN từ 16139 lên 16461 (tỷ giá liên ngân hàng), đồng thời chính thức cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng biên độ 2%, thay vì 1% như trước kia.

Tăng lãi suất cơ bản VND, giữ biên độ tỷ giá


Nói chung các diễn biến này là có thể được đoán trước và khó tránh khỏi, cho dù mới cách đây vài hôm, Thủ tướng còn tuyên bố không phá giá tiền tệ. Việc nâng lãi suất cũng phù hợp với khuyến nghị của IMF đề nghị NHNN tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Tác động của việc thay đổi tỷ giá này như thế nào tới tỷ giá trên thị trường tự do thì cũng khó có thể biết chắc, để vài hôm tới xem sao. Trong tình trạng kinh tế hiện nay, một số doanh nghiệp đã và đang mua vét đô-la trên thị trường tự do để phòng rủi ro tỷ giá. Một số doanh nghiệp than phiền gặp khó khăn khi mua ngoại tệ cho hàng nhập khẩu theo tỷ giá chính thức. Một số doanh nghiệp nhỏ quyết định nghỉ ngơi, ngừng làm việc trong thời kỳ biến động. Nhiều công ty nhập xe về không đủ tiền đóng thuế và không có khả năng bán được hàng giờ phải tái xuất và chịu lỗ. Giá bất động sản giảm mạnh ở Sài Gòn (có nơi giá chung cư giảm tới 60%) và giảm nhẹ ở Hà Nội (giá chung cư giảm từ 20-25% ở nhiều nơi).

Trong thời gian tới, mức tăng giá lương thực (hiện đóng góp tới hơn 70% lạm phát) được dự đoán sẽ giảm do giá lương thực trên thế giới đang có xu hướng đảo chiều, và vụ mùa này ở Việt Nam rất khả quan và thuận lợi. Nhưng giá nhiên liệu lại có thể tăng đáng kể vào nửa cuối năm nay.

Xem ra lãi suất hiện nay khó có thể tăng hơn nữa. Thay vào việc tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát, Nhà nước nên cắt giảm mạnh đầu tư công, vẫn tỏ ra thiếu hiệu quả trước đây, ngừng hãy hoãn việc đầu tư những dự án lớn nhưng chưa có hiệu quả ngay (nói theo Jonathan Pincus là rà soát lại hết các dự án triệu đô). Sự quá tự tin vào triển vọng trung dài hạn của nền kinh tế, và việc chậm ứng biến trước lạm phát đã khiến kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái trên bờ khủng hoảng và không thể dễ dàng hồi phục nhanh chóng. Việc cần làm nữa là rà soát lại hệ thống ngân hàng, rất có thể việc nền kinh tế đi xuống, theo sau sự xuống đáy của giá chứng khoán là sự xuống đáy của giá bất động sản sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và khiến nhiều ngân hàng có nguy cơ phá sản. Nếu trong tình trạng hiện nay mà một số ngân hàng phá sản thì tình trạng ngấp nghé khủng hoảng của chúng ta có thể sẽ biến thành khủng hoảng thực sự.

No comments: